Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử

THÁI AN,
Chia sẻ

Năm 2018, tỷ lệ tự sát ở Hàn Quốc là 26,6/100.000 dân, giảm mạnh so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức cao thứ 4 thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới.

Tỷ lệ đàn ông ở Hàn Quốc tự tử cao gấp đôi phụ nữ nước này, trong khi tỷ lệ phụ nữ Hàn Quốc quyên sinh cao nhất thế giới, theo Statista.

Truyền thông

Theo hiệu ứng Werther (tự sát bắt chước), một số người quyên sinh để phản ứng với vụ tự sát trước đó. Theo nghiên cứu “Tác động của 13 vụ người nổi tiếng tự sát đối với tỷ lệ tự sát sau đó ở Hàn Quốc từ năm 2005 tới 2009”, số vụ tự tử ở Hàn Quốc tăng mạnh sau cái chết của những người nổi tiếng.

Theo kết quả nghiên cứu của Fu King-Wa, C. H. Chan và Michel Botbol, cứ 11 vụ người nổi tiếng tự kết liễu đời mình thì có 3 vụ dẫn tới tỷ lệ tự sát gia tăng trong dân chúng Hàn Quốc. Sau khi đã loại bỏ những yếu tố có thể gây nhiễu như tính mùa vụ, tỷ lệ thất nghiệp…, các nhà nghiên cứu nhận thấy mối tương quan mạnh giữa các vụ tự sát của người nổi tiếng với mức độ gia tăng tự tử trong dân chúng trong vòng 9 tuần.

Mức độ truyền thông đưa tin về các vụ tự sát của người nổi tiếng tác động mức độ tự tử gia tăng trong dân chúng. Trong nghiên cứu kể trên, 3 vụ tự sát của người nổi tiếng được truyền thông đưa tin rộng rãi và dẫn tới tỷ lệ tự tử tăng trong dân chúng. Các vụ tự sát không được đưa tin nhiều không dẫn tới việc gia tăng số vụ tự tử sau đó.

Người tự sát “ăn theo” có xu hướng sử dụng cách thức quyên sinh giống người nổi tiếng. Sau vụ tự sát của nữ diễn viên Lee Eun-ju năm 2005, nhiều người cũng chọn hình thức treo cổ, theo Journal of Affective Disorders.

Theo một nghiên cứu khác của Hàn Quốc, mức độ sử dụng internet cũng liên quan tự sát. Trong số 1.573 học sinh phổ thông, 1,6% nghiện internet và 38% có nguy cơ nghiện internet, theo International Journal of Nursing Studies. Những học sinh này có tỷ lệ tự sát cao hơn những người không nghiện internet.

Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử - Ảnh 1.

2 ngôi sao K-pop Goo Hara (trái) và Sulli quyên sinh cuối năm 2019. Ảnh: AP.

Gia đình

Nhiều người là trẻ mồ côi hoặc mất bố hoặc mẹ do Chiến tranh Triều Tiên. Khảo sát ngẫu nhiên 12.532 người lớn, 18,6% nói rằng, họ mất bố hoặc mẹ hoặc cả hai khi con trẻ. Việc mẹ chết có tác động lớn hơn tới tỷ lệ cố gắng tự sát so với việc bố chết, theo Suicide and Life-Threatening Behavior.

Một nghiên cứu cho thấy, nam giới có tỷ lệ cố gắng tự sát cao nhất khi mẹ mất lúc họ 0-4 tuổi và 5-9 tuổi. Phụ nữ có tỷ lệ cố gắng tự sát cao nhất khi mẹ mất lúc họ 5--9 tuổi.

Kinh tế

Trong 2 năm 1997 và 1998, khủng hoảng tài chính châu Á tác động mạnh tới Hàn Quốc. Trong và sau đợt suy thoái kinh tế năm 1998, Hàn Quốc có tăng trưởng kinh tế âm 6,9% và tỷ lệ thất nghiệp cao 7%, theo Social Science & Medicine.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, suy thoái kinh tế có mối tương quan mạnh mẽ với tỷ lệ tự sát gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và ly hôn tăng trong khi kinh tế đi xuống dẫn tới trầm cảm và trầm cảm dẫn tới tự sát.

Ngoài ra, suy thoái kinh tế làm tổn hại địa vị, hình ảnh xã hội của cá nhân. Điều này có nghĩa rằng, nhu cầu và sự mong đợi của họ không còn được đáp ứng và những người không thể điều chỉnh cho phù hợp có xu hướng tự kết liễu đời mình.

Theo kết quả nghiên cứu của hai tác giả Ben Park và David Lester, được Nhà xuất bản Đại học Hong Kong phát hành, thất nghiệp là một nhân tố chính của tỷ lệ tự sát cao. Ngoài việc người trẻ tự sát vì yếu tố kinh tế, người già cũng có xu hướng quyên sinh để giảm gánh nặng cho con cháu.

Tỷ lệ người cao tuổi Hàn Quốc tự sát đã vượt 50 người trên 100.000 dân, Nikkei đưa tin tháng 12/2019.

Giáo dục

Học sinh Hàn Quốc có nghĩa vụ tham gia kỳ thi CSAT (kiểm tra năng lực đại học). Dịp thi cử này, máy bay bị cấm bay để bảo đảm rằng, thí sinh không bị phân tán tư tưởng, NPR đưa tin. Thi cử ở Hàn Quốc rất cạnh tranh vì học sinh nào cũng muốn thi đỗ trường đại học danh tiếng.

Năm học của học sinh Hàn Quốc kéo dài từ tháng 3 năm trước tới tháng 2 năm sau, chia làm 2 học kỳ - từ tháng 3 tới tháng 7 và từ tháng 8 tới tháng 2. Trung bình, học sinh phổ thông phải dành xấp xỉ 16 giờ mỗi ngày để học và thực hiện các hoạt động liên quan trường học.

Dù nền giáo dục Hàn Quốc được xếp hạng rất cao trên thế giới, nhưng sự căng thẳng, sức ép học hành bị coi là là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ tự sát cao trong thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19.

Tự sát vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số người trẻ ở Hàn Quốc năm 2018 – vấn đề nước này đối mặt hơn 1 thập kỷ qua, Yonhap đưa tin.

Năm 2018, cứ 100.000 người trong độ tuổi 9-24 thì có 9,1 người tự tử, tăng so với con số 7,7 năm 2017. Kể từ năm 2007, tự sát là nguyên nhân số 1 gây tử vong cho thanh thiếu niên, theo báo cáo của Cục Thống kê Hàn Quốc.

Tỷ lệ tự sát tăng lên mức cao nhất vào năm 2009. Cứ 100.000 thanh thiếu niên trong độ tuổi 9-24 thì có 10,3 người tự kết liễu đời mình.

Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử - Ảnh 2.

Áp lực công việc, học hành cũng khiến nhiều người Hàn Quốc tự tìm đến cái chết. Ảnh minh họa: iStock.

 Bệnh tâm thần

Ở Hàn Quốc, hơn 90% nạn nhân tự sát có thể bị rối loạn tâm thần, nhưng chỉ có 15% trong số họ được điều trị phù hợp, theo một kết quả nghiên cứu đăng trên The New York Times. Trong số hơn 2 triệu người bị trầm cảm mỗi năm, chỉ có 15.000 người được điều trị thường xuyên.

Vì bệnh tâm thần bị coi nhẹ trong xã hội Hàn Quốc, các gia đình thường không khuyến khích thành viên mắc bệnh đi điều trị. Vì vấn đề kỳ thị, nhiều triệu chứng bệnh tâm thần bị bỏ qua và điều này có thể dẫn tới các quyết định không hợp lý, bao gồm tự tử.

Ngoài ra, rượu bia thường được dùng để giải sầu, tự chữa trị bệnh tâm thần. Tỷ lệ cố gắng tự sát cao trong khi người ta say rượu.

Các nguyên nhân chính khiến nhiều người Hàn Quốc tự tử - Ảnh 3.

Một trong những biện pháp mà Seoul áp dụng để phòng chống tự sát là lắp điện thoại trên cầu. Thông điệp thúc giục người có ý định nhảy cầu gọi điện tìm kiếm sự trợ giúp nếu gặp khó khăn. 

Một số vụ tự sát nổi tiếng ở Hàn Quốc

-Năm 2005, minh tinh Lee Eun-ju quyên sinh ở tuổi 24

-Năm 2008, minh tinh Choi Jin-sil tự tử ở tuổi 39. Chồng cũ của cô, vận động viên bóng chày Cho Sung-min quyên sinh năm 2013, cũng ở tuổi 39.

-Năm 2009, diễn viên Jang Ja-yeon tự kết liễu đời mình ở tuổi 29. Cô để lại thư cáo buộc một số người trong ngành giải trí có hành vi bạo lực, lạm dụng, bóc lột tình dục.

-Năm 2009, cựu tổng thống Roh Moon-hyun tự sát ở tuổi 62 bằng cách nhảy khỏi vách núi.

-Năm 2009, siêu mẫu Daul Kim quyên sinh tại Paris ở tuổi 20.

-Năm 2014, hai ngày sau vụ chìm phà MV Sewol, hiệu trưởng một trường phổ thông, người được cứu trong vụ tai nạn khiến nhiều học sinh chết đuối, tự sát. Chủ tịch công ty phà cũng tự tử.

-Năm 2015, nhà tài phiệt ngành xây dựng Sung Wan-jong tự tử sau khi bị cáo buộc tham nhũng

-Năm 2016, phó chủ tịch tập đoàn Lotte Lee In-won tự sát ở tuổi 69. Một số lãnh đạo Lotte bị cáo buộc tham nhũng và tài chính tập đoàn có vấn đề.

-Năm 2018, tài tử Jun Tae-soo quyên sinh ở tuổi 33 sau một thời gian bị trầm cảm nặng.

-Năm 2019, diễn viên, ca sĩ Sulli tự tử ở tuổi 25.

-Năm 2019, diễn viên, ca sĩ Goo Hara tự sát ở tuổi 28.

-Năm 2019, Cha In-ha, nam diễn viên, thành viên ban nhạc Surprise U quyên sinh ở tuổi 27

-Năm 2020, thị trưởng Seoul Park Won-soon tự sát ở tuổi 64.

Chia sẻ