Chật vật cho con học trước khi vào lớp 1
Lo con vào lớp 1 chưa đọc thông viết thạo sẽ vất vả, áp lực, nhiều phụ huynh nóng lòng tìm lớp dạy tiền tiểu học cho trẻ. Thậm chí, một số phụ huynh có con học lớp 1 năm nay nhưng “đuối” quá cũng đã tìm gia sư riêng.
Ngán ngẩm vì chữ viết
Chị Nguyễn Thu Thảo, ở Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đăng thông tin tìm lớp dạy tiền tiểu học cho con sinh năm 2016. Chị Thảo cho biết, mình buôn bán bận rộn, tháng 9 này con vào lớp 1 nhưng đến giờ này vẫn chưa có “tí vốn” nào làm hành trang. Nhất là xung quanh, một số bà mẹ khác đã lập nhóm, mời giáo viên đến nhà dạy chữ trước cho bé yên tâm vào lớp 1.
“Nếu bình thường, con có thể được làm quen chữ cái, chữ số từ mẫu giáo thì một năm nay ở nhà, tivi đã trở thành bạn thân của bé. Tôi rất lo, năm tới, dịch bệnh COVID-19 chưa ổn, nhà trường lại cho học sinh lớp 1 học trực tuyến thì mẹ con sẽ vất vả, áp lực”, chị Thảo nói.
Anh Phan Văn Anh có con năm nay học lớp 1 tại Hà Nội cũng ngán ngẩm chia sẻ, đến thời điểm này đã gần kết thúc năm học nhưng nhìn vở viết không khác gì giun dế. Con đọc chưa tốt nhưng cũng không đến nỗi tệ, riêng chữ thì không thể nào chấp nhận được. Bố mẹ bất lực vì mỗi lần ngồi vào bàn dạy con là cuộc chiến đẫm nước mắt. Hốt hoảng, anh Văn Anh cũng đã tìm gia sư dạy kèm cho bé nhưng con cũng đánh vật với phần luyện chính tả.
“Mình muốn mời được chính cô giáo lớp con đến nhà kèm thêm thì cô từ chối vì quy định cấm dạy thêm, học thêm. Hiện giờ, gia đình đang rất bối rối không biết phải xử lý như thế nào để con theo kịp bạn”, anh Văn Anh nói.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 có phần khó khăn vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, trẻ không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được nhận biết các mặt chữ cũng như các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lí, tinh thần trước khi vào lớp 1 từ trường mầm non.
Nhiều gia đình nhận định, năm học 2021-2022 rất vất vả cho học sinh nhỏ tuổi. Những nơi dịch phức tạp, trường học đóng cửa, cô trò “đánh vật” với nhau qua màn hình máy tính.
Những đứa trẻ háo hức vào lớp 1 ngày nào đến nay đã thờ ơ, mệt mỏi với lớp học trên điện thoại, máy tính. Tiếng cô giáo giảng bài trở nên đơn độc hơn bao giờ hết khi cả lớp lặng như tờ. Một số phụ huynh than phiền, con từ đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm học nay đã biết tắt camera, trốn tiết vì “chán quá”...
Không ép trái non chín vội
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy lớp 1, Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), nói rằng, chưa có năm học nào, học sinh lớp 1 học trực tuyến gần trọn 1 năm như năm nay.
“Đến nay, đa số học sinh có sự đồng hành, hỗ trợ của phụ huynh đều biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, nét chữ khó có thể được như học trên lớp. Nếu dịch ổn định, năm học tới, học sinh lớp 1 được đến trường, phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì giáo viên sẽ dạy con thuận lợi, không phải vất vả học tiền tiểu học. Việc cho trẻ tập đọc, tập viết, chữ sớm sẽ không khác ép trái non chín vội”, cô Huyền nói.
Bà Cao Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm học phải họp phụ huynh để nhờ cha mẹ đồng hành, hỗ trợ, thậm chí, giáo viên phải hướng dẫn phụ huynh cách cầm bút, đưa nét, sau đó phụ huynh đảm nhận nhiệm vụ dạy viết cho con. Em nào không nhận được sự hỗ trợ của phụ huynh sẽ rất thiệt thòi. Nhất là năm học tới, trẻ có 1 năm ở nhà, không được cô giáo mầm non giới thiệu mặt chữ.
Tuy nhiên, bà Hương khuyên phụ huynh không nên cho trẻ học tiền tiểu học vì thông thường phải 6 tuổi con mới có đủ khả năng để tiếp thu chữ viết, chữ số cũng như có thể cầm bút một cách cứng cáp.
“Nếu vẫn còn dịch bệnh, khi đó, phụ huynh lại tiếp tục đồng hành nhà trường như năm học này”, bà Hương nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài khẳng định, phụ huynh không nên cho con học tiền tiểu học vì theo quy định, trẻ 6 tuổi sẽ vào lớp 1 và được cô giáo dạy học bài bản, khoa học.