Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức

PHƯƠNG ANH / VTC NEWS,
Chia sẻ

6 tuần sóng gió của Thủ tướng Anh Liz Truss cho thấy cuộc chiến chống lạm phát định hình lại nền kinh tế châu Âu thế nào.

Thủ tướng Anh Liz Truss từ chức là câu chuyện kỳ lạ của một nhà lãnh đạo leo lên đỉnh quyền lực bằng 81.326 lá phiếu của các đảng viên đảng Bảo thủ, để rồi nắm quyền chỉ trong 45 ngày. Nhưng 6 tuần sóng gió của vị Thủ tướng này cũng làm dấy lên một câu hỏi có thể mang tính đại diện: Khi kinh tế khủng hoảng, chính trị phản ứng thế nào?

Các chuyên gia của tờ Washington Post đã đưa ra lời giải cho câu hỏi này.

Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức chỉ sau 45 ngày nắm quyền. (Ảnh minh họa)

Chính trị gặp thách thức vì khủng hoảng kinh tế

Về điều này, châu Âu đã và đang có sẵn một số ví dụ. Giống như khi khủng hoảng nợ Hy Lạp ập đến với chính phủ của đảng Syriza dân túy cánh tả năm 2015, cú sốc giá năng lượng và thực phẩm từ Ukraine đang khơi dậy những nguy cơ chính trị mới.

Italia gần đây, trong cuộc bầu cử tháng 9, đã từ bỏ thủ tướng theo chủ nghĩa trung dung nổi tiếng, chính khách-nhà kinh tế Mario Draghi, thay vào đó vận động cho một bộ ba đảng dân túy cực hữu. “Không thể để khủng hoảng năng lượng khiến chủ nghĩa dân túy quay trở lại”, ông Draghi từng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 vào tháng 6. Nhưng có vẻ điều này khó thành hiện thực.

Còn tại Thụy Điển, chật vật với phản ứng dữ dội của công chúng từ làn sóng nhập cư cũng như triển vọng kinh tế khó khăn, chính phủ trung tả đã phải giải tán. Liên minh cầm quyền mới phụ thuộc vào đảng Dân chủ Thụy Điển chống nhập cư, những người đã giành được 1/5 số phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 9 bất chấp nguồn gốc tân phát xít của họ.

Nhìn trong bối cảnh này thì thời gian nắm quyền ngắn ngủi của Thủ tướng Liz Truss là một phần của xu hướng. Bà đã vận động tranh cử vào mùa hè như một người có tư tưởng cấp tiến, thách thức cựu Bộ trưởng tài chính kỹ trị Rishi Sunak, tuyên bố rằng các quan chức quan liêu và các nhà kinh tế chỉ chú trọng vào hiện trạng đang kìm hãm nước Anh. Có những lời tán dương như ví bà sẽ là một Margaret Thatcher khác.

Nếu thể hiện chủ nghĩa cấp tiến của mình thành những quy định phù hợp, có thể bà đã làm được.

Nhưng đối mặt với áp lực của cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, Thủ tướng Truss mang đến một kiểu chủ nghĩa cấp tiến khác. Đầu tiên là đưa ra chương trình trợ cấp nhiên liệu mà chính phủ khó có thể chi trả được; sau đó là cắt giảm thuế vô cớ; điều dẫn đến phản ứng dữ dội của thị trường tài chính. Bà Truss cuối cùng bị truyền thông chỉ trích, so sánh tuổi thọ sự nghiệp chính trị của bà với thời hạn sử dụng của rau diếp.

Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức - Ảnh 2.

Thời gian nắm quyền ngắn ngủi của Thủ tướng Liz Truss dường như là một phần của xu xu hướng chính trị chịu ảnh hưởng bởi kinh tế.

Vòng luẩn quẩn trái phiếu

Sự sụp đổ chính trị đáng kinh ngạc của Thủ tướng Anh Liz Truss cho thấy điều gì có thể xảy ra khi các kế hoạch đầy tham vọng va chạm với thực tế thị trường tài chính, nơi đặt cuộc chiến chống lạm phát lên trên hết.

Bà Truss từ chức chỉ sau 45 ngày tại vị, kết quả của sự hỗn loạn thị trường do bà có kế hoạch tăng vay nợ của chính phủ và cắt giảm thuế, bất chấp tỷ lệ lạm phát hàng năm trên 10%.

Khủng hoảng của Thủ tướng Truss cũng được thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị rõ ràng. Nhưng biến động thị trường – nơi có thời điểm các nhà đầu tư đánh giá Anh có rủi ro tín dụng tồi tệ hơn cả “cái tên quen thuộc” Italia - đã gây ra những khó khăn bất ngờ cho các quỹ hưu trí và dường như hiệu ứng domino chỉ trực bắt đầu.

Các quỹ hưu trí Anh trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng. Nhiều nhà quản lý quỹ đã tham gia vào một chiến lược được gọi là đầu tư dựa trên trách nhiệm, hoặc LDI, được xây dựng để cho phép lương hưu kiếm được lợi nhuận cao hơn trong thời kỳ lãi suất thấp từ sau khủng hoảng tài chính 2007-2008. Với LDI, các nhà quản lý quỹ về cơ bản sẽ cho vay trái phiếu để đổi lại tiền mặt, từ đó họ sẽ tái đầu tư để tăng lợi nhuận.

Khi lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng đột biến, các quỹ buộc phải nhanh chóng huy động tiền mặt để bù đắp chênh lệch giữa giá trị ban đầu của trái phiếu mà họ đã cầm cố và mức giá thấp hơn hiện tại của chúng. Cách nhanh nhất để huy động tiền là bán trái phiếu chính phủ.

Nhưng điều đó đã tạo ra một vòng luẩn quẩn: Giá trái phiếu giảm đồng nghĩa với nhu cầu về tài sản thế chấp nhiều hơn, đòi hỏi phải bán trái phiếu nhiều hơn, đẩy giá xuống nhiều hơn.

Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức - Ảnh 3.

Thị trường trái phiếu chính phủ "hỗn độn" ở Anh, từ tháng 12/2021 đến tháng 9/2022. (Nguồn: Bloomberg. Đồ họa: Financial Times. Chú thích: Các đường màu lần lượt biểu thị lợi suất trái phiếu 10, 30, 40 và 50 năm, đơn vị tính là %)

John Waldron, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Goldman Sachs, nói với một nhóm ngành trong tháng 10 rằng: “Đây là những điều chúng tôi đã thấy trong một cuộc khủng hoảng tài chính và đó là điều đáng lo ngại. Chúng tôi không biết rủi ro tiếp theo khiến thị trường thay đổi là gì”.

Thật vậy, rắc rối mới có thể lan từ thị trường này sang thị trường khác.

Mối liên hệ khó lường giữa tài chính và địa chính trị

Tại Mỹ, các nhà phân tích cho biết, các quỹ tương hỗ trái phiếu, lương hưu, nợ doanh nghiệp và tài chính của chính phủ liên bang đều đang được xem xét kỹ lưỡng để tìm ra xem có điểm gây nguy cơ nào không, trong khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong 40 năm.

Các nhà đầu tư dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nâng lãi suất nhiều lần trong những tháng tới để giảm bớt giá tiêu dùng, với các quyết định sẽ được đưa ra cả trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 11.

Eric Robertsen, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu và chiến lược gia chính của ngân hàng Standard Chartered ở Dubai cho biết: “FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có điều gì đó xảy ra. Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng sẽ có một sự đứt gãy thị trường tài chính trước khi nền kinh tế rạn nứt”.

Sau nhiều năm thực hiện các chính sách tiền tệ có phần nới lỏng, FED dẫn dắt các ngân hàng trung ương thắt chặt tín dụng để chống lại lạm phát cao. Lãi suất đã tăng mạnh hơn ở Mỹ, Vương quốc Anh, châu Âu, Canada và hàng chục quốc gia nhỏ hơn trong chiến dịch gần như rộng lớn nhất từ trước đến nay, nhằm tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Kết quả, sự biến động của thị trường trái phiếu trong tháng này đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020, khi FED buộc phải mua 1 nghìn tỷ USD chứng khoán kho bạc Mỹ. Trước tình hình này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen lại tiếp tục cân nhắc mua lại một số chứng khoán chính phủ từ các nhà giao dịch để giảm bớt hoạt động của thị trường.

Trên toàn cầu, các cổ phiếu đã mất giá khoảng 30 nghìn tỷ trong năm nay, trong khi trái phiếu trải qua một trong những năm tồi tệ nhất.

Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức - Ảnh 4.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen. (Ảnh: Reuters)

Trong khi thị trường tài chính định hình lại, các rủi ro quốc tế gia tăng, trong đó có cuộc chiến ở Ukraine và sự suy thoái của các thị trường liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung.

Mối liên hệ khó lường giữa tài chính và địa chính trị từng bùng phát trong những thời đại trước, như vào năm 1998 khi quỹ Long-Term Capital Management sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính Nga, khiến chính phủ Mỹ phải đưa ra gói cứu trợ khẩn cấp.

“Có nguy cơ việc thắt chặt các chính sách tài chính một cách mất trật tự có thể khuếch đại tác động do những lỗ hổng tích tụ trong nhiều năm”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo, trong đó cho biết rủi ro bất ổn của thị trường tài chính đã tăng lên kể từ tháng 4.

Hơn 10 năm qua, khi lãi suất thấp, khi FED tích cực mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, các nhà đầu tư có thể dễ dàng bán mọi thứ mà họ có. Hiện tại khi FED và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường thanh khoản trở nên tắc nghẽn hơn. Các nhà đầu tư khi muốn bán tài sản gặp phải sự chậm trễ hoặc chênh lệch lớn giữa giá chào bán của họ và những gì người mua sẽ trả.

“Tính thanh khoản đang giảm dần do các thị trường khác yếu đi và bây giờ chúng ta sẽ thấy điều này trong một loạt tài sản”, Megan Greene, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Viện Kroll cho biết.

Chính sách kinh tế gây tranh cãi của nữ Thủ tướng Anh trước khi từ chức - Ảnh 5.

thu tuong anh tu chuc va bai hoc kinh te tu chau au4.jpg

Có nguy cơ việc thắt chặt các chính sách tài chính một cách mất trật tự có thể khuếch đại tác động do những lỗ hổng tích tụ trong nhiều năm

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

Thế khó của người kế nhiệm

Nghịch cảnh kinh tế đã đẩy Thủ tướng Truss đi sai hướng, điều có thể buộc người kế nhiệm của bà phải vạch ra một hướng đi khác, bất chấp những chủ trương của đảng chính trị.

Trước đó, trong nỗ lực cứu lấy vị trí thủ tướng của mình, bà Truss đã sa thải Bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và thay ông bằng Bộ trưởng Jeremy Hunt. Ông Hunt được cho đã tuyển dụng một nhà kinh tế có chuyên môn và từng làm việc cho bộ tài chính làm cố vấn. Trong khi Kwarteng thông báo cắt giảm thuế, rồi hứa hẹn tiếp tục cắt giảm nhiều hơn nữa, ông Hunt bình tĩnh hủy bỏ chương trình này.

Những người phản đối các chính sách của bà Truss ở Ngân hàng trung ương Anh giờ chắc có thể ngẩng cao đầu. Họ cũng đã cố gắng ổn định thị trường mà không làm tổn hại đến uy tín chống lạm phát: Họ ủng hộ các mức giá trái phiếu chính phủ dài hạn, đồng nghĩa với việc cắt giảm lãi suất dài hạn, đồng thời báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn để giảm lạm phát. Bằng cách can thiệp ngắn gọn, ngân hàng trung ương cố gắng “phanh gấp” mà không làm nền kinh tế "chết máy".

Nhưng họ vẫn phải đối mặt với những thách thức trên mặt trận chính trị Anh, khi một đảng Bảo thủ vẫn đang cầm quyền.

Tuy nhiên, dù về chính trị, điều đáng chú ý là không một ai trong số những người kế nhiệm tiềm năng của Truss tỏ ra muốn noi gương bà. Nhiều người đồn đoán ông Sunak sẽ là người trở thành thủ tướng tiếp theo. Trong lần tranh cử gần nhất của mình, ông đã dũng cảm nói rõ rằng cần thận trọng về ngân sách. Người kế nhiệm nhiều tiềm năng tiếp theo là lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt, cựu bộ trưởng quốc phòng - một người từ lực lượng dự bị hải quân, chủ yếu không có chính sách gì đặc biệt về kinh tế.

Có một số ý kiến nói về sự trở lại của Thủ tướng Boris Johnson, mặc dù bản thân ông Johnson vẫn chưa đưa ra bình luận gì khi đang có kỳ nghỉ ở Caribbean. Cựu thủ tướng không hẳn được đánh giá cao hơn bà Truss, nhưng những ngày này trong chính trường Anh, mọi thứ chỉ là tương đối.

Chia sẻ