Cách 'biến' một đứa trẻ nghịch ngợm trở nên hiểu chuyện, gắn bó với gia đình

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Để dạy con hiểu chuyện, theo chị Liên, có 2 việc cần phải làm: Một là tôn trọng và yêu thương, chia sẻ với con mọi việc. Thứ hai là có quy định về kỷ luật hiệu quả và nhất quán tại gia đình.

Đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời là bà mẹ có nhiều chia sẻ về nuôi dạy con được yêu thích, chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Hà Nội) thường xuyên nhận được những thắc mắc từ các phụ huynh. Chẳng hạn: “Nên làm thế nào để con ngoan, nghe lời?”. Hay có mẹ lại nói: "Con nhà em lười lắm, không chịu làm việc nhà, làm sao để con thay đổi?”.

Chị Liên cho rằng, thực ra chị không dạy con ngoan và nghe lời mà dạy con hiểu chuyện, và từ đó biết là trong hoàn cảnh nào con cần làm gì cho phù hợp cũng như lựa chọn hành động sao cho khôn ngoan. Nghĩa là chị dạy con có chính kiến, biết đúng sai và hiểu chuyện, biết phối hợp đồng điệu với bố mẹ trong cuộc sống (chứ không phải nghe lời).

Bà mẹ này chia sẻ, cả hai con trai của chị đều rất nghịch nhưng mỗi bạn lại nghịch 1 kiểu và tính cách cũng rất khác nhau. Bé lớn thì rất thông minh, bướng bỉnh, hay cáu, nóng tính, còn bạn bé thì lại lì lợm, khó bảo và hồi bé nghịch luôn chân luôn tay.

Làm thế nào để "biến" đứa trẻ nghịch ngợm trở nên hiểu chuyện, gắn bó với gia đình? Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 1.
Chị Liên và con.

Để dạy con, theo chị Liên, có 2 việc cần phải làm: Một là tôn trọng và yêu thương, chia sẻ với con mọi việc. Thứ hai là có quy định về kỷ luật hiệu quả và nhất quán tại gia đình.

1. Yêu thương

Yêu thương như thế nào là phù hợp. Mỗi nhà một hoàn cảnh, nhưng với chị Liên, yêu thương nhưng không chiều con, làm hư con thì mới phù hợp.

Thường thì tình yêu thương của chị thể hiện rất cụ thể và dễ nhận biết: Ví dụ ôm các con nhiều lần trong ngày, nếu bận quá thì nhất quyết phải ôm, hôn lên trán các con trước khi đi ngủ, đọc truyện cho con nghe, rồi nói rất rõ: "Bố/mẹ yêu con". Việc đọc truyện duy trì từ khi con còn bé cho đến khi con lên lớp 3-4, hoặc khi con thấy tự đọc được và không muốn mẹ đọc nữa thì mới thôi.

Chị dành khá nhiều thời gian bên con: Các buổi tối, các ngày cuối tuần, các ngày lễ, từ khi sinh con ra đến năm con lên lớp 6, thấy các con đã lớn hơn, con thích chơi với bạn hơn thì mới tách dần con ra. Chị chơi với con như 2 đứa trẻ: Cùng đấu khủng long, cùng lắp lego, cùng đóng 5 anh em siêu nhân, cùng đi dạo, cùng đạp xe, cùng tập patin, cùng con học nấu ăn. Nói chung, mọi việc đều cùng con và đó là những cảm xúc rất vui vẻ bên các con.

Tâm niệm về nhà là chốn bình an, thế nên về nhà là chị để lại hết những cảm xúc cáu, bực, giận ở ngoài cửa và từ đó luôn nhẹ nhàng trong ứng xử với các con của mình.

Bên cạnh việc yêu con, chị có lẽ là người có tình yêu với những người xung quanh. Nên khi nói chuyện hay kể về cô này, cô kia, bác này, bác kia tội nghiệp. Và chị cũng hay giúp đỡ mọi người xung quanh như học sinh, phụ huynh. Chị cũng rất yêu thương mẹ và chị mình, và thường hay lắng nghe mọi người tâm sự. Tình yêu thương theo chị không phải là thứ nói miệng là con sẽ có, mà phải từ trong tâm mình lan tỏa ra cho những người trong gia đình và với mọi người xung quanh thì đứa trẻ sẽ cảm nhận và học theo.

Tình yêu thương rất là diệu kỳ, khi bố mẹ và các con đều có thì quan hệ với người ngoài cũng như trong gia đình hài hòa hơn, dễ bỏ qua lỗi của người khác và nhìn mọi người tích cực hơn và tốt hơn.

Chị cũng hay trao đổi với con về giá trị cuộc đời của mình: "Đó là sống phải là người tử tế, dù hoàn cảnh nào cũng không được làm tổn thương bản thân và người khác". Và luôn trao đổi với con về giá trị này. Chị hy vọng rằng, giá trị từ chính con người mình sẽ phần nào giúp con định hình giá trị trong con, cái giá trị này, sẽ giúp con luôn có được cái neo để bám vào trước những quyết định khó khăn của cuộc sống.

Không áp đặt con: Chị Liên ít khi áp đặt con, khi con muốn làm gì không đúng ý, chị hướng dẫn con là nếu con phân tích và thuyết phục được mẹ lý do tại sao con làm như thế thì mẹ sẽ bỏ qua và cho con làm. Thường chị hay hướng dẫn con phân tích nguyên nhân - hệ quả: Vì sao con làm như vậy, làm như vậy có những điểm nào tốt và điểm nào không tốt cho con. Nếu điểm bất lợi quá nhiều thì sẽ hướng dẫn con "tìm một cách hành động khác mà ít điểm bất lợi hơn".

"Ví dụ: Có hôm con bị thầy phạt vì con cãi thầy. Mình không nói con đúng hay sai mà hỏi con sao lại làm thế, nghĩa là cùng con sẽ nói ra nguyên nhân. Sau đó mình nói, khi con làm vậy hệ quả là con đã làm thầy tức giận, thầy cảm thấy con hỗn – mẹ không nói là con hỗn mà mẹ nói cảm nhận của thầy về con là con hỗn và hệ quả con bị thầy phạt.

Mẹ không thể lúc nào cũng bảo vệ được con hay đứng ra đó bênh con được, huống hồ gì con lại sẽ học ở đó nhiều năm, liệu con có cách nào để thay đổi tình huống này để thầy không thấy con hỗn, không thấy bực tức hay không? Và thế là hai mẹ con cùng tìm giải pháp. Thường là sau khi trao đổi con sẽ thay đổi về hành vi một cách rất tự nhiên", chị Liên nói.

Hiếm khi chị nói con sai rồi, con làm thế là không đúng mà luôn khéo léo phân tích hệ quả của con và nếu con muốn tránh thì con nên ứng xử thế nào cho phù hợp, luôn hướng về giải pháp để giải quyết vấn đề tốt hơn là ngồi đó đánh giá là con đúng hay con sai.

Bên cạnh đó, chị cũng hay chỉ rõ cho con khi làm được 1 việc tốt, lập tức ghi nhận và khen con ngay: “Hôm nay mẹ vui vì con pha nước cam cho mẹ”; “Ồ, con rửa bát xong rồi à, nhanh thế”; “Hôm nay con tự giác gập quần áo rồi à, tiến bộ quá”,... Khi thấy con niềm nở chào chú bảo vệ, mẹ vui vì con biết quan tâm đến người khác và mẹ nghĩ chú ấy cũng vui.

Có hôm con về khoe: “Ngày nào con cũng chào chú bảo vệ, thế là hôm nay con đi đến nơi chú đã kịp bấm cổng cho con vào, đúng là chào hỏi có tác dụng tốt mẹ ạ”. Nghĩa là, chính mình cũng dần xây dựng cho con khả năng quan sát hành vi - hệ quả để tự con rút ra nên làm gì cho đúng.

2. Nguyên tắc và kỷ luật

Cách làm kỷ luật con cái tại nhà như sau

1. Nguyên tắc kỷ luật con cái:

- Kỷ luật phải xuất phát từ tình yêu thương, sự tôn trọng chứ không xuất phát từ sự tức giận của bố mẹ.

- Kỷ luật nhằm giúp con không tiếp tục những hành vi không mong muốn. Đó là những hành vi nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bản thân và những người xung quanh và những hành vi không tôn trọng người khác.

- Không có đứa trẻ hư chỉ có hành động chưa được hoặc hành động không phù hợp. Nên phải nhắm vào hành động của con, không phê bình chung chung: “Con hư lắm, con hỗn lắm”.

- Nói những gì bạn sẽ làm và làm những gì bạn đã nói nghĩa là nhất quán. Đây là điều kiện cơ bản của rèn kỷ luật thành công.

2. Cách làm kỷ luật

Bản thân trong mỗi gia đình cần có chuẩn mực đạo đức và hành vi để thực hiện. Nhà chị Liên chia làm 2 việc. Việc buộc phải tuân thủ và việc được lựa chọn. Nếu đã là việc buộc phải tuân thủ thì chỉ thực hiện không bàn cãi, vi phạm là bị kỷ luật. Còn việc được lựa chọn là có thể chọn việc khác để làm thay.

Thường trước khi ra hiệu lệnh cũng luôn cho trẻ thời gian tạm trì hoãn trước khi làm việc. Ví dụ mẹ cho con 3 phút kết thúc việc này trước khi làm việc kia....

3. Các hình thức kỷ luật

3.1. Sử dụng body language (ngôn ngữ hình thể)

Với những hành vi không mong muốn, mẹ phải thể hiện cho con biết việc đó không được phép. Mẹ có thể dừng lại, không nói năng gì và nhìn một cách nghiêm khắc. Lúc này bé tự nhiên sẽ khựng lại và nhìn lại mẹ. Mẹ sẽ nói "không con nhé". Nhìn thẳng vào mắt con là vô cùng quan trọng. Lúc này trông mặt mẹ phải thật nghiêm.

3.2. Sử dụng các hoạt động time-out

Time-out là phương pháp dạy con không đòn roi, mục đích của hình phạt này là tách trẻ ra khỏi tình huống gây phiền nhiễu. Điều này giúp bé trấn tĩnh, suy nghĩ về những việc đã làm và tự rút ra bài học để không tiếp tục phạm lỗi. Bạn có thể áp dụng phương pháp này với trẻ 3–5 tuổi, khi trẻ bắt đầu có nhận thức căn bản giữa đúng, sai.

Thông thường có thể cho trẻ mỗi 1 tuổi là 1 phút time-out và hiệu quả với trẻ dưới 8 tuổi. Khi cho con “tạm lắng” phải chọn 1 chỗ dễ nhìn mọi người nhưng con phải đứng yên. Nếu con khóc bám theo phải kiên quyết nói "không, con ngồi đó. Nếu con tiếp tục đi ra thời gian ngồi 1 chỗ sẽ tăng thêm".

Con khóc, dỗi, mặt mẹ vẫn phải lạnh và tiếp tục khẳng định con chỉ quay lại chơi khi hết giờ phạt.

3.3. Cho con tự nhận hệ quả từ hành động của mình

Chẳng hạn như khi con làm đổ nước con phải tự đi lau. Con quên đồ tự về lấy. Con quên đồ dùng học tập phải tự chịu phạt ở trường. Ít khi chị Liên gọi điện nói đỡ cho con nếu con sai.

Thường chị sẽ trao đổi: "Mẹ cần nói chuyện riêng với con, con vào đây". Vậy là con biết có chuyện và rất là sợ rồi. Sau đó chị sẽ ngồi nói chuyện về hành vi của con mà mình không hài lòng, và nói rõ lý do, kèm hỏi con là con nên thay đổi hành vi đó theo hướng nào.

Làm thế nào để "biến" đứa trẻ nghịch ngợm trở nên hiểu chuyện, gắn bó với gia đình? Kinh nghiệm từ một bà mẹ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Kỷ luật phải xuất phát từ tình yêu thương, sự tôn trọng chứ không xuất phát từ sự tức giận của bố mẹ. Ảnh minh họa

3.4. Lấy đi vật yêu thích hay việc yêu thích

Chị thường chỉ hay cho con chơi 15-30 phút điện thoại 1 ngày (tăng dần theo độ tuổi). Nếu con có vấn đề thì giờ chơi bị mất. Hoặc rất nhiều thứ như đi chơi, mua đồ chơi yêu thích đều không được làm nếu con có nhiều việc vi phạm.

3.5. Tỏ ra lạnh nhạt

Khi bé làm 1 việc gì đó rất quá đáng như đánh mẹ (việc này là có thể xảy ra). Mẹ sẽ tỏ ra lạnh nhạt, có thể không giao tiếp hay nói chuyện với bé vài tiếng hoặc vài ngày nếu con làm việc mình không mong muốn. Hình phạt này rất hiệu quả với trẻ.

3.6. Quy tắc đèn xanh, vàng và đỏ

Khi mẹ thấy không hài lòng về một hành động của con mẹ sẽ nói: Mẹ bắt đầu không hài lòng, cảm thấy con cứ xem tivi là rất khó chịu. Con tắt đi (đèn vàng).

Mẹ bắt đầu cáu lắm rồi đấy (kèm giọng nghiêm trọng và ánh mắt lừ lừ), bà ngoại nhờ con lấy nước mà gọi con 3 lần rồi con chưa làm. Con biết khi mẹ cáu không kiểm soát được thì thế nào rồi đó. (Đèn đỏ)

3.7. Hình phạt cao nhất: Tùy vào văn hóa gia đình mà lựa chọn

Mỗi một nhà có 1 hình phạt cao nhất theo văn hóa gia đình, chỉ có gia đình bạn mới quyết định được. Có những phụ huynh không bao giờ dùng roi vọt mà con rất ngoan, có phụ huynh dùng roi cả ngày mà con vẫn không ngoan. Chính vì vậy, dùng biện pháp gì với con chỉ có gia đình mình mới biết được để mà đưa ra cho phù hợp.

4. Cách nói chuyện khi xử lý kỷ luật

Ít nói và kiệm lời nhất có thể. Chỉ hỏi chứ không khẳng định gì, tránh để con cãi. Ví dụ. Con vừa làm gì vậy? Theo con, làm thế là đúng hay sai? Nếu con biết là sai thì con làm gì? Nếu lần sau con rơi vào tình trạng này con làm gì? Giọng thật nghiêm để con tự trả lời và rút kinh nghiệm cho lần sau.

Chia sẻ