Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm

Diệp Lục,
Chia sẻ

Thông qua nghiên cứu, nhà tâm lý học đã phần nào chỉ ra được nguồn gốc bạo lực của trẻ em bắt nguồn từ đâu để cha mẹ có thể điều chỉnh, đem đến cho con mình một môi trường lành mạnh nhất.

Nguồn gốc hành vi bạo lực của trẻ em là câu hỏi mà các nhà khoa học luôn đau đầu đi tìm kiếm câu trả lời xác đáng nhất. Từ năm 1961, nhà tâm lý học Albert Bandura (Mỹ) đã nghiên cứu vấn đề này bằng thí nghiệm búp bê Bobo gây ra nhiều tranh cãi trong lịch sử. Thông qua cuộc nghiên cứu này, ông Albert Bandur kết luận rằng hành vi bạo lực hình thành qua con đường học tập chứ không phải di truyền.

Để phục vụ cho cuộc thí nghiệm, ông Bandura cùng các cộng sự của mình đã tuyển chọn 36 bé trai và 36 bé gái từ 3 đến 6 tuổi và chia làm ba nhóm: Nhóm tiếp xúc với hình mẫu bạo lực, nhóm tiếp xúc với hình mẫu không bạo lực và nhóm không tiếp xúc với hình mẫu nào (nhóm kiểm soát). 3 nhóm này cũng chia thành 6 nhóm nhỏ, tách thành hai giới là bé gái và bé trai.

Nhà tâm lý học này dự đoán rằng nhóm trẻ quan sát mẫu người lớn không bạo lực sẽ ít hung hãn hơn trẻ quan sát mẫu người lớn bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ dễ bắt chước hành vi của người lớn cùng giới và bé trai có xu hướng bạo lực hơn trẻ em gái.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 1.

Nhà tâm lý học Albert Bandur và búp bê Bobo nổi tiếng.

Từng bé được đưa vào lần lượt ba phòng ở Đại học Stanford. Phòng thứ nhất có rất nhiều đồ chơi và con búp bê mặt hề Bobo cao 1m. Vài phút trôi qua, một người lớn đi vào phòng. Đối với nhóm trẻ tiếp xúc với hình mẫu bạo lực, người này tấn công Bobo bằng cách đấm, đạp đổ, cào mặt, ngồi lên và sử dụng các câu nói đầy hung hăng như "đá nó đi", "đấm vào mặt nó". Đối với nhóm trẻ tiếp xúc với hình mẫu không bạo lực, người lớn phớt lờ Bobo.

Sau 10 phút tiếp xúc với hình mẫu người lớn, mỗi đứa trẻ được đưa đến một căn phòng khác có nhiều đồ chơi hấp dẫn. Chúng không được phép chơi với bất kỳ đồ chơi nào trong số này, mục đích nhằm tạo mức độ thất vọng, tức giận trong trẻ.

Cuối cùng, mỗi đứa trẻ được đưa đến phòng thí nghiệm. Căn phòng này chứa một số đồ chơi "hung tính" bao gồm một cái búa đồ chơi, một quả bóng có vẽ khuôn mặt, súng phi tiêu và một con búp bê Bobo. Căn phòng cũng có một số đồ chơi "không hung tính" bao gồm bút màu, giấy, búp bê, động vật bằng nhựa và xe tải. 

Mỗi đứa trẻ được phép chơi trong phòng này 20 phút trong khi những người làm thí nghiệm đứng ở ngoài quan sát hành vi của đứa trẻ từ phía sau gương một chiều và đánh giá mức độ hung tính của trẻ. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ có biểu hiện khác nhau với đồ chơi khi bước vào căn phòng. Một số bé bắt đầu xuất hiện hành vi thô bạo với búp bê.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 2.

Hình mẫu người lớn bạo lực trong thí nghiệm.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 3.

Bé gái có hành vi hung tính.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 4.

Hình ảnh thu lại được từ cuộc thí nghiệm.

Kết quả nghiên cứu diễn ra gần giống với dự đoán của Bandura. Cụ thể, trẻ chứng kiến hành vi bạo lực của người lớn với búp bê Bobo có xu hướng bắt chước lại hành vi này khi không có ai giám sát. Ngược lại, trẻ không chứng kiến hành vi bạo lực tỏ ra bình tĩnh. Theo Bandura, người lớn đấm đá búp bê Bobo khiến trẻ em tin rằng hành vi này được xã hội chấp nhận. 

Tuy nhiên, có sự khác biệt quan trọng về giới. Những bé trai quan sát người lớn cùng giới (nam giới) cư xử thô bạo bị ảnh hưởng nhiều hơn bé trai quan sát người lớn nữ giới có cùng hành vi hung tính. Trẻ trai thường bắt chước hành vi bạo lực thể chất còn trẻ gái bắt chước lời nói. Các nhà nghiên cứu cũng đã đúng khi dự đoán bé trai sẽ cư xử hung hăng hơn, hành vi hung tính gấp đôi bé gái.

Thí nghiệm này giúp các nhà khoa học đưa ra kết luận: "Các hành vi cụ thể có thể được học thông qua quan sát và bắt chước". Trong tương lai, những đứa trẻ này có xu hướng phản ứng với sự thất vọng bằng hành vi hung tính. Đây là lý do về sau cuộc thí nghiệm dẫn đến nhiều tranh cãi. Một số nhà phê bình cho rằng nghiên cứu này là phi đạo đức. Bằng cách thao túng những đứa trẻ cư xử hung hãn, những người làm thí nghiệm về cơ bản là đã dạy cho những đứa trẻ này trở nên bạo lực, hung hãn hơn.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 5.

Cho hàng chục đứa trẻ chứng kiến cảnh đánh đấm một con búp bê làm thí nghiệm, nhà khoa học phát hiện ra sự thật khiến nhiều cha mẹ phải suy ngẫm - Ảnh 6.

Con búp bê Bobo hiện được trưng bày tại bảo tàng.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng kết quả trong phòng thí nghiệm không giống kết quả ngoài đời thực và hành vi bạo lực được ghi lại ngay lập tức nên không rõ có kéo dài hay không. Đặc biệt, trẻ có thể không chủ ý tấn công Bobo mà làm vậy để người lớn hài lòng.

Mặc dù vậy, cho đến nay, thí nghiệm búp bê Bobo vẫn là một trong những thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhất và được đưa vào nhiều giáo trình. Búp bê Bobo được sử dụng trong thí nghiệm hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Tâm lý Quốc gia Mỹ ở Akron, bang Ohio.

Trong nửa thế kỷ kể từ thí nghiệm búp bê Bobo, đã có hàng trăm nghiên cứu khác về chủ đề bạo lực ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của trẻ. Mặc dù một số nghiên cứu trên trẻ em vấp nhiều phản ứng của cộng đồng vì ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, các chuyên gia vẫn khuyên bố mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với các hình ảnh bạo lực, có thể gây ra những tác động đến tâm lý và hình thành hành vi xấu cho trẻ.

Theo các chuyên gia, các hình ảnh bạo lực có thể đến từ phương tiện truyền thông hoặc chính hành vi của cha mẹ hàng ngày. Để tránh trở thành hình mẫu bạo lực cho trẻ, người lớn cần thực hiện các hành vi phi bạo lực mang tính tích cực, như giao tiếp tôn trọng để giải quyết vấn đề thay vì gây hấn.

Nguồn: Psychclassics, Britannica

Chia sẻ