Cận cảnh công nghệ nhuộm đất đỏ Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc
Dư luận về chuyện khoai tây Trung Quốc (TQ) siêu rẻ đội lốt khoai tây Đà Lạt mang lại lợi nhuận khủng cho những kẻ làm ăn gian dối đã râm ran suốt 3 năm qua nhưng gần đây ngành chức năng mới quyết liệt vào cuộc. Nhiều vấn đề bức xúc đặt ra không chỉ ở xứ rau Đà Lạt sau khi “quả bom” 26 tấn khoai tây TQ nguy hại bị phát hiện và tiêu hủy.
Nhuộm đất đỏ Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc.
Giá 1 kg khoai tây TQ ở cửa khẩu chỉ vài ngàn đồng nhưng sau khi được nhuộm lớp đất đỏ Đà Lạt rồi tuồn ra thị trường, giá vọt lên tới 16.000 - 18.000 đồng.
Điều lạ là chuyện làm ăn gian dối một vốn bốn lời này diễn ra ngay tại chợ Nông sản Đà Lạt và khu vực lân cận. Khoai tây TQ nhập về chợ được rửa sạch sau đó dùng loại đất nâu đỏ Đà Lạt (đã được cán mịn và phơi khô) phủ quanh củ khoai rồi đóng bao đưa đi tiêu thụ, chủ yếu tại TPHCM và các tỉnh, thành miền Tây.
Ông Nguyễn Thế Hiền - Tổ phó phụ trách chợ Nông sản Đà Lạt khẳng định không có chuyện làm giả khoai tây TQ thành khoai Đà Lạt tại đây. Giải thích về sự tồn tại của những bao đất đỏ ở nhiều quầy hàng trong chợ, ông Hiền nói: Tiểu thương nhuộm đất Đà Lạt cho chính loại khoai của Đà Lạt cho bắt mắt theo yêu cầu của đối tác thôi (?!). Nếu không cho nhuộm đất lên khoai tây thì tiểu thương bỏ chợ đi hết.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế có khá nhiều quầy nhập khoai tây TQ, chỉ có một vài quầy chuyên kinh doanh khoai Đà Lạt. Một số tiểu thương thẳng thắn: Khoai tây Đà Lạt sau khi thu hoạch chỉ việc phân loại và đem đi bán chứ chẳng ai rửa, nhuộm làm gì. Vỏ mỏng, dễ bị trầy xước nên nếu rửa sẽ nhanh bị thối lắm! Khoai tây TQ về chợ nhiều đến nỗi nhiều tiểu thương mua máy rửa nông sản (cũng có xuất xứ từ TQ) về làm cho nhanh, mỗi lần rửa gần 100 kg.
Một cán bộ lãnh đạo thuộc Sở NN&PTNT Lâm Đồng khẳng định: Có tình trạng khoai TQ giả mạo khoai Đà Lạt bởi nếu không nhập nhèm thương hiệu thì thương lái chở khoai từ TPHCM lên Đà Lạt hoặc huyện Đức Trọng rồi sau đó chở ngược lại để làm gì cho tốn tiền bốc vác, vận chuyển?
Mông má khoai tây Trung Quốc ngay tại chợ Nông sản Đà Lạt.
Chuyện “khoác áo” Đà Lạt cho khoai TQ bị bóc trần khi qua tố giác của người dân, ngày 22/6 vừa qua, các cơ quan chức năng của Đà Lạt - Lâm Đồng đã tìm ra lò nhuộm khoai tây ở xóm Hố (tổ Trại Mát, phường 11). Bày ra trước mắt đoàn kiểm tra là đống khoai tây TQ nặng khoảng 4 tạ vừa được nhuộm đất đỏ Đà Lạt. Các bao đất thừa và các vật dụng dùng để nhuộm và đóng gói còn ngổn ngang tại hiện trường. Ngay cạnh chỗ nhuộm là kho chứa hàng chục bao đất.
Hai chị em Hoàng Thị Hoa và Hoàng Thị Hồng ở đây cho biết, họ được bà chủ tên Hiệp thuê nhuộm khoai với tiền công 3,6 triệu đồng/tháng. Thông thường khoai tây được chuyển đến kho bằng xe tải lớn. Phần việc của hai cô là đổ khoai vào các rổ lớn rồi tưới nước làm ướt khoai. Sau đó cho bột đất đỏ vào rổ khoai, xóc cho đất bám đều quanh củ rồi đổ ra nền xi măng hong gió cho khô.
Ngậm ngùi bỏ mùa khoai trái vụ
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Năm ngoái, diện tích khoai tây trái vụ của tỉnh là 200 ha, nay chỉ còn khoảng 50 ha. Nguyên nhân chủ yếu do khoai tây TQ giá rẻ ồ ạt đổ về khiến người trồng khoai trái vụ ở Đà Lạt lao đao.
Đàn bò xông vào ăn khoai tây Trung Quốc chuẩn bị tiêu hủy.
“Cây khoai tây vốn kỵ nước nên rất khó trồng vào mùa mưa (mùa trái vụ - PV). Chỉ trồng được ở những nơi ráo nước như triền đồi. Chi phí đầu tư cao hơn khoai chính vụ nhiều trong khi mẫu mã, sản lượng lại kém. Thông thường giá khoai trái vụ Đà Lạt phải cao gấp rưỡi khoai chính vụ thì nông dân mới có lãi. Thế nhưng những năm gần đây khoai tây TQ đội lốt Đà Lạt kéo giá khoai xuống thấp khiến người trồng khoai càng làm nhiều càng lỗ nặng” - ông Vương Đình Phú (phường 7) nói.
Tổ trưởng Tổ dân phố 2 Thánh Mẫu Nguyễn Văn Lợi (phường 7) cho biết: Mới đây, các cơ quan chức năng phát hiện 26 tấn khoai nhập từ TQ về kho của bà Nguyệt ở Hòn Bồ (phường 12, Đà Lạt) bị nhiễm Chlorpyrifos cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế. Loại thuốc này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư phổi.
Lại thêm thông tin khoai tây TQ được nhập ồ ạt, mông má thành khoai Đà Lạt rồi chở đi bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước khiến người tiêu dùng lo lắng. Không ít người tẩy chay khoai tây hoặc tiêu thụ ở mức rất hạn chế. Khoai tây Đà Lạt chính hiệu cũng bị oan. Do đó, một số nông dân chuyển diện tích đất dự kiến trồng khoai tây sang trồng cây khác để tránh rủi ro.
Vạ lây
“Khoai tây TQ gây biến động lớn cho thị trường khoai Việt Nam. Hiện khoai tây chính vụ Đà Lạt còn nằm kho rất nhiều vì hệ thống siêu thị nhập cầm chừng, thậm chí có lúc ngưng hẳn” - chị Trần Đan Vy (Cty TNHH Nông trường xanh) ở TP Đà Lạt nói.
Không chỉ khoai tây, các loại nông sản có tiếng khác của Đà Lạt - Lâm Đồng như dâu tây, cà rốt, bông cải xanh, hành tây cũng bị lập lờ đánh lận con đen bởi hàng hóa nhập từ TQ.
Theo chị Vy, sau vụ 26 tấn khoai tây TQ bị tiêu hủy ở Đà Lạt, cũng như phản ánh của báo chí về tình trạng làm giả khoai TQ thành khoai Đà Lạt diễn ra quá phổ biến, một số siêu thị đã gửi thư báo động cho công ty phải kiểm soát thật kỹ nguồn gốc hàng, sau đó buộc công ty phải cắt đơn hàng của các nhà cung cấp. Có lẽ siêu thị sợ rằng, nếu xảy ra sơ suất sẽ mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định nông dân và những doanh nghiệp kinh doanh nông sản tử tế bị thiệt đơn thiệt kép, rau Đà Lạt (thương hiệu rau số một Việt Nam) bị ảnh hưởng nặng nề bởi những thương lái hám lợi, làm ăn gian dối. Không chỉ khoai tây, các loại nông sản có tiếng khác của Đà Lạt - Lâm Đồng như dâu tây, cà rốt, bông cải xanh, hành tây cũng bị lập lờ đánh lận con đen bởi hàng hóa nhập từ TQ.
Phải siết chặt quản lý, xử phạt thích đáng
Trong vòng một tháng qua, đã có hàng trăm tấn khoai TQ, hàng chục tấn cà rốt, hành tây… từ TQ nhập về Đà Lạt và các huyện lân cận sau đó tỏa đi nhiều địa phương khác để tiêu thụ, trong đó 26 tấn khoai tây nguy hại phải thiêu hủy.
26 tấn khoai tây này đã lọt qua cửa khẩu và hàng ngàn ki lô mét đường bộ để vào đến Đà Lạt khiến dư luận không khỏi nghi ngờ còn bao nhiêu lượng hàng hóa độc hại lọt qua các cửa kiểm tra? Theo ông Hưng, cần kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu từ TQ, đặc biệt tăng tần suất kiểm tra ở những cửa khẩu có các loại nông sản mà chúng ta đang đưa vào tầm ngắm.
Ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết: Năm ngoái, diện tích khoai tây trái vụ của tỉnh là 200 ha, nay chỉ còn khoảng 50 ha. Nguyên nhân chủ yếu do khoai tây TQ giá rẻ ồ ạt đổ về khiến người trồng khoai trái vụ ở Đà Lạt lao đao.
Hơn một tuần nay, Chi cục BVTV phối hợp với Cảnh sát Môi trường Công an Lâm Đồng và một số phòng ban chức năng của TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng kiểm tra hàng loạt cơ sở kinh doanh khoai tây và một số nông sản (đang bị nhập nhèm giữa hàng TQ và hàng Đà Lạt), thu nhiều mẫu để kiểm tra nhanh. Kết quả đa số các mẫu chỉ sắp vượt ngưỡng an toàn nên rất khó xử lý.
Theo chuyên gia, không loại trừ khả năng chất độc hại đã giảm bớt độc lực trong khoảng thời gian khá dài vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu phía Bắc vào Đà Lạt - Lâm Đồng và lưu giữ tại các kho, do đó khi kiểm tra không phát hiện ra.
Không chỉ nông dân chân chính một nắng hai sương ở Đà Lạt khốn đốn mà người tiêu dùng cũng bị thiệt hại nặng nề: Vô tình tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng với giá cao gấp nhiều lần giá trị thật. Đó là chưa kể nguy cơ tổn hại sức khỏe nếu ăn phải nông sản kém chất lượng, có chứa chất độc hại… Do đó, cần tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho người tiêu dùng cách phân biệt nông sản của TQ và Đà Lạt - Lâm Đồng để mua đúng hàng, đúng giá, tránh bị lừa.