Bức tranh kinh tế Việt Nam 2023: Gồng mình chống chọi "bão suy thoái" toàn cầu, vượt "gió ngược" tạo điểm sáng với nhiều mặt hàng xuất khẩu tỷ đô
Trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới vẫn "ảm đạm" nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam năm 2023 cho thấy tăng trưởng hồi phục nhẹ qua các quý.
Doanh nghiệp "gồng mình" trong tình cảnh đầy khắc nghiệt
Năm 2023 nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.
Trong 11 tháng năm 2023 hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đơn hàng sụt giảm. Xu hướng ngày càng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam khiến doanh nghiệp bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Theo đó, trong 11 tháng, PMI ở dưới ngưỡng 50 điểm, kéo dài chuỗi suy giảm của ngành chế biến chế tạo; sản lượng giảm và đơn hàng xuất khẩu giảm, trong khi chi phí đầu vào gia tăng.
Tổng mức bán lẻ tăng tốt, nhưng chậm lại dần qua các quý: tăng trưởng 3 tháng đầu năm ở mức 13,9%; 6 tháng ở mức 0,9%; 11 tháng ỏ mức 9,6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chỉ số PMI tháng 5/2023 đã giảm xuống 45,3 điểm, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 11/2022, phản ánh sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm giảm.
Chỉ số PMI các ngành sản xuất Việt Nam liên tục dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy bức tranh ảm đạm trong sản xuất kinh doanh, có nguyên nhân sâu xa từ nhu cầu thế giới và trong nước suy giảm.
Cùng với suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn.
Tính chung 11 tháng năm 2023, cả nước có 201,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 158,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Nhất là trong thời điểm cuối quý I/2023, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường. Bình quân một tháng trong quý I có gần 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong khi đó có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường,...
Đặc biệt, tình trạng thiếu điện từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6/2023 do đợt nắng nóng đã gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới ước tính kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 0,3% GDP, tương đương 1,4 tỷ USD do thiếu điện.
Nhiều gam màu sáng giữa bức tranh ảm đạm toàn cầu
Doanh nghiệp là chủ thể kinh tế quan trọng, tạo ra trên 60% GDP của nền kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp, Chính phủ đã luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và các hộ sản xuất kinh doanh.
33 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,50 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 85,94 tỷ USD, giảm 2,2%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 236,56 tỷ USD, giảm 7,1%, chiếm 73,4%.
Kim ngạch xuất khẩu mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng mức giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 11,6% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong 11 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Nông - nâm - thủy sản tăng trưởng tích cực, công nghiệp và xây dựng tăng trưởng trở lại cùng với sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo...
Nông nghiệp tiếp tục là "trụ cột" của nền kinh tế
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước sau 11 tháng đạt gần 620 tỷ USD, trong đó xuất siêu gần 26 tỷ USD. Điểm sáng nhất có thể kể đến là một số mặt hàng nông sản đạt kỷ lục xuất khẩu như gạo, sầu riêng…
Sau khi Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến nằm ngoài sức tưởng tượng của các doanh nghiệp rau quả. Trong khi đó, dưa hấu vừa chính thức được cấp "visa" xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là tín hiệu rất mừng cho doanh nghiệp và người trồng dưa.
Đặc biệt, hai nước đang đàm phán mở cửa thêm một loạt các sản phẩm nông sản như bưởi, dừa, hoa quả đông lạnh, giúp nhiều mặt hàng kỳ vọng sẽ gia nhập "câu lạc bộ" tỷ USD trong thời gian tới.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,5 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo đơn vị theo dõi kiểm dịch, trong vài năm trở lại đây không có bất kỳ lô hàng gạo nào của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này bị cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó khẳng định nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc không ngừng nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đáp ứng các quy định quốc tế đối với mặt hàng này.
Năm 2023 cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử hơn 30 năm Việt Nam xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới. Hơn 90% gạo Việt xuất khẩu hiện nay là hàng chất lượng cao, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Thành công của ngành lúa gạo Việt Nam là sự kết tinh từ những đóng góp không mệt mỏi của những người nông dân trồng lúa, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, đặc biệt là hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đã đánh thức tiềm lực của ngành hàng lúa gạo.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Năm nay, tình hình thu hút FDI cũng rất đáng chú ý. Năm nay đánh dấu một năm mà các hoạt động đối ngoại lãnh đạo cấp cao diễn ra sôi động. Việt Nam đã thể hiện rõ sự chào đón, quyết tâm, đối tác thì thể hiện nguyện vọng, quan tâm trong thiết lập những cứ điểm mới, cơ hội hợp tác mới tại Việt Nam.
Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Một lần nữa nhấn mạnh rằng, Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ triển vọng kinh tế tích cực, cũng như lợi thế về thương mại thông qua hệ thống các hiệp định thương mại tự do.
Đây được xem là điểm sáng quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế giảm sút. Vốn FDI sau 11 tháng, FDI đăng kí đạt 28,85 tỉ USD (tăng 14,8%); FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD (tăng 2,8%).
Đầu năm nay, hơn 50 tập đoàn của Mỹ, trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, trong lĩnh vực chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu gắn với công nghệ, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Nhiều tập đoàn nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Kết quả thu hút và thực hiện vốn FDI trong 11 tháng năm 2023 của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của nước ta.
Dự báo, trong năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, với nỗ lực chung của toàn xã hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục vượt lên, tạo thế và lực, tạo niềm tin để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.