Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia để thay đổi thứ hạng Việt Nam

PV,
Chia sẻ

Chiều ngày 8/7, tại trụ sở Bộ TT&TT, cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam – Viet Solution 2020 đã chính thức được phát động.

Lần đầu tiên ngành TT&TT tổ chức một cuộc thi thường niên mang tên Viet Solution 2020. Đây là cuộc thi mang tầm quốc gia. Do Bộ TT&TT tổ chức, và đồng hành bởi Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel.

Viet Solution là cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia dành cho các cá nhân, doanh nghiệp trên toàn cầu, do Bộ TT&TT tổ chức.

Viet Solution 2020 là sự kết nối, cộng hưởng giữa các bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp lớn và các nhóm/tổ chức/doanh nghiệp có sản phẩm/giải pháp sáng tạo, qua đó hình thành nên các giải pháp giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi (ảnh: VietNamNet)

Các lĩnh vực mà Viet Solution 2020 tìm kiếm sản phẩm/ứng dụng sáng tạo gồm: Sản phẩm/giải pháp ứng dụng trên di động như: nội dung game, nhạc, video, tin tức, multimedia và tiện ích; Các sản phẩm OTT, mạng xã hội; Giải pháp/ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp...

Phát biểu chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Việt Nam có lợi thế về chuyển đổi số, đó là có nhiều doanh nghiệp Viễn thông, CNTT mạnh, và đây là lúc phát huy để đất nước bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng."

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc ấn nút khởi động cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho chuyển đổi số quốc gia, nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số, giúp Việt Nam đi đầu về chuyển đổi số, nhằm thông qua chuyển đổi số để thay đổi thứ hạng Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng. Và với sự có mặt của lãnh đạo các bộ, ngành tại lễ phát động cuộc thi cho thấy "sự cam kết đồng hành với chuyển đổi số quốc gia, thông qua việc chuyển đổi số ngành mình".

Từ nhận định này người đứng đầu ngành TT&T "kêu gọi tất cả chúng ta cùng tham gia vào sự nghiệp vinh quang này, đó là các tổ chức, cá nhân với những vấn đề của mình, là cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số."

 - Ảnh 2.

Các đại biểu bấm nút phát động cuộc thi (ảnh: hanoimoi)

"Giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số là phát triển các nền tảng, nhất là các nền tảng Việt Nam. Một nền tảng có thể chuyển đổi số, giải quyết một vấn đề cho hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Cuộc thi của chúng ta cũng là để tìm kiếm các nền tảng chuyển đổi số Việt Nam. Dữ liệu hiện được coi là tài nguyên quý giá trong thời đại số, nên tài nguyên này phải được lưu trữ tại Việt Nam, bởi các nền tảng Việt Nam."

"Việt Nam là một thị trường lớn. 100 triệu dân là tài nguyên lớn nhất của chúng ta. Chuyển đổi số Việt Nam là cái nôi để sinh ra các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Để từ đây, các doanh nghiệp, các sản phẩm và giải pháp chuyển đổi số Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài, và làm rạng danh Việt Nam. Bởi vậy, cuộc thi này để tìm lời giải cho những bài toán Việt Nam, nhưng cũng là lời giải cho những bài toán toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Đội giành giải Nhất sẽ nhận được tiền mặt là 200 triệu đồng; đội giải Nhì và Ba sẽ nhận được khoản tiền mặt lần lượt là 100 triệu đồng và 50 triệu đồng. Sản phẩm, giải pháp công nghệ thắng cuộc sẽ được Viettel hỗ trợ để hoàn thiện, đồng thời được hợp tác phát triển nền tảng công nghệ tại 11 thị trường với 100 triệu khách hàng của Viettel; có cơ hội ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Viettel và hưởng phần chia lợi nhuận lên đến 75%.

Ngoài ra, Viettel cam kết tài trợ toàn bộ chi phí cho 3 đội thắng cuộc tham dự cuộc thi Cup C1 Start-up (khởi nghiệp) tại Mỹ với tổng giá trị giải thưởng 50.000 USD hoặc tham dự Hội nghị di động thế giới (MWC) 2021 tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Chia sẻ