Cái "đói" trong hôn nhân: Khi những rạo rực, khao khát không được thỏa mãn, liệu người ta có lôi nhau ra tòa?

AMT,
Chia sẻ

Thời chúng ta, ít người đói ăn đói mặc, chỉ có "đói yêu" là nhiều...

Tàu ngầm trong rất nhiều hội nhóm tâm sự chuyện hôn nhân và chia sẻ bí kíp phòng the, thi thoảng tôi lại bắt gặp những lời cầu cứu từ các bà vợ hoặc ông chồng đang quằn quại "đói ăn". 

Cái "đói" trong hôn nhân: Khi những rạo rực, khao khát không được thỏa mãn, liệu người ta có lôi nhau ra tòa? - Ảnh 1.

Khởi nguồn của "cái đói" trong hôn nhân

Có người mới kết hôn đã... "đói", có người đang mang thai cũng "đói", mà cũng có người sinh con 3-4 năm xong vẫn... chưa thoát được cơn "đói". Nhiều người vẫn nghĩ đàn ông mới là đối tượng dễ "đói" và "đói" nhiều hơn trong hôn nhân, chứ đàn bà thì ít?! 

Nhưng sự thật là cái "đói" chẳng chừa một ai, đàn ông hay đàn bà cũng đều có nhu cầu cả. 

Ai lại đi cân nhắc chuyện đối phương muốn quan hệ bao nhiêu lần 1 tuần hay sức bền và sự linh hoạt của họ khi đêm xuống vào lúc chuẩn bị kết hôn chứ? Biết bao việc khác phải lo. Và "cái đói" cũng từ đó mà xuất hiện.

3 năm trước, chúng tôi kết hôn sau gần 4 năm hẹn hò. Trong suốt 4 năm ấy, mỗi tháng chúng tôi chỉ gặp nhau 2-3 lần vì địa điểm làm việc của hai đứa cách nhau gần trăm cây số. Gọi là xa thì không phải, nhưng đương nhiên cũng chẳng đủ gần để quấn quít nhau như những cặp đôi khác. 

Cái "đói" trong hôn nhân: Khi những rạo rực, khao khát không được thỏa mãn, liệu người ta có lôi nhau ra tòa? - Ảnh 4.

Khi quyết định về chung một nhà, tôi và anh cũng đắn đo, cân nhắc nhiều vấn đề. 

Nhưng bây giờ khi nghĩ lại, cái mà tôi gọi là "nhiều" đó đều chỉ quanh quẩn trong chuyện kinh tế, độ chung thủy và hoàn cảnh của gia đình hai bên.  

Tôi hoàn toàn quên mất tất cả những gạch đầu dòng về nhu cầu sinh lý và coi đó là điều hiển nhiên. 

Yêu nhau tới 4 năm chẳng thấy có vấn đề gì với chuyện quan hệ tình dục, có gì mà phải đắn đo hay cân nhắc vấn đề ấy. Tôi đoán chồng tôi khi đó cũng nghĩ như vậy. Lu bu với quá nhiều thứ cần chuẩn bị nên cũng chẳng còn tâm trí nào mà xét tới chuyện chăn gối.

Cưới hỏi xong xuôi, ngỡ là đã nhẹ gánh hết áp lực để tận hưởng khoảng thời gian "vợ chồng son". Nhưng 3 tháng đầu chung sống, chúng tôi chỉ quan hệ 5 lần - tần suất y hệt như khi còn đang yêu xa mặc dù ngày nào cũng chung nhà, chung giường.

Năm đó tôi 25 tuổi và cũng là lần đầu tiên trong đời biết cảm giác "đói". 

"Cái đói" sẽ đưa chúng ta về đâu?

Tôi mất 3 năm để vật lộn với "cơn đói" của chính mình. Hàng ngàn kịch bản đã được vẽ ra: Liệu có phải anh "cong", hay anh có bồ bên ngoài, hay do mình thiếu kỹ năng,... 

Bóng gió ẩn ý bày tỏ ham muốn, có. Thẳng thắn ngồi nói chuyện về chuyện chăn gối, có. Thay đổi chế độ ăn uống, có. Cùng nhau gặp chuyên gia tâm lý để giải quyết vấn đề, cũng có.

Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực đều không thể giải quyết được vấn đề duy nhất là nhu cầu của tôi cao hơn của chồng.

Cái "đói" trong hôn nhân: Khi những rạo rực, khao khát không được thỏa mãn, liệu người ta có lôi nhau ra tòa? - Ảnh 5.

Kết cục, tôi thấy mặc cảm và xấu hổ vì trong mắt chồng, mình chẳng khác nào một "con nghiện". Còn chồng tôi, đương nhiên cũng không lạc quan hơn vì "đàn ông rõ trẻ khỏe mà chẳng có ham muốn". Vậy là từ quan hệ tình dục với tần suất thấp, chúng tôi gần như ăn chay hẳn vì không tìm được cách giải tỏa tâm lý cho nhau.

"Cái đói" này sẽ tạo ra một "cái nhọt" mang tên: Có mà cũng như không thì khác gì không có!

Vậy là chúng tôi ly hôn.

Bạn bè và cả người thân đều chẳng hiểu tại sao chúng tôi lại lôi nhau ra tòa. Không xung đột, không kẻ thứ 3, kinh tế của cả hai cũng rất ổn.

Tôi biết có nhiều người sẽ lựa chọn khác đi nếu trong tình cảnh của tôi. Đàn ông thì dễ ngoại tình, đàn bà thì dễ cam chịu mà sống tiếp vì dù sao "cái đói" ấy cũng chẳng làm họ chết được. 

Không chết, nhưng héo úa về tinh thần thì có. 

Cái "đói" trong hôn nhân: Khi những rạo rực, khao khát không được thỏa mãn, liệu người ta có lôi nhau ra tòa? - Ảnh 7.

Chúng ta thường cân nhắc rất nhiều vấn đề khi chuẩn bị kết hôn: Phải ở nhà thuê, tiết kiệm bao lâu để mua được nhà?, Ở chung với bố mẹ chồng hay ở riêng?, Mấy năm sau khi cưới thì nên có con?,....

So với những điều đó, chuyện tình dục hẳn là gạch đầu dòng mà nhiều người coi là nhảm nhí, chẳng đáng để nghiêm túc suy nghĩ và cân nhắc.

Thậm chí là ngay cả khi đã cân nhắc và thấy có những bất ổn, người ta cũng dễ tặc lưỡi cho qua. Liệu bạn có sẵn sàng chấp nhận sống cả đời với người bạn đời có nhân cách tốt, có khả năng kiếm tiền, biết vun vén cho gia đình nhưng gần như không có nhu cầu ân ái với mình?

Tôi thì không.

Tình dục suy cho cùng vẫn là một món ăn không thể thiếu trong hôn nhân. Thiếu nó, chúng ta không chết về thể xác nhưng sẽ hấp hối về tinh thần. Nếu có cỗ máy thời gian của Doremon trong tay, tôi sẽ làm một chuyến về quá khứ để thay đổi danh sách những vấn đề cần lưu tâm trước hôn nhân.

Nếu thế, biết đâu mọi chuyện có thể sẽ khác...

Chia sẻ