Cha mẹ chồng chiều con dâu như bà hoàng: Được voi đòi tiên?
Bên cạnh ý kiến tỏ ra ghen tỵ với cô gái trong câu chuyện, nhiều người cho rằng, nếu sự việc có thật thì cha mẹ chồng đang làm hư con dâu.
Những ngày qua, dân mạng chia sẻ câu chuyện nàng dâu có tên Ma Thị Nga (sinh năm 1986, quê Tuyên Quang) “khoe” bố mẹ chồng đối xử tốt với mình không khác gì con ruột.
Theo đó, Nga kết hôn được 5 năm, có một con gái 4 tuổi, hiện sống cùng bố mẹ chồng ở Thái Bình. Cô đang mang bầu nên được phụ huynh chăm sóc rất chu đáo, “cơm bưng nước rót” đến tận giường.
Câu chuyện này thu hút nhiều bình luận trái chiều trong cộng đồng mạng. Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, không ít người cho rằng, bố mẹ chồng làm vậy là quá chiều và dễ khiến con dâu ỉ lại, lười biếng.
Câu chuyện nàng dâu "khoe" bố mẹ chồng tốt lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.
Thực tế, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn nan giải, chưa có hồi kết. Bên cạnh những mâu thuẫn khó giải quyết, cũng nhiều mẹ chồng coi nàng dâu như con đẻ và ngược lại.
Câu chuyện của chị Nga dù đã được nhân vật chính lên tiếng xác nhận, vẫn không tránh khỏi tranh cãi.
Một số người thể hiện rõ sự tôn trọng quan điểm : “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Nếu bố mẹ chồng quá chiều chuộng sẽ sinh ra tâm lý “được voi đòi tiên”, con dâu thiếu trách nhiệm với gia đình.
"Cưới về làm dâu, chứ không phải làm bà hoàng. Ba mẹ già phải lo báo hiếu, chăm sóc, không phải để phục vụ con dâu.
Tôi thấy chuyện này chẳng có gì đáng cổ súy. Đối xử tốt và coi như con ruột là điều nên làm nhưng không nên quá chiều chuộng như vậy", Hoài Hà chia sẻ.
“Là đàn ông đã tính kết hôn thì người vợ phải biết chăm lo cho gia đình. Chẳng cần quá xinh đẹp hay tài giỏi, chỉ cần biết điều và đối xử tốt với bố mẹ mình là được.
Nhiều nàng dâu được chiều quá sinh hư nên cũng chỉ mong có mức độ thôi”, Minh Nguyễn bày tỏ.
Trong cuộc sống thường ngày, không khó để chứng kiến hay nghe kể những câu chuyện liên quan đến chủ đề mẹ chồng - nàng dâu.
Chia sẻ quan điểm, chị Kim Ngân (sinh năm 1986, sống tại Hà Nội) cho hay, nhà chị cũng có chị dâu nhưng không hiểu đó là con dâu hay “mẹ dâu” trong nhà. Bố mẹ chị quá chiều ngay từ ngày đầu, không mắng mỏ hay xét nét nên đôi khi con dâu quá đáng, khiến Ngân bức xúc thay.
“Cưới anh trai mình hơn một năm, số lần chị dâu nấu cơm hay động vào việc nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngày đi làm, tối về ôm con chẳng động tay chân vào việc gì. Bố mẹ mình hiền lành, không muốn nói nhiều khiến chị ấy càng được đà làm quá.
Chuyện gì cũng ỉ lại vào ông bà từ đưa đón con đi học, thậm chí đến việc cho con ăn cũng ông bà. Đôi khi, mình bức xúc quá, song cũng không muốn làm mất hòa khí gia đình”, chị Ngân kể.
Trước đó, tâm thư của em gái gửi anh trai về việc chị dâu đối xử không ra gì với bố mẹ chồng ở quê trên trang tâm sự của sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân khiến nhiều người bất bình.
“Hơn 5 năm anh lấy chị, làm dâu nhà ta, 4 năm em đi học, người thân trong gia đình nói nhiều về thái độ của chị, chính em vài lần cũng chứng kiến. Nhưng cứ có ai phàn nàn với mẹ như vậy, mẹ liền gạt đi, bênh chị ngay.
Mẹ từng nói với em rằng, con gái đi lấy chồng, xa bố mẹ ruột, rất khổ cực nên phải đối xử tốt. Và từ lúc lấy anh, chị là người thân của cả gia đình mình.
Về nhà thăm quê, chị ngủ 9h mới dậy. Mẹ chuẩn bị bữa sáng cho chị, chị chê ỏng chê eo bánh mỳ khô, sữa có đường bằng thái độ khinh thường dân nhà quê, em nhịn. Em bị đau tay, không thể rửa bát, chị ngồi vắt chân chữ ngũ để mẹ rửa, mẹ giặt quần áo cho chị, em nhịn”, cô gái cho hay.
Nghe xong câu chuyện, đa số ý kiến cho rằng, cô con dâu này có thái độ không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, một số người thương và trách bố mẹ chồng trong câu đã quá chiều con dâu. Đó là một trong những nguyên nhân đẩy mọi việc đi quá xa như vậy.
Chuyện nhà đừng khoe lên mạng
Chuyện nàng dâu tại Tuyên Quang khoe bố mẹ chồng đối xử tốt khiến nhiều người nghi ngờ. Dù nhân vật chính đã lên tiếng xác nhận, dân mạng vẫn cho rằng, chuyện nhà dù tốt hay xấu cũng không nên đưa lên mạng xã hội.
Bày tỏ quan điểm, Ma Thị Nga - chủ nhân bài đăng - cho biết, cô chia sẻ vì thấy có nhiều trường hợp kể bố mẹ chồng không tốt và muốn mọi người có suy nghĩ tích cực hơn.
Nhiều gia đình tan vỡ, ảnh hưởng chỉ vì đưa tin lên mạng xã hội. Ảnh minh họa.
Mạng xã hội là nơi kết nối nhiều người lại với nhau. Chỉ cần một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh kết nối mạng, bạn đã có thể biết mọi thông tin từ khắp nơi trên thế giới.
Mạng xã hội cũng dần dần trở thành nơi bày tỏ cảm xúc, tâm sự của không ít chị em phụ nữ. Tuy nhiên, vài sự việc lại bị đẩy đi quá xa bởi thói quen "đưa hết lên Face" này.
Điển hình, nhiều cặp vợ chồng đã không tránh khỏi cãi vã, dẫn tới kết cục ly hôn chỉ vì Facebook.
Đầu tháng 2 vừa qua, một phụ nữ đăng ảnh bị chồng đánh trong một nhóm kín hội chị em và kể lể chuyện của mình. Sự việc khiến mọi người bức xúc, chỉ trích anh chồng.
Thế nhưng, sau đó, chính cô phải gỡ bài, nhờ dân mạng ngưng chia sẻ do thông tin này bị chồng đọc được. Kết quả, mối quan hệ đã lục đục lại càng thêm tệ hơn.
Nguyễn Anh (sinh năm 1990, Hưng Yên) chia sẻ, anh cảm thấy rất mệt mỏi vì cái gì vợ cũng đưa lên mạng kể lể - từ chuyện không vừa lòng bố mẹ chồng tới những tâm sự thầm kín khác liên quan đến gia đình.
“Đôi khi, bạn bè tôi dè bỉu sao suốt ngày vợ tôi lên mạng khoe khoang, khiến tôi cảm thấy ngại ngùng. Dù đã nhiều lần nhắc nhở, cô ấy vẫn chứng nào tật ấy, tôi không thể chịu được”, anh nói.
Nguyễn Nam - một người đàn ông đã có vợ và hai con, sống tại Hà Nội - lên tiếng , nhiều lần anh kẹt giữa mẹ và vợ . Anh kể, có lần bạn đời của mình không vừa ý mẹ chuyện con cái, đem lên mạng kêu than. Không may, mẹ anh cũng dùng Facebook, vô tình đọc được và cả hai cãi nhau một trận to.
“Chẳng hiểu cô ấy có giải tỏa được gì không khi viết những điều đó cho thiên hạ xem?
Tôi chỉ thấy, chính tôi mới trở thành nạn nhân chứ không phải ai khác. Chuyện trong nhà thì đừng vạch áo cho người xem lưng”, anh Nam bày tỏ.
Theo Zing