Chữa lành những 'vết thương tinh thần' trong đại dịch
"Sang chấn tâm lý hàng loạt" là một trong những cụm từ được giới y khoa nhắc tới nhiều nhất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sắp bước sang năm thứ ba.
Lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, buồn bã, mất ngủ cùng hàng loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần khác đang trở nên phổ biến hơn. Dịch bệnh hoành hành không chỉ tác động tới sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và đời sống, làm gia tăng những yếu tố có thể gây ra những “vết thương tinh thần”. Đó là khi mỗi cá nhân và những người thân của họ đều có thể bị nhiễm bệnh và tử vong, có thể mất việc, bị phá sản, hay thường xuyên phải ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc giao lưu… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tác động của đại dịch đến sức khỏe tâm thần sẽ là "lâu dài và sâu rộng".
Đối với Kellene Diana, một phụ nữ da màu ở Mỹ, đại dịch COVID-19 có lẽ là “cú sốc thứ hai” khiến chị lại rơi vào sợ hãi, cô đơn, mất kiểm soát và bị trầm cảm, những gì mà chị từng trải qua sau khi chứng kiến vụ tấn công khủng bố đẫm máu ngày 11/9/2001.
Diana hiện phải quay trở lại với những liệu pháp điều trị tích cực, dù trước đó, người phụ nữ này đã vượt qua hội chứng Rối loạn lo âu hậu sang chấn (PTSD) sau cú sốc tâm lý từ vụ 11/9 và không phải uống thuốc chống trầm cảm nhiều năm. Điều tồi tệ nhất là con gái của Diana nay cũng xuất hiện những triệu chứng rối loạn tâm thần do hậu quả của đại dịch.
Tại Mỹ, khoảng 40% số người trưởng thành đã báo cáo các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trong thời gian xảy ra dịch bệnh, tăng gấp 4 lần so với tỷ lệ 10% từ trước khi đại dịch bùng phát. Tương tự, kết quả một cuộc khảo sát ở Australia, được thực hiện trong thời gian nước này siết chặt các biện pháp phòng dịch từ tháng 3/2020 đến giữa tháng 6/2021, cho thấy 20% số người được hỏi thừa nhận họ ngày càng lo âu về dịch bệnh COVID-19, trong đó chiếm phần lớn là nhóm đối tượng có độ tuổi trẻ hơn, là nữ giới, gặp phải biến động do dịch bệnh như công việc, tài chính bị cắt giảm. Tại Anh, tỷ lệ người rơi vào trạng thái trầm cảm đã tăng gần gấp đôi từ 10% lên 19%, trong đó những người trưởng thành là thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người không có khả năng chi trả những khoản chi phí phát sinh... cũng chiếm tỷ lệ cao hơn cả.
WHO nêu rõ: "Cảm xúc lo lắng bị nhiễm bệnh, tác động tâm lý của các biện pháp phong tỏa và cách ly đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần, bên cạnh sự trầm cảm liên quan đến thất nghiệp, vấn đề tài chính và liên kết xã hội". Đặc biệt, những đối tượng yếu thế, người có trình độ học vấn thấp, phụ nữ người già, trẻ em… dễ bị tác động tâm lý hơn, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần.
Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Henrietta Fore nhận định những tháng xảy ra đại dịch "là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em". Bà cho rằng những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến dịch bệnh đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp và việc vui chơi vốn là những phần không thể thiếu của tuổi thơ.
Theo báo cáo "Tình hình thanh thiếu niên thế giới năm 2021" của UNICEF, trung bình cứ 5 người trong độ tuổi từ 15-24 thì có một người cho biết cảm thấy chán nản hoặc hầu như không có hứng thú làm bất cứ việc gì. UNICEF cũng cảnh báo những gì chúng ta biết về tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình trạng sức khỏe tâm thần kém ở trẻ em và thanh thiếu niên chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”
Trong khi đó, để ứng phó với đại dịch đang hoành hành và tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhiều nước đã phải tạm ngừng một số dịch vụ y tế, trong đó có chăm sóc sức khỏe tâm thần. Báo cáo "Bản đồ sức khỏe tâm thần" mà WHO mới công bố, cho thấy bức tranh đáng thất vọng của thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần khi mà nhu cầu tăng cao trong bối cảnh đại dịch. Năm 2020, chỉ có 52% quốc gia % trong số 194 quốc gia thành viên WHO đạt được mục tiêu liên quan đến chương trình phòng ngừa và nâng cao sức khỏe tâm thần, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 80% mà tổ chức này đề . Đại dịch đã làm gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% các quốc gia trên thế giới. Những người có các vấn đề tâm lý từ trước không thể đến gặp bác sỹ tư vấn trực tiếp, họ cũng là người có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao hơn nếu mắc bệnh COVID-19.
Nghiên cứu của WHO tại 130 quốc gia ở 6 khu vực chỉ ra hơn 60% các quốc gia ghi nhận gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm người dễ tổn thương như trẻ em và trẻ vị thành niên, phụ nữ và người lớn tuổi, 67% ghi nhận tình trạng gián đoạn tư vấn và trị liệu tâm thần và có tới hơn 70% các quốc gia ghi nhận tình trạng gián đoạn dịch vụ sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc và trường học. Tỷ lệ những người được chăm sóc sức khỏe tâm thần trên toàn cầu theo từng hội chứng cụ thể chưa đến 50%. Tính trung bình trên thế giới, chỉ có 40% số người bị trầm cảm và 29% người bị rối loạn tâm thần được tiếp nhận điều trị.
Tại kỳ họp Đại Hội đồng y tế thế giới lần thứ 74 vừa qua, các bên tham gia đã thống nhất rằng trong bối cảnh đại dịch hiện nay, sức khỏe tâm thần cần được chú trọng như một ưu tiên trong chiến lược can thiệp tổng thể của các quốc gia để đối phó với đại dịch, đồng thời kêu gọi việc thực hiện chăm sóc sức khỏe tâm thần phải trở thành một trách nhiệm chung của toàn xã hội thực trạng. Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 năm nay, WHO đã lấy chủ đề "Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người: Hãy biến nó thành hiện thực", đồng thời kêu gọi củng cố các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua công nghệ. Chính phủ các nước cũng đã triển khai những cách thức khác nhau nhằm cải thiện và tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân.
Giới chuyên gia cũng đã chia sẻ những biện pháp giúp giải tỏa tâm trạng lo âu, căng thẳng trong đại dịch. Tiến sĩ Wendy Suzuki chuyên ngành khoa học thần kinh và cũng là giáo sư tại Trung tâm Khoa học thần kinh thuộc Đại học New York, Mỹ, đã đưa ra 6 lời khuyên về việc rèn luyện khả năng chịu đựng và sức khỏe tâm thần mỗi ngày, bao gồm: tập hình dung về những kết quả tích cực, biến lo âu thành động lực, thử làm một điều mới mẻ, chia sẻ và kết nối với mọi người xung quanh, tự khích lệ bản thân bằng những lời nhắc nhở tích cực vào mỗi buổi sáng và tối khi bắt đầu và kết thúc một ngày, và tìm cách hòa mình vào thiên nhiên.
Nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, Diana đã được ngừng dùng thuốc chống trầm cảm, đồng thời cũng giúp điều trị cho con gái mình. Hiện chị còn trở thành một chuyên gia tư vấn, sáng lập ra Đại học Trái tim Xanh (Green Heart University - GHU), cơ sở hoạt động theo hình thức trực tuyến nhằm lan tỏa Tình yêu Xanh để mang lại nhận thức cơ bản về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Viện Y tế toàn cầu của Tây Ban Nha (ISGlobal) cảnh báo rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra có thể là đại dịch tiếp theo nếu con người không kịp thời can thiệp. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định "sức khỏe tâm thần tốt là nền tảng cơ bản cho sức khỏe tổng thể và hạnh phúc”. Điều đó cho thấy các chính phủ cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để đầu tư thêm cho các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cả trong và sau đại dịch.