Câu chuyện về sự thay đổi của những ông chồng từng "lùa" vợ khắp làng để đánh

Minh Ngọc,
Chia sẻ

"Chỉ trong 1 thời gian ngắn hoạt động, đội phản ứng nhanh đã mang lại các kết quả khả thi, tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn. Nhiều người đàn ông trước đây hay đánh vợ nay đã thay đổi rất nhiều. Phụ nữ bị bạo hành cũng dám lên tiếng hơn…".

Theo báo cáo của ông Hồ Nguyên Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, trưởng ban quản lý dự án xã tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Đội phản ứng nhanh, thí điểm tại xã Quỳnh Thắng và xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, trong hơn 2 năm, các thành viên Đội thăm hỏi được 238 cuộc đối với 221 hộ gia đình có nguy cơ bạo lực, phát hiện 5 hộ gia đình có bạo lực.

Thông qua các hoạt động truyền thông, thăm hỏi một số người bị bạo lực đã có sự thay đổi tích cực, nhận diện được các hành vi bạo lực, khi bạo lực xảy ra, không đổ lỗi cho bản thân mình, mạnh dạn lên tiếng tìm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng để tìm sự an toàn cho chính bản thân và các con (trong thời gian qua có 2 trường hợp đã mạnh dạn lên báo cáo chính quyền và công an về hành vị bạo lực của chồng và đã được can thiệp).

Nhiều người đàn ông nhận thức được hành vi bạo lực sau buổi truyền thông

Hai đời vợ ra đi vì chồng bạo lực

Về xã Quỳnh Thắng, chúng tôi gặp anh Vũ Văn Tiến (SN 1983), với biệt danh "Tiến vũ phu". Trong vòng 9 năm, anh Tiến đã trải qua 3 đời vợ, 2 người vợ trước đều phải dứt áo ra đi vì bị chồng đánh, có người vợ phải nhập viện.

Cho đến người vợ thứ 3 là chị Trần Thanh Mai có lẽ sẽ bền lâu vì thời điểm Dự án "Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới" do Hagar và Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An phối hợp thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hiệp quốc (UNTF) đã về làng.

Người đàn ông đang cùng vợ vẽ ngôi nhà

Người đàn ông đang cùng vợ vẽ ngôi nhà

Họ đã nhận ra hạnh phúc khi không có bạo lực gia đình

Họ đã nhận ra hạnh phúc khi không có bạo lực gia đình

Suy nghĩ của người chồng

Suy nghĩ của người chồng

Rất sẵn sàng kể về các đời vợ bỏ mình ra đi, anh Tiến tiếc nuối mối tình đẹp sau 5 năm yêu nhau rồi cưới vào năm 2009. Cuộc hôn nhân của vợ chồng anh Tiến rất hạnh phúc khi đứa con trai đầu (2011) ra đời, thương vợ đến nỗi không để vợ làm bất cứ việc gì từ giật cái tã cho con, cứ đi làm về là làm mọi thứ rồi ôm con cho con ngủ.

Thế nhưng sau đó 1 năm, khi sinh bé thứ 2 thì người đàn ông này thay đổi tính nết hoàn toàn vì cũng là thời điểm kinh tế gia đình khó khăn. Anh Tiến bắt đầu sa đà vào các cuộc nhậu thâu đêm, sau mỗi ngày đi làm về có đồng công nào đều đãi bạn.

"Bạn bè mời mình 1 bữa ăn, mình cũng phải mời bạn lại 1 bữa hát. Là thằng đàn ông thì cũng phải có thể diện, chứ không thể đi ăn bám được. Người ta mời mình 1 lần, 2 lần mình từ chối, nhưng đến lần thứ 3 người ta mời mà không đi thì còn ai chơi với mình nữa…", người đàn ông tỏ ra hào sảng cho biết.

Cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình

Cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình

Người vợ xúc động được chồng cõng trên vai (dù đây chỉ là một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ)

Người vợ xúc động được chồng cõng trên vai (dù đây chỉ là một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ)

Không có tiền đưa về cho vợ nuôi con, mọi sinh hoạt trong gia đình khó khăn, người vợ hiền của anh Tiến không chịu nổi nên thi thoảng lại trách chồng, cuộc sống bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. Cứ mỗi lần vợ đáp lời thì anh Tiến dùng hết sức đấm đá, thậm chí dùng cả gậy lùa vợ khắp xóm.

Dù cam chịu đến mấy những lần bị chồng chửi bới, đánh đập thậm tệ, ngôi nhà lúc nào cũng như địa ngục, người vợ thứ nhất đã tự làm đơn ra tòa xin ly hôn vào cuối năm 2012.

Vừa ly hôn người vợ thứ nhất chưa được 1 năm, anh Tiến kết hôn với một cô gái trẻ ở huyện khác, tuy nhiên cũng với bản tính vũ phu của một người đàn ông bất lực, cuối cùng vợ trẻ cũng phải làm đơn xin ly hôn khi cuộc tình kéo dài chưa đầy 2 năm.

Anh Tiến cho biết, chị Mai là vợ thứ 3, có lẽ đây là cuộc tình sẽ gắn bó và hy vọng tương lai sẽ bền vững vì bản thân anh đã nhận ra thế nào là bạo lực.

Trò chơi (thấp nhất)

Trò chơi đội nào xếp hình thấp nhất

Đội nào cao nhất

Đội nào cao nhất

Câu chuyện về sự thay đổi "con người" mới của những ông chồng từng lùa vợ khắp làng để đánh - Ảnh 9.

Phụ nữ cũng mạnh mẽ không kém gì nam giới (hình ảnh trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ)

Thường xuyên lên cơn ghen vô cớ

Không lấy nhiều vợ như anh Tiến, nhưng ông Trần Văn Nam (65 tuổi) nhất mực trung thành với người vợ, chỉ vì hay ghen tuông mù quáng nên trong đầu người đàn ông này lúc nào cũng suy nghĩ vợ mình có trai trẻ quan tâm.

Ông Nam chia sẻ, do trình độ hiểu biết có hạn, không cho vợ dùng điện thoại, không cho vợ đi xe máy, mỗi lần vợ rời khỏi nhà để đi nhận hàng về đan (đan cói) vài phút vắng mặt, thì ông Nam lại lùng sục đi tìm vợ.

Có lần, vợ hỏng xe giữa đường nên có một người đi qua giúp đỡ, gặp vợ trong tình huống này ông Nam lên mặt gay gắt mắng vợ rồi ném luôn chiếc xe đạp xuống sông.

Sau nhiều lần vô có đánh vợ, ông Nam bảo: "Tham gia vào câu lạc bộ, bây giờ mới biết thế nào là bạo hành".

Cặp vợ chồng trẻ đang tô vẽ cho ngôi nhà của mình

Cặp vợ chồng trẻ đang tô vẽ cho ngôi nhà của mình

Nói đến đây, bà Nguyễn Thị Mừng nói về sự thay đổi của chồng rằng; cuối năm 2020 tình nguyện viên và chi hội phụ nữ xã đến nhà thăm hỏi vì nghe tin bà Mừng là nạn nhân của vụ bạo hành.

Quá bất ngờ về thông tin này vì bản thân bà Mừng cũng không hiểu thế nào là bạo lực hay bạo hành. Với thái độ nhiệt thành cởi mở và sự quan tâm của các tình nguyện viên, sau đó bà Mừng rủ được chồng tham gia vào một số cuộc thi do câu lạc bộ tổ chức.

"Tham gia các hoạt động của tổ chức Hagar do các cán bộ, có cả hội phụ nữ. Ban đầu tham gia team building, thi cõng người cùng đội xem ai chạy nhanh. Hôm đó tôi cõng vợ chạy nhanh mà không hề ngã. Vợ tôi thốt lên, cả đời người hôm nay mới được chồng cõng, yêu chồng lắm", ông Nam cười.

Sau câu nói của vợ, ông Nam thay đổi hoàn toàn: "65 tuổi rồi, tôi mới nhận ra bạo lực là một trong những tội được pháp luật quy định. Những gì đã trải qua và được hỗ trợ của mọi người, chắc chắn tôi sẽ kể lại cho các con cháu, nếu chương trình của câu lạc bộ còn kéo dài thì vợ chồng tôi vẫn tiếp tục tham gia", ông Nam kể.

Thay đổi vì dám lên tiếng

Trở lại câu chuyện của anh Tiến, ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, anh Tiến có tiếng thường xuyên bạo hành vợ diễn ra từ lâu, cả 3 đời vợ đều bị anh này đánh đập.

Theo ông Cảnh, Công an xã nhiều lần phải gọi anh Tiến lên nhắc nhở. Ngoài ra, cán bộ Hội phụ nữ cũng nhiều lần đến gia đình làm công tác hòa giải, giúp vợ chồng gắn kết hơn. Thế nhưng chỉ được vài hôm, gia đình anh Tiến lại xảy ra chuyện.

"Cuối năm 2019, tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu đã thành lập các câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và thành lập đội phản ứng nhanh ở xã (gồm 15 người: trong đó có cán bộ thôn, hội viên phụ nữ, công an…).

Đội phản ứng nhanh này đã được trang bị các kiến thức tiếp cận nạn nhân cũng như hỗ trợ ban đầu cho những người bị bạo lực. Chỉ trong 1 thời gian ngắn hoạt động "đội phản ứng nhanh" đã mang lại các kết quả khả thi, tình trạng bạo lực gia đình giảm hẳn. Nhiều người đàn ông trước đây hay đánh vợ nay đã thay đổi rất nhiều. Phụ nữ bị bạo hành cũng dám lên tiếng hơn…", ông Cảnh nói.

Chị Mai kể, năm 2020, rất nhiều lần bị chồng đánh thậm tệ, không chịu nổi người đàn ông vũ phu nên chị Mai tìm gặp nữ cán bộ của xã. Trước đó chị Mai đã được nghe một chút thông tin về Đội phản ứng nhanh qua các tờ rơi hoặc các tình nguyện viên, chị Mai thầm nghĩ phải đánh liều kể về hoàn cảnh, nếu chồng "lên cơn" có lẽ chị chấp nhận ly hôn.

Chung tay vì một gia đình không bạo lực

Chung tay vì một gia đình không bạo lực

Câu chuyện về sự thay đổi "con người" mới của những ông chồng từng lùa vợ khắp làng để đánh - Ảnh 12.

Và những cam kết tự nguyện

Sau khi tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình, chị Mai được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc bản thân và phát triển lòng tự tin. Thấy chương trình hay và bổ ích, chị Mai đã thuyết phục được chồng tham gia câu lạc bộ dành cho nam giới và chỉ trong 1 thời gian ngắn, chồng chị đã có những thay đổi bất ngờ.

"Họ hướng dẫn em nhiều thứ lắm. Ví dụ: Khi nào thấy sắc mặt chồng không vui và nói lời lẽ khó nghe thì mình phải đảm bảo an toàn cho mình ví dụ nhẫn nhịn, hay tìm nơi an toàn, hạn chế khiến căng thẳng leo thang gây nguy hiểm cho chính mình. Nếu chồng vẫn bực tức thì em sẽ tránh mặt đi khoảng 30 phút. Vì cơn bực tức nhất sẽ kéo dài trong khoảng 30 phút đầu tiên. Nếu định khuyên ngăn chồng cái gì thì phải lựa lúc nào 2 vợ chồng vui vẻ nhất thì em mới nói, chứ những lúc chồng say, về muộn mà nói từ nay chồng đừng đi uống rượu nữa thì cũng rất dễ bị đánh… từ ngày tham gia câu lạc bộ do Hagar tổ chức em đã biết cách bảo vệ bản thân và hạn chế để mình bị tổn thương thân thể…", chị Mai nói.

Ngồi bên cạnh nghe vợ kể về hoàn cảnh, anh Tiến tiếp lời rằng; không ngờ bản thân cũng có sự thay đổi bất ngờ: "Gần như ngày nào 2 vợ chồng cũng xảy ra chuyện, việc đánh vợ xảy ra như cơm bữa. Nhưng sau khi tham gia các buổi học do Hagar tổ chức, tôi đã nhận ra nhiều điều. Không còn đánh mắng vợ nữa mà thấy thương nhiều hơn. Nghĩ lại những gì đã đối xử với vợ, tôi ân hận vô cùng…".

Anh Tiến cho biết thêm, từng nhiều lần bị công an xã gọi ra vì đánh vợ: "Hiện nay tôi như bị 'án treo', cứ mỗi lần đánh vợ là hàng xóm phản ánh. Thông qua các buổi truyền thông và các chương trình hỗ trợ, tôi sẽ thay đổi và phấn đấu làm cộng tác viên cho chương trình", anh Tiến bày tỏ.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Chia sẻ