Chàng kỹ sư Trung Quốc "nên duyên" với hoa hậu châu Phi chân dài 1m82 chỉ sau 40 ngày quen biết
hỉ sau hơn một tháng gặp gỡ, anh đã nên duyên với một hoa hậu bản địa, viết nên một câu chuyện tình yêu như cổ tích, vượt qua mọi rào cản về địa lý và văn hóa.
Vietnamnet cho biết, Lý Dương sinh ra tại một vùng quê nghèo thuộc Lữ Lương, Sơn Tây (Trung Quốc). Tuổi thơ của anh gắn liền với khói bụi than đá và đôi dép rách do ông ngoại mua cho. Cha mẹ ly hôn sớm, mẹ phải vất vả mưu sinh nên gửi anh về sống với ông bà.
Lớn lên trong thiếu thốn, Lý Dương chỉ có một con đường để thay đổi số phận, đó là học tập. Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, anh thi đỗ vào một trường đại học trọng điểm chuyên ngành kỹ thuật xây dựng.
Ra trường, anh làm kỹ sư công trình, cho một doanh nghiệp nhà nước. Cuộc sống công trường đơn điệu khiến anh dần thấy nhàm chán. Chuyện tình cảm cũng chẳng thuận lợi. Anh trải qua 4 mối tình nhưng không có kết quả, vì họ chê anh nghèo.

Anh Dương cùng vợ và con trai. Ảnh: Sohu.
Năm 2016, công ty trao cho Dương cơ hội làm việc tại Ethiopia với mức lương cao gấp đôi. Anh không chần chừ lên đường. Nhờ chịu khó, nam kỹ sư tiết kiệm được nhiều tiền.
Dù kinh tế khá hơn, Dương vẫn lận đận về tình duyên. Phải đến tháng 7/2020, trong một hội chợ tuyển dụng sinh viên, anh tình cờ gặp Dava, cô gái 22 tuổi nói tiếng Trung lưu loát, hiểu rõ văn hóa Trung Quốc. Cô có chiều cao nổi bật 1,82 m, từng đăng quang cuộc thi hoa hậu ở địa phương.
Cả hai trò chuyện vài lần rồi dùng bữa tối cùng nhau. Họ sớm phát hiện có nhiều điểm tương đồng. Hơn một tháng sau, họ đăng ký kết hôn.
Gia đình Dava không yêu cầu sính lễ, bày tỏ thiện cảm với chàng rể ngoại quốc. Sau khi cưới, Dava ở nhà nội trợ, sinh hai con gồm một trai, một gái, đều mang quốc tịch Trung Quốc.
Để ổn định cuộc sống, Dương dốc tiền mua căn biệt thự rộng 200 m2 trị giá 500.000 nhân dân tệ tại trung tâm thành phố Awasa, Ethiopia. Vào dịp Lễ Tình nhân, anh còn tặng vợ ôtô làm quà.
Dù công việc bận rộn, Dương vẫn dành thời gian nói chuyện với các con bằng tiếng Trung, dạy đọc thơ cổ và phụ trách các bài học vỡ lòng. Trong gia đình, họ ưu tiên sử dụng tiếng Trung để giữ gìn nền tảng văn hóa, theo Tạp chí Tri thức.
Năm 2023, anh cùng vợ con trở về Trung Quốc thăm họ hàng, đưa con trai đi tham quan nhiều danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh và Quảng Châu. Dawa được gia đình chồng yêu quý. Bà của Lý Dương coi Dawa như cháu gái ruột của mình.

Anh Dương và vợ. Ảnh: Sohu.
Dù chưa từng sống lâu ở Trung Quốc, Dava vẫn dần làm quen với văn hóa quê hương chồng. Cô trồng rau cải thảo trong vườn, học gói bánh chưng và nấu các món ăn Tết truyền thống. Trong những bữa cơm gia đình, thực đơn có khi là sự kết hợp giữa cà phê Ethiopia và bánh bao Trung Quốc.
9 năm sống tại Ethiopia, 5 năm hôn nhân với Dawa, Lý Dương không còn mơ mộng những điều xa xôi. Anh đã có tổ ấm, có vợ con, có căn nhà mình vun đắp. Họ quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nơi này, quê hương thứ hai của anh.
Câu chuyện tình của Li Yang và Dava được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội như một ví dụ về hôn nhân vượt qua rào cản ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống. Không sính lễ, không khuôn mẫu, chỉ cần sự đồng lòng. Nhiều người bình luận: “Kết hôn như thế này vừa nhẹ nhàng, vừa mở ra cơ hội giao thoa văn hóa”.