Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh
Chiều 6/8, Bộ Y tế đã họp trực tuyến với 4 điểm cầu gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để kịp thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam đối phó nhiều dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Thanh Hóa có 1 trường hợp và Thành phố Hồ Chí Minh với 2 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tiêu chảy giảm 14,9%.
Về bệnh viêm não, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 565 trường hợp viêm não do virus tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 22 trường hợp tử vong.
Tỉnh Sơn La có số ca tử vong cao nhất cả nước. Tại tỉnh này, từ tháng Sáu đến nay, ghi nhận hơn 100 ca mắc hội chứng não-màng não; trong đó có 13 ca tử vong. Qua kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, Bộ Y tế khẳng định, 13 trường hợp tử vong ở Sơn La thời gian qua không phải do viêm não Nhật Bản B mà do hội chứng não cấp hoặc viêm não do virus.
Đối với bệnh tay, chân, miệng, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 31.139 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu . So với cùng kỳ năm 2013, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng cả nước giảm 7,6% và số tử vong giảm 9 trường hợp. Tuýp vi rút gây bệnh lưu hành là EV 71 (57,6%) và các EV khác.
Vì vậy, trong thời gian công tác truyền thông phải được đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hình thức thông tin trên truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo mạng, trên mạng viễn thông, tổ chức các buổi tọa đàm,…Tuyên truyền người dân và cộng đồng thực hiện vệ sinh môi trường (diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết), vệ sinh cá nhân, trường học phòng bệnh tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác… Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Chiều 6/8, Bộ Y tế đã họp trực tuyến để kịp thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa
Đề phòng Ebola - dịch bệnh chết người
Hiện nay dịch Ebola ở các nước Tây phi đã ghi nhận 1603 trưởng hợp mắc bao gồm 887 ca tử vong tính đến ngày 1/8/2014. WHO nhận định đây là dịch bệnh diễn biến tồi tệ nhất trong lịch sử 40 năm qua tại các nước Tây Phi. Đặc biệt chỉ trong vòng hai ngày (31/7 và 1/8); 4 nước Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone báo cáo thêm 163 trường hợp mắc mới, 61 ca tử vong. Guinea có 13 ca mắc mới nhưng đến 12 người tử vong, con số này tại Liberia 77 và 28 người tử vong.Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cảnh báo với dịch bệnh nguy hiểm này.
Tại cuộc họp gia ban,Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Tổ chức thế giới (WHO) nhận định Ebola là dịch lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại các nước Châu Phi. Bệnh lây truyền nhanh, tử vong cao, nếu không nỗ lực kiểm soát phòng chống, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ và nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì cuộc họp yêu cầu các đơn vị tập trung giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, phát hiện sớm ca bệnh do vi rút Ebola nếu có. Hiện Việt Nam có nguy cơ phải đối phó với rất nhiều các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang đe dọa như: dịch Ebola, viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV), dịch tả, viêm não Nhật Bản, H7N9… do đó tất cả các hoạt động phòng chống dịch tại các cửa khẩu không được lơ là, mất cảnh giác. Ngành y tế cần tập hợp các trang thiết bị, cơ sở vật chất để điều trị, chuẩn bị tập hợp các máy thở cho các bệnh viện tuyến cuối, chuẩn bị phòng cách ly, thuốc điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn trong tình huống sẵn sàng.
Theo TS Trần Đắc Phu, bệnh do vi rút Ebola (sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (thuộc nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.
Người mắc bệnh do vi rút Ebola có các triệu chứng sốt cao kéo dài, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu…). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.
Bệnh nguy hiểm bởi tốc độ lan truyền, nguy cơ tử vong cao và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh hay phương pháp điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh, người dân cần lưu vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó; Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.