CEO Phạm Văn Tam: Linh kiện nhập khẩu gần 100%, Asanzo không phải hàng VN
Trước những lùm xùm liên quan đến việc các sản phẩm của Asanzo bị tố là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, mới đây, ông Phạm Văn Tam - CEO Asanzo đã chính thức lên tiếng.
Tại buổi trao đổi tất cả các thông tin trên, tại chính nhà máy Asanzo đặt ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Tân, Tp.HCM hôm 23/6, ông Tam cho biết, "định hướng Asanzo xuất phát với tivi là bước đầu, và bản thân tôi cũng đã lăn lộn 20 năm trong ngành điện tử. Asanzo theo đó không chỉ là thương hiệu của tôi, mà còn là thương hiệu của Việt Nam.
Do đó việc "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt", tôi chắc chắn Asanzo không bao giờ làm việc dại dột như vậy".
Ông cũng cho biết, đối với 1 chiếc tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc như bo mạch và panel lưng, màn hình nhập từ Samsung. 30% còn lại là những chi tiết phụ trợ sản xuất trong nước, bao gồm đâu đó 30 chi tiết sản phẩm.
"Chúng tôi nhập của Trung Quốc là nhập bo mạch, panel… những chi tiết này ghi xuất xứ Trung Quốc là tôi đồng ý, trong đó có bo mạch phát triển theo thiết kế của Asanzo, là thiết kế riêng không theo chuẩn nước ngoài, tức sẽ dùng dòng điện có công suất phù hợp từng vùng tại Việt Nam, ví dụ địa phận miền Tây sông nước".
Như vậy, theo ý ông Tam, bo mạch, panel, màn hình chỉ là phần cứng của tivi, có thể sáng đèn nhưng sẽ không chạy được nếu không có phần mềm, và phần mềm do đội kỹ thuật Asanzo tạo ra.
Trước cáo buộc nhập khẩu nguyên chiếc các sản phẩm và chỉ lắp ráp, vị lãnh đạo 8x này chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ: "Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu - cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường".
"Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không?
Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa... Tôi cũng muốn nội địa hóa nhưng cũng khá khó khăn vì không có công ty nào cung cấp...
Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam", ông Tam trả lời sau 1 hồi đắn đo.