Các dịch bệnh mùa đông - xuân vẫn tiếp tục gia tăng vào đợt nắng nóng của mùa hè

M. Tuyết,
Chia sẻ

Các dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu, quai bị… thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Tuy nhiên, hiện nay đang trong những đợt nắng nóng của mùa hè mà tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội các ca bệnh này vẫn tiếp tục gia tăng.

Ho gà là bệnh đã được khống chế tại nước ta, song gần đây, bệnh này đã xuất hiện trở lại với sự thay đổi một cách bất thường. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 16-6, toàn thành phố đã ghi nhận 77 trường hợp mắc ho gà, tương đương số mắc của cả năm 2018. Dù đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp xảy ra vào mùa đông - xuân, nhưng trong tháng 5 và đầu tháng 6-2019, Hà Nội vẫn ghi nhận 2-4 trường hợp mắc ho gà/tuần (tương đương số mắc trong tháng 1 và tháng 3-2019).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, mỗi tháng phải có 8% trẻ được tiêm vắc xin "5 trong 1", thì sau một năm mới đạt độ bao phủ cần thiết là 95%. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, khi vắc xin ComBE Five được đưa vào thay thế vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem, số trẻ được tiêm chủng vắc xin này mới đạt 4-7%/tháng (tùy từng địa phương). Nếu tiến độ tiêm như hiện nay, thì tỷ lệ tiêm vắc xin trong cả năm 2019 chỉ đạt 80% và như vậy, một số dịch bệnh như: Ho gà, bạch hầu… có nguy cơ gia tăng.

g4549

Bệnh nhân nhi được khám tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (MT)

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương nhận định: Do lo ngại phản ứng sau tiêm, tỷ lệ tiêm vắc xin "5 trong 1" đạt thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc ho gà tăng trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận 200-250 trường hợp mắc ho gà và hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 14 trường hợp mắc ho gà. Vi khuẩn ho gà rất nguy hiểm, khiến trẻ ho từng cơn không thể kiềm chế, thậm chí có thể ngừng thở, tử vong trong cơn ho. Vì vậy, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh và khống chế bệnh ho gà.

Không chỉ ho gà, dịch bệnh sởi năm nay cũng diễn biến khá bất thường, dù thời tiết đã vào giữa hè. Trong 3 tuần đầu tháng 6-2019, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận trung bình 30-40 trường hợp mắc sởi/tuần. Và từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 1.481 trường hợp mắc sởi, trong khi đó cả năm 2018 chỉ có 511 trường hợp mắc.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm vẫn có 3-5 trẻ bị sởi nhập viện/ngày. Còn ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho nhiều người lớn mắc sởi. Chị Phạm Thị H. (25 tuổi, quê ở Ninh Bình) có thai 5 tháng, bị mắc sởi, đã nhập viện điều trị được gần một tuần, chia sẻ: "Do chủ quan nghĩ rằng, bệnh sởi chỉ xuất hiện ở trẻ em, nên trước khi có thai, tôi đã không tiêm phòng. Cách đây hơn một tuần, tôi bị sốt nhẹ, sau đó phát ban và được phát hiện mắc bệnh sởi".

Bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, thông thường, dịch bệnh sởi bùng phát mạnh vào mùa đông - xuân, sang hè thì số ca mắc sẽ giảm mạnh và hết. Thế nhưng, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là ở người lớn (từ 25 đến 35 tuổi) và phụ nữ có thai mắc sởi cao hơn hẳn so với mọi năm. Những đối tượng này hầu hết không tiêm phòng hoặc không nhớ tiền sử tiêm phòng. Thậm chí, thời điểm này, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu, quai bị - dù đây là những bệnh đặc trưng của mùa đông - xuân. Thời tiết thay đổi bất thường, vi rút, vi khuẩn - tác nhân gây bệnh dễ thích nghi, biến đổi, do đó, hiện nay, dịch bệnh có xu hướng xảy ra quanh năm, chứ không vào mùa nhất định.

Với các bệnh đã có vắc xin tiêm phòng như: Sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu… người dân phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Ngay cả người lớn chưa có miễn dịch với dịch bệnh sởi, không nhớ tiền sử tiêm chủng cũng nên đi tiêm phòng.

Chia sẻ