"Cậu sửa xe" khiến GS Hồ Ngọc Đại tự hào hơn Ngô Bảo Châu, là tay đua số 1 Việt Nam
Sau khi GS Hồ Ngọc Đại kể rằng, người học trò khiến ông tự hào nhất là một cậu học trò làm nghề sửa xe vì thích vặn ốc, thì bạn bè cũ ở trường Thực nghiệm đã gọi Nguyễn Hồng Vinh (người được nhắc trong câu chuyện của ông) là Vinh Vặn Vít Vui Vẻ.
Nhưng Nguyễn Hồng Vinh, một anh thợ sửa xe bình thường đã trở thành tay đua xe hơi nổi tiếng và là cái tên mà người trong giới đua xe ngưỡng mộ.
"Thầy phải làm cách gì đó để cứu con trai tôi đi"
Chuyện mà bạn bè ở trường Thực nghiệm nhớ nhất về Nguyễn Hồng Vinh là hồi ở Liên Xô cách đây hơn 20 năm trước. Lúc đó, các cựu học sinh Thực Nghiệm (TNMer) ở Moscow thường xuyên hẹn gặp nhau mỗi cuối tuần.
Một ngày, khi cả nhóm bạn chục người đến nhà anh và ngủ lại qua đêm, Nguyễn Hồng Vinh đã lấy xe ô tô đi chạy taxi suốt đêm và kiếm được 30$ để có tiền mua McDonald mời các bạn ăn sáng.
Bạn cùng lớp với Nguyễn Hồng Vinh mô tả: "Bon (nickname mà bạn bè hay gọi Nguyễn Hồng Vinh) là thằng nghịch nhất trong lớp nghịch nhất của khóa nghịch nhất trường Thực nghiệm".
Nghịch đến mức đã có lần năm lớp 6, mẹ của Nguyễn Hồng Vinh lên trường, gặp thầy giáo cầu cứu: "Thầy phải làm cách gì đó để cứu con trai tôi đi".
Ông thầy trường Thực nghiệm trả lời bà một câu xanh rờn: "Nó làm sao mà phải cứu?". Thế là bà đành đi về, vừa lo lắng, vừa bất lực về cậu con trai nhỏ.
Và bà có lẽ phải lo lắng về con trai mình nhiều năm trời sau nữa, bởi Nguyễn Hồng Vinh – như bao học sinh của GS Hồ Ngọc Đại - luôn làm những việc mình muốn, dù việc đó đôi khi đi ngược lại ý chí và mong muốn của gia đình.
Bỏ việc nhà nước ngay sau ngày làm việc đầu tiên
18 tuổi, Nguyễn Hồng Vinh đi du học ở Nga. Khi anh về nước với hai bằng Kinh tế và Tiếng Anh thương mại, mẹ anh đã tìm mọi cách nhờ vả để xin cho con một công việc ngon lành trong cơ quan nhà nước.
Nhưng sau ngày làm việc đầu tiên, Nguyễn Hồng Vinh lẳng lặng bỏ việc :"Vì tôi tự thấy đây không phải nơi dành cho mình. Tôi ghét sự trói buộc và yêu thích tự do" – Nguyễn Hồng Vinh nói.
Năm 18 tuổi khi sang Moscow du học, mẹ của Nguyễn Hồng Vinh – lúc đó đang buôn bán ở Liên Xô đã mua cho anh một chiếc ô tô. Và từ đó đến giờ, xe cộ luôn là niềm đam mê lớn nhất của anh.
Nguyễn Hồng Vinh kể rằng, để có thể tự sửa xe, hồi ấy anh đã mua một cuốn sách dạy sửa xe rồi lôi cả xe của mình lẫn xe của bạn bè ra mày mò, nghiên cứu, hết tháo ra lại lắp vào.
Cứ tháo ra lắp vào như thế hết lần này đến lần khác, "phá hoại" không ít, rồi Nguyễn Hồng Vinh cũng trở thành thợ sửa xe giỏi.
Anh kể: "Đó là thói quen của học sinh trường Thực nghiệm đấy. Tôi học không giỏi. Chưa bao giờ là học sinh xuất sắc của Thầy Hồ Ngọc Đại. Nhưng tôi thấm nhuần tư tưởng giáo dục của Thầy.
Thầy tôi dạy chúng tôi phải biết tự làm lấy mọi thứ và đã làm cái gì thì phải làm đến cùng, đã tìm hiểu gì thì cũng phải đi đến ngọn nguồn vấn đề. Tôi mê xe, muốn tự sửa xe, nên tôi đọc mọi cuốn sách về máy móc, xe cộ và học bằng được để làm việc mình muốn".
"Tao bây giờ vui lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc"
Nguyễn Hồng Vinh thích đua ô tô. Năm 2007, khi Nguyễn Hồng Vinh từ Nga về nước, thay vì tìm một công việc văn phòng ổn định nhưng nhàm chán, anh lập ra nhóm đua xe offroad đầu tiên ở Việt Nam và mở luôn một gara chuyên sửa xe, độ xe cho chính anh và dân offroad Việt đời đầu.
Dĩ nhiên, trong suốt mấy năm đầu, đó không phải công việc kiếm ra tiền. Để nuôi sống đam mê của mình, Nguyễn Hồng Vinh phải làm nghề khác - đi buôn phụ tùng – cũng là một thứ không tách rời với xe cộ.
Cách đây hơn 10 năm, không ít người nhìn Nguyễn Hồng Vinh như một kẻ kì quái, lập dị, khi được ăn học đàng hoàng nhưng lại chỉ đi đua xe với sửa xe. Nhưng Nguyễn Hồng Vinh thì tâm sự với người bạn thân của mình: "Tao bây giờ vui lắm vì ngày nào cũng được vặn ốc".
Có thể Nguyễn Hồng Vinh không phải người xuất sắc trong lứa học sinh thực nghiệm của thầy anh – GS Hồ Ngọc Đại.
Nhưng tôi nghĩ, lý do mà thầy Hồ Ngọc Đại coi anh là niềm tự hào chính là bởi anh đại diện cho giấc mơ của ông khi đi làm giáo dục: Đó là tạo ra những đứa trẻ được là chính mình chứ không phải ai khác; những đứa trẻ biết mình muốn gì, cần gì, biết sống vì hạnh phúc của mình chứ không phải lấy việc làm hài lòng ông bà, bố mẹ hay người đời làm mục đích cuộc sống.
GS Hồ Ngọc Đại chỉ phác thảo về cậu học trò khiến ông tự hào với một bức chân dung rất đơn giản: Một anh thợ sửa xe thích vặn ốc vít.
Nhưng đến lúc tìm hiểu về Nguyễn Hồng Vinh, tôi mới phát hiện ra GS Hồ Ngọc Đại đã hơi khiêm tốn khi nói về cậu học trò của mình.
"Tay đua số 1 Việt Nam" và lần thi "tự nguyện" về bét thế giới
Nguyễn Hồng Vinh là một trong những tay đua offroad đầu tiên ở Việt Nam, và hiện giờ đang là tay đua số 1 cả nước trong loại hình đua xe này.
Bạn bè anh thường phàn nàn một cách hài hước: " Ông Bon cứ ngồi ghế Ban Tổ chức thì không sao, chứ cứ đi thi là y rằng về số 1. Lần nào cũng thế, rất tẻ nhạt".
Năm 2010 , Nguyễn Hồng Vinh trở thành người Việt đầu tiên tham dự giải đua xe offroad thế giới ở Malaysia. Lần đầu đi thi, anh xếp thứ nhì từ dưới lên. Lần thứ hai đi thi, anh xếp thứ hai từ trên xuống.
Người ta đi thi thì phải tìm cách đánh bại đối thủ và chiến thắng. Nhưng Nguyễn Hồng Vinh thì khác.
Trên đường đua giải offroad ở Malaysia, thấy đối thủ của mình bị hỏng xe, máu nghề nghiệp và "niềm đam mê vặn ốc" trỗi dậy – thế là quên mất cả việc mình đang trong cuộc đua – Nguyễn Hồng Vinh lao vào sửa xe cho chính đối thủ của mình.
Cuối cùng, đối thủ của anh là những người thắng cuộc. Còn anh về bét bảng.
Người khác có thể thấy đấy là gàn dở, nhưng với một người có dòng máu Thực nghiệm chảy trong người như Nguyễn Hồng Vinh thì mọi chuyện trong đời miễn vui là được.
Chuyện của Vinh khiến tôi nhớ tới một trong những bộ phim khiến tôi yêu thích nhất là Ba Chàng Ngốc (phim Ấn Độ).
Cậu sinh viên Rancho – nhân vật chính của phim có một câu nói bất hủ: "Cứ theo đuổi đam mê. Và thành công sẽ đuổi theo bạn".
Nên khi bạn bè tìm mọi cách để làm việc trong những công ty đa quốc gia, mơ một cuộc sống giàu sang, thì Rancho tìm đến một vùng núi xa xôi, mở một ngôi trường dạy trẻ con tự làm lấy mọi thứ mình muốn, tự phát minh ra mọi loại máy móc phục vụ cho cuộc sống ngày thường của chúng.
Cuối cùng, Rancho trở thành một nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
Nguyễn Hồng Vinh – cậu học trò xuất thân từ trường Thực nghiệm – khi theo đuổi niềm đam mê xe cộ và máy móc, có lẽ đã không bao giờ nghĩ rằng niềm đam mê đó sẽ có ngày giúp mình thành công hay giàu có.
Nhưng anh chính là một ví dụ của việc "Cứ theo đuổi đam mê. Thành công sẽ theo đuổi bạn".
Học không giỏi, nhưng không trốn học ngày nào vì "đến trường vui quá"
Nguyễn Hồng Vinh không có bằng cấp gì về kỹ thuật, cơ khí, nhưng anh rất nổi tiếng và có uy tín trong cộng đồng chơi xe Việt Nam. Vì sự uy tín và am hiểu xe hơi cũng như đua xe, anh luôn được đánh giá như chuyên gia số 1 trong lĩnh vực lái xe và công nghệ xe hơi.
Khi tôi gọi điện cho Nguyễn Hồng Vinh để thực hiện bài báo này, tôi mới biết anh đang ở Bình Dương, để set up một đường đua Offroad trong những ngày tới, nhằm đào tạo các kỹ năng lái xe an toàn cho khách hàng của 1 hãng xe.
Từ chỗ sửa xe chỉ để thỏa mãn đam mê xe cộ, Nguyễn Hồng Vinh đã thành công với chức vô địch mọi giải đua tại Việt Nam, và thành lập nên 1 tổ chức nhằm huấn luyện và quảng bá đua xe ở Việt Nam với tên gọi Redline Racing Team.
Giờ Nguyễn Hồng Vinh không còn "ngày ngày vặn ốc" như trong câu chuyện của GS Hồ Ngọc Đại kể mấy ngày qua. Anh vẫn giữ gara sửa xe nhưng chỉ trực tiếp sửa xe cho mình và bạn bè.
Nhưng tôi nghĩ, GS Hồ Ngọc Đại vẫn luôn có quyền tự hào về những học trò của ông. Cả đời Nguyễn Hồng Vinh đã luôn làm những việc gắn với niềm đam mê của mình là xe cộ và máy móc.
Anh chính là một ví dụ điển hình , là một "sản phẩm" thành công của Công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại! Anh cũng là ví dụ điển hình của việc mọi điểm số hay bằng cấp đều là vô nghĩa, nếu bạn có thể lên và thực hiện kế hoạch cho cuộc đời của mình.
Những ngày mà trường Thực nghiệm bị dư luận tấn công và thầy giáo anh bị công kích vì triết lý và phương pháp giáo dục ông theo đuổi, Nguyễn Hồng Vinh luôn khẳng định một cách tự hào trên facebook cá nhân TÔI LÀ MỘT HỌC SINH THỰC NGHIỆM.
"Tôi nhớ đến trường ngày đó vui lắm. Tôi học không giỏi nhưng rất thích đến trường và chưa từng bỏ học. Tiết học của chúng tôi rất vui vẻ. Giờ tự học buổi chiều, chúng tôi được phép được học những môn mình thấy thích, thấy cần. Rồi sau đó cả thầy trò lại ra sân trường đá bóng.
Đúng như khẩu hiệu của thầy tôi, mỗi ngày tôi đến trường cùng bạn bè đều là một ngày vui. Tôi không dám nhận là niềm tự hào của Thầy tôi, như thầy tôi nói.
Nhưng tôi – một sản phẩm của triết lý giáo dục Hồ Ngọc Đại – dù có thể đi con đường không giống ai, dù có những lúc làm bố mẹ lo lắng, nhưng đến thời điểm này, tôi nghĩ mình đã sống một cuộc đời hạnh phúc, như những người bạn học của tôi".