Cho dù bị lên án, ghen ghét tột cùng, vì sao trên đời lại có một số cô gái sẵn sàng làm Tuesday?
Một mối quan hệ vốn chỉ đủ chỗ cho 2 người, người thứ ba bước vào dù cố tình hay được một bên ngầm cho phép cũng là điều không nên.
Trong quan niệm truyền thống, Tuesday là một đám con gái thích hư vinh, hết ăn lại nằm, chỉ thích đào mỏ, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng thời hiện đại, Tuesday cũng trở nên đa dạng hơn.
Về tuổi tác, có trẻ như học sinh, có già tóc bạc trắng; ngoại hình có xinh đẹp tuyệt trần, cũng có hết sức bình thường; kinh tế có người cần bao nuôi, có người thậm chí bao nuôi ngược; về phẩm cách, ngoại trừ việc làm Tuesday, mọi phương diện khác đều giống người bình thường, thậm chí có người còn nổi tiếng hoặc sở hữu sự nghiệp thành công khiến người khác ngưỡng mộ.
Tuesday của hôm nay không còn để chỉ những người mất hết tôn nghiêm nữa. Rất nhiều cô gái mắng Tuesday nhưng quay lưng có trời biết được, cô nàng ấy cũng có thể trở thành Tuesday...
Vậy rốt cuộc vì sao có những người lại chấp nhận làm Tuesday như thế?
1
Nhân cách tự trọng thấp là nền tảng khiến Tuesday sinh sôi
Câu cửa miệng của những người làm kẻ thứ ba thường là: Tình yêu không có lỗi.
Câu này đúng thật không sai nhưng có vấn đề xuất hiện: Con người sống ở đời, ngoại trừ tình yêu chẳng lẽ không còn điều gì khác? Đối với một người, tình yêu là thứ lớn nhất hay sao?
Bạn yêu một người đàn ông, nhưng tình yêu này lại phải đổi bằng chính tự trọng của bạn. Bạn phải sống trong bóng tối, không được thừa nhận, ra ngoài nắm tay ăn uống hẹn hò đều phải lén lút.
Bạn yêu một người đàn ông, nhưng phải chia sẻ người đó với một người khác nữa. Quần áo của người ấy do vợ hay bạn gái của người ta chọn; trên người người ấy có mùi hương của người con gái khác; ngày nghỉ lễ người ấy đều phải dành thời gian cho người khác; đang ở cùng bạn, người yêu người đó gọi là người đó liền đi; ở nơi công cộng người ấy công khai ôm eo người yêu, thỉnh thoảng còn hôn môi.
Tình yêu như thế, mà cũng nhịn được ư?
Với hội Tuesday, câu trả lời là có thể. Bởi vì họ đều là những người không có cái gọi là tự tôn.
Trong tâm lý học, định nghĩa của tự tôn là như thế này: Cách chúng ta đối xử với bản thân, nhận xét đối với bản thân cũng như giá trị chúng ta tự áp lên cho mình.
Người có tự tôn thấp luôn có quan điểm đối lập về phẩm chất và giá trị, họ vốn cho rằng bản thân không tốt, không xứng với những điều tốt đẹp. Vì nhận thức như thế nên chỉ cần có một tia sáng le lói, họ cũng thấy rất xán lạn.
Trong khi đó, một cô gái có lòng tự trọng cao, dù có yêu một người tới cỡ nào cũng không bao giờ chấp nhận mình trở thành người thứ ba.
Thế nên đừng lấy yêu ra làm cớ!
2
Ám ảnh cưỡng chế lặp lại những tổn thương tuổi thơ
Nếu một người từng bị thương nhưng không chữa khỏi thì tâm lý người ấy sẽ luôn tự nhắc bản thân, mình không được giẫm vào vết xe đổ. Thế nhưng tiềm thức của người ấy lại không tự chủ mà đưa người ấy trải qua việc đó một lần nữa, bởi lẽ người ấy luôn nghĩ đến việc quay trở về, thời gian đảo ngược, trở lại nơi từng bị thương lần đầu, để thay đổi tất cả, có thể cuộc sống mới tiếp tục được.
Giống như chúng ta xem phim khoa học viễn tưởng, nhân vật chính muốn dùng cỗ máy thời gian để trở lại một khoảnh khắc nào đó, thay đổi một tình tiết nào đó, khiến bi kịch không tái sinh nữa. Người đó từng trở về một lần, từng chịu đau đớn một lần, cứ hết lần này đến lần khác thất bại rồi hết lần này đến lần khác tiếp tục. Người đó sống trong một vòng luẩn quẩn, vòng đi vòng lại.
Sigmund Freud - nhà tâm lý học, người sáng lập trường phái phân tích tinh thần đã từng đưa ra khái niệm "ám ảnh cưỡng chế lặp lại" vào năm 1920.
Ông tiến hành quan sát đối tượng trẻ nhỏ và phát hiện, những đứa trẻ thường ném món đồ chơi mình thích nhất ra khỏi giường, sau đó gào khóc đòi, lặp đi lặp lại. Freud cho rằng, trẻ con coi món đồ chơi như vật thay thế mẹ mình, trải nghiệm cảm giác mất đi, thông qua trải nghiệm này chữa lành tổn thương do việc người mẹ thỉnh thoảng lại không ở bên cạnh mình.
Rất nhiều cô nàng Tuesday, hồi nhỏ đều từng bị bỏ rơi, dù theo cách này hay cách khác.
Tôi biết một người, làm Tuesday 20 năm, từ cấp 3 đến bây giờ, bạn trai của cô nàng ai cũng là người hoặc đã có người yêu hoặc đã có vợ. Nó không cần tiền, công việc của nó ổn định, lương cao, thậm chí có những người đàn ông còn lấy tiền của nó về cho vợ mình. Mỗi lần nó ở bên một người đàn ông, câu nó nói nhiều nhất là: "Đừng bỏ rơi em". Nhưng đàn ông đã có gia đình, ra đi chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Nếu bạn sợ mất đi, tại sao không tìm một người đàn ông tử tế mà lấy? Tại sao cứ nhất định phải tìm một người rõ ràng không thể cùng bạn đi đến tận cùng, để rồi phải chịu cảm giác không ngừng mất đi ấy?
Người tôi đang nhắc đến đó, bố mẹ ly hôn từ lâu. Sau khi mẹ nó bỏ đi thì không còn quay về thăm nó thêm lần nào nữa. Bố nó thì lập gia đình mới, đồng thời có thêm một người con trai. Nó sống với bố nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình dư thừa. Lên cấp 2 nó đã xin đi ở trọ, lên Đại học thì nghỉ lễ, nghỉ hè đều không chịu về nhà.
Dù sau khi trưởng thành nó rất thành công, rất ưu tú nhưng tuổi thơ bị bỏ rơi luôn ám ảnh nó, khiến nó chìm trong cảm giác ấy không sao thoát ra được.
3
Theo đuổi cảm giác an toàn
Trong suy nghĩ của chúng ta, con gái vẫn luôn được coi là đối tượng cần được bảo vệ, anh hùng cứu mỹ nhân trở thành motif quen thuộc đến sáo mòn.
Một cô gái, phải yếu mềm, phải nhỏ bé, phải dựa vào một người đàn ông, đó là khát vọng từ đáy lòng mỗi cô gái. Không phải họ không thể mạnh mẽ, chỉ là mạnh mẽ khiến họ không còn cảm giác giá trị và cảm giác vui vẻ. Giống như một cô gái lúc bình thường giỏi giang vô cùng, nhưng cứ trước mặt đàn ông là trở nên ngốc nghếch, bởi lẽ cảm giác ấy theo họ là ngọt ngào và dễ chịu.
Mà một cậu thanh niên choai choai mới bước chân vào xã hội, tiền tài, năng lực, cảm giác an toàn làm sao so được với một gã đàn ông chững chạc cơ chứ? Cùng một việc, đối với bạn là vô cùng to tát, đáng để đau đầu nhưng với những người đàn ông thành công, nó chỉ nhẹ nhàng như một câu nói, một tờ giấy hoặc một xấp tiền.
Đó chính là sự quyến rũ của một người đàn ông trưởng thành. Ở bên người đó, bạn không còn cảm giác âu sầu, không còn phải gánh vác trách nhiệm, không cần sợ hãi điều gì, người ta sẽ thay bạn giải quyết tất cả.
Những người chấp nhận làm Tuesday có lẽ đã quên con gái hiện đại càng ngày càng mạnh mẽ, kiên cường, họ có thể tự giải quyết các vấn đề của bản thân, thậm chí đưa tay hỗ trợ người khác nữa.
4
Vì tiền
Sống vì vật chất, nghe thì tầm thường nhưng thực chất lại hết sức phổ biến. Những cô Tuesday kiểu này đào mỏ với tâm lý trả thù đời.
Bởi vì họ kiếm tiền quá khó khăn, phải bán thanh xuân, tình cảm, niềm vui, tự do của mình thế nên họ phải khiến những nỗ lực của mình trở nên đáng giá, bởi thế một khi có cơ hội, họ sẽ bòn rút tiền và tiêu tiền một cách cực kì vô tội vạ.
Họ phần lớn đều không có kế hoạch tương lai cụ thể và rõ ràng mà chỉ có tầm nhìn ngắn hạn.
Có cô gái từng nói với tôi, cô ấy chỉ muốn sống đến năm 40 tuổi thôi vì qua 40 tuổi, sức cuốn hút của cô ấy không còn nữa, cái "vốn" để kiếm tiền cũng mất.
Còn có cô từng nói, sau khi chết chắc có địa ngục nhỉ, vậy để tôi xuống địa ngục cũng được, lúc còn sống vui vẻ là đủ rồi.
Kết
Nói đi cũng phải nói lại, một mối quan hệ vốn chỉ đủ chỗ cho hai người, người thứ ba bước vào dù cố tình hay được một bên ngầm cho phép cũng là điều không nên. Tình yêu vốn khó tìm nhưng thực chất cũng không khó tìm đến thế, bạn không cho mình một cơ hội mới, cứ rúc mình vào góc tối tăm thì sao biết bản thân đã bỏ lỡ gì.
Và cũng đừng quên, dù là Tuesday hay "chính thất", nếu bạn còn sống với tư tưởng lấy một người đàn ông làm trung tâm, muốn giao phó cuộc đời mình cho họ thì sẽ không hạnh phúc được!