Bố mẹ dạy dỗ bao nhiêu cũng thành "công cốc" nếu con vẫn còn mắc phải những lỗi cơ bản trong giao tiếp như thế này
Đây là những lỗi giao tiếp rất nhỏ thường bị bố mẹ bỏ qua nhưng lại là điểm yếu mà người khác sẽ đánh giá con ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc.
Phép lịch sự trong giao tiếp là những quy tắc ứng xử đơn giản nhưng thể hiện sự tôn trọng người khác cũng như tôn trọng bản thân của đứa trẻ. Càng là trẻ nhỏ càng cần phải học phép lịch sự từ sớm, bởi điều này sẽ định hình tính cách cũng như hành vi của con sau này.
Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi những phép lịch sự cơ bản lại bị bỏ qua vì mọi người dễ có suy nghĩ con cái có thể tự học được mà không cần dạy. Bố mẹ không nên đồng tình với suy nghĩ này, mà cần phải uốn nắn trẻ càng sớm càng tốt, không nên để trẻ mắc phải những lỗi giao tiếp cơ bản dưới đây:
1. Không biết nói lời cảm ơn, xin lỗi
Lời cảm ơn hay xin lỗi là biểu hiện đầu tiên của việc tôn trọng người khác ở trẻ nhỏ. Bố mẹ cần dạy con biết cảm ơn khi nhận đồ từ người khác bất kể đó là người lớn, bằng tuổi hay nhỏ tuổi hơn. Và trẻ cũng cần phải học cách xin lỗi chân thành với những điều mình đã làm. Chỉ có như vậy, con mới hiểu được ý nghĩa cơ bản của lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm.
2. Vào bữa là ăn luôn không mời mọi người
Đây là một lỗi rất phổ biến trong gia đình Việt Nam, bởi mọi người hay xuề xòa cho rằng trẻ nhỏ còn bé nên chưa cần thiết phải mời, lớn lên sẽ tự biết. Nhưng "cây non dễ uốn", trẻ càng nhỏ càng dễ dạy nên bố mẹ cần nhắc nhở con mời mọi người trước khi ăn cơm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất đến người nhỏ tuổi hơn. Để làm gương, trong bữa cơm bố mẹ cũng cần mời mọi người ăn cơm và mời cả con ăn cơm. Đó là biểu hiện cho việc bố mẹ cũng rất tôn trọng con và con cũng cần tôn trọng mọi người.
3. Cư xử bất lịch sự trên bàn ăn
Vẫn là trên bàn ăn, nhưng có nhiều hành động vô tâm rất nhỏ của trẻ có thể ảnh hưởng đến tính cách của con sau này mà bố mẹ cần dạy bảo thật sớm. Con cần phải biết khi ăn cần tránh đảo đũa tìm miếng ngon, luôn che tay khi ho, hắt xì, không vừa ăn vừa nói, không nên nhai nhóp nhép tạo ra tiếng động to, khi gắp thức ăn nên cho vào bát trước rồi mới ăn.
Những hành động rất nhỏ này có thể luôn được tha thứ khi con ở nhà, nhưng sẽ là tiêu điểm chê trách khi con ở nơi công cộng, nhất là trong cuộc sống trưởng thành sau này. Chính vì thế, bố mẹ cần phải sát sao hướng dẫn con hành động đúng mực ngay từ khi còn nhỏ.
4. Nói chen lời người khác
Trẻ nhỏ luôn háo hức được thể hiện bản thân, bày tỏ những điều chúng biết cho mọi người nghe. Cũng bởi vì lý do đó mà con thường hay nói chen lời người khác một cách vô ý. Nếu như những lần đầu tiên xảy ra điều đó mà bố mẹ chưa nhắc nhở ngay, lâu dần sẽ tạo thành thói quen xấu cho con.
Muốn con trở thành người lịch sự, bố mẹ cần lưu tâm dạy con điều này từ sớm, trong lúc nói chuyện ở nhà, khi con nói bố mẹ cần im lặng lắng nghe và khi bố mẹ nói cũng yêu cầu con im lặng lắng nghe. Nếu, con tiếp tục nói chen lời, bố mẹ cần giải thích cho con hiểu đó là hành vi không hay, con cần phải sửa đổi.
5. Không gõ cửa khi đến nhà người khác
Với những nơi như nhà bạn bè, hàng xóm có thể đã trở nên thân quen với trẻ, con thường bỏ qua hành động gõ cửa và tự ý xông vào như nhà mình, Đây là hành động bất lịch sự mà trẻ nên tránh, cũng giống như hành động liên tục gõ cửa hay nhấn chuông mà không chờ đợi chủ nhà. Bố mẹ cần cư xử cho con hiểu mình cần phải đợi chủ nhà có thời gian mở cửa, hành động tự tiện xông vào hay thúc giục họ đều không nên làm.
6. Nói to ở nơi công cộng
Các con có thể chưa kiểm soát được âm lượng của mình cũng như con rất thích được chú ý ở nơi đông người nên việc nói to là không thể tránh khỏi. Nhưng, dù bằng cách nào bố mẹ cũng cần giáo dục con dừng lại hành động này bởi nó sẽ gây khó chịu vô cùng cho những người xung quanh. Con sẽ bị đánh giá là thiếu ý thức hay bất lịch sự nếu cứ liên tục nói chuyện to ở môi trường kín như xe bus, nhà chờ, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu ăn uống...
7. Tự tiện dùng đồ của người khác
Đồ đạc cá nhân luôn là một chủ đề rất nhạy cảm, bố mẹ cần lưu ý với con rằng không bao giờ được tự tiện lục lọi hay sử dụng đồ đac của người khác. Thậm chí, với mọi người trong gia đình cũng cần tôn trọng sự riêng tư của nhau. Con phải học cách tôn trọng sự riêng tư của mỗi người và dừng lại mọi hành động xâm phạm quyền riêng tư đó.
8. Không biết quan tâm người khác
Những hành động quan tâm rất nhỏ cũng sẽ khiến mọi người nể phục con và cả bố mẹ rất nhiều. Những hành động này thường chỉ là một lời hỏi thăm nhẹ nhàng, một câu chào tử tế hay một lời cảm ơn chân thành với người lạ, người quen mà con tiếp xúc hàng ngày. Bố mẹ có thể dạy con cách quan tâm bằng những hành động thực tế của bản thân. Con sẽ nhìn và học tập một cách dễ dàng từ chính bố mẹ.
9. Gọi người lớn trống không
Đôi khi vì quá thân thiết mà con có thể đối xử xuề xòa bằng việc gọi tên trống không với người lớn trong nhà. Đây là điều đặc biệt không được diễn ra, bởi nó không chỉ khiến người nghe cảm thấy khó chịu mà chúng còn làm con nhen nhóm sự thiếu tôn trọng đối với mọi người. Lâu dần những hành vi này sẽ biến con trở nên càng ngày càng bất lịch sự và khó dạy bảo hơn.
10. Nói bậy, nói tục khi giao tiếp
Lý do của hành động này phần nhiều xuất phát từ người lớn. Trong khi nói chuyện hàng ngày, bố mẹ hay mọi người trong gia đình hay đệm những từ bậy vào trong câu nói như một thói quen, hoặc trẻ học được khi đi ra ngoài, xem phim và các chương trình trên mạng internet. Ngay khi thấy con có hành vi nói tục, nói bậy bố mẹ cần bình tĩnh nhắc nhở con, đó là một từ xấu, con không nên dùng. Bố mẹ cũng cần rà soát lại cách sử dụng từ ngữ của mình hàng ngày, tránh làm gương xấu cho con.