Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD&ĐT rà soát, chuyển lại ngân sách 29,7 triệu USD

Cao Sơn ,
Chia sẻ

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải đáp vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc đã chi trả bao nhiêu tiền để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn một bộ sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ đã phê duyệt dự án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới tổng thể là 80 triệu USD, trong đó gồm 77 triệu USD vay ODA, 3 triệu USD vốn đối ứng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Bộ GD&ĐT rà soát, chuyển lại ngân sách 29,7 triệu USD - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh

Trong cấu phần này, như thiết kế ban đầu, có 16,5 triệu USD dành cho biên soạn sách giáo khoa, nhưng Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không sử dụng đến khoản tiền này, mà huy động xã hội hoá. Do vậy, khoản 16,5 triệu USD này vẫn để trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới. Cộng với các chi phí tiết kiệm khác qua rà soát, Bộ GD&ĐT đã trả lại tổng số tiền là 29,7 triệu USD.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội về xã hội hóa trong xây dựng, biên soạn và tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa. Trừ trường hợp không có bộ sách nào của các nhà xuất bản thì lúc ấy Bộ sẽ phải làm theo đúng Nghị quyết 122/2020/QH14 của Quốc hội.

Trước đó, trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết:

Với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các đề án có liên quan, bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chỉ đạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa; thẩm định, phê duyệt được 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Thứ tự xếp hạng giáo dục Việt Nam tăng.

Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia cơ bản bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực và tốn kém, nhất là kỳ thi năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Việc dạy và học trực tuyến được đẩy mạnh, công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học đạt kết quả tích cực...

Chia sẻ