Ca khúc "Happy Birthday" bất ngờ thuộc về... cả thế giới sau hai năm kiện bản quyền
Chắc hẳn rất ít người trong chúng ta biết rằng, ca khúc Happy Birthday vẫn vang lên hàng ngày hàng giờ ở tất cả các quốc gia trên khắp thế giới lại được một công ty nhận bản quyền và đòi tiền bất cứ ai hát nó.
Tuy nhiên, vấn đề trên đã sớm được tòa án bang California, Mỹ chấm dứt với tuyên bố Happy Birthday thuộc về tất cả công chúng.
Nguyên căn của vấn đề nói trên xuất phát từ một công ty có tên là Wanner. Họ đã tuyên bố mua và sở hữu bản quyền với ca khúc Happy Birthday (Chúc mừng sinh nhật) vào năm 1988. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai muốn dùng bài hát này vào phim, kịch hay loại hình nghệ thuật nào khác đều phải trả số tiền ít nhất là 1.500 đô la Mỹ (tương đương khoảng 30 triệu đồng).
Theo đó, đã có rất nhiều người tin và trả tiền bản quyền ca khúc bất hủ này cho công ty. Mỗi ngày, ước tính có 5.000 USD chảy về tài khoản và cộng lại công ty thu về tới 2 triệu USD một năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013, một nhóm các nhà làm phim đơn lẻ đã đâm đơn kiện công ty Wanner không sở hữu ca khúc đồng thời không được thu tiền của người sử dụng. Nhóm này yêu cầu phía bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền cùng với danh tiếng của bài hát.
Cuộc kiện tụng đã kéo dài trong suốt 2 năm với nhiều lời qua tiếng lại và tài liệu bằng chứng được đưa ra. Trong đó có rất nhiều cơ sở chống lại tuyên bố bản quyền của Wanner.
Ngày 22/9, thẩm phán George H. King của tòa án California đã công bố phán quyết trả tự do cho ca khúc Happy Birthday bằng bản phán quyết dài 43 trang nói về nguồn gốc chính xác của nó. Theo đó, hai chị em một nữ giáo viên mẫu giáo tên là Patty Hill ở bang Kentucky mới chính là người sáng tác ca khúc năm 1989 tuy nhiên lại không có bất kỳ biện pháp bảo vệ bản quyền nào.
Chính vì lẽ đó, việc công ty Wanner mua lại bản quyền từ một tổ chức khác là hoàn toàn sai. Bởi kể cả trong trường hợp có người đăng ký bản quyền giai điệu đàn piano không kèm lời của Happy Birthday thì ca khúc cũng phải thuộc về công chúng kể từ thời điểm nó ra đời.
Quyết định của thẩm phán King cũng có nghĩa các nguyên đơn và nhiều người khác có thể đòi lại tiền phí bản quyền họ đã trả cho Warner và thậm chí kiện ngược lại công ty.
Sự kiện trên đối với giới nghệ thuật mà nói quả là một cuộc cách mạng bởi từ nay họ hoàn toàn có thể sử dụng ca khúc bất kỳ lúc nào mà không cần phải trả phí để làm giàu thêm cho tác phẩm của mình. Thêm vào đó, có một sự chiến thắng còn hơn cả quyền tự do của một ca khúc được tôn vinh chính là tinh thần dám kiện, dám đương đầu với đối thủ lớn để dành về công bằng.