Bị sa thải: Cơ hội tốt để tạm dừng lại?

MINH ANH,
Chia sẻ

Trước cơn bão sa thải, thay vì hoảng sợ và cuống cuồng đi tìm công việc mới, nhiều người tận dụng thời gian này như một Career break - khoảng nghỉ trong công việc.

Career Break là gì?

Career Break (tạm dịch: khoảng nghỉ trong công việc) là khái niệm chỉ khoảng thời gian một nhân sự chững lại, không lập tức tìm kiếm công việc mới sau khi nghỉ việc. Về cơ bản, đây là khoảng thời gian mà nhiều người lựa chọn dừng lại và không theo đuổi công việc một cách thường xuyên nữa. Họ dành thời gian đó để tập trung vào phát triển bản thân, chăm sóc gia đình và con cái, định hướng sự nghiệp tương lai. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm.

Để hiểu thêm về Career break, theo một khảo sát gần đây của LinkedIn với gần 23.000 nhân sự và hơn 7.000 nhà quản lý tuyển dụng. Họ nhận thấy rằng gần 2/3 (62%) nhân viên đã từng trải qua "career break" ở một thời điểm nào đó trong sự nghiệp.

Các nhà tuyển dụng liệu có đang đánh giá thấp những ứng viên có Career break?

Tuy nhiên, ngay cả khi việc này trở nên phổ biến hơn, những khoảng nghỉ trong hồ sơ của ứng viên vẫn khiến nhiều nhà tuyển dụng e ngại. Họ do dự trong việc tuyển dụng những ứng viên trên. Họ nghi ngờ về lý do thực sự, lo lắng kỹ năng của ứng viên sẽ mai một, hoặc ứng viên không thể thích nghi với môi trường làm việc sau một khoảng nghỉ dài… Thực tế, cứ 5 nhà quản lý tuyển dụng thì có một người cho biết sẽ thẳng thừng từ chối những ứng viên như vậy.

Thế nhưng, việc tạm dừng làm việc không nên bị xem là một bước lùi trong sự nghiệp. Cũng theo LinkedIn, gần một nửa các nhà tuyển dụng tin rằng các ứng viên đang có “career break” là một nhóm nhân sự tiềm năng chưa được khai thác.

Điều mà một số nhà tuyển dụng có thể không nhận ra là những lợi ích đa dạng mà một sự gián đoạn trong sự nghiệp có thể mang lại: những quan điểm mới mẻ, những kỹ năng mới và một nguồn năng lượng mới.

Hơn một nửa (56%) nhân viên cho biết họ đã học được các kỹ năng mới hoặc cải thiện những kỹ năng hiện có - chẳng hạn như giải quyết vấn đề, giao tiếp và lập ngân sách trong thời gian nghỉ việc. Và hơn một nửa (54%) phụ nữ nói rằng họ làm việc tốt hơn so với trước đây.

Bạn thấy mình có đang cần một "khoảng nghỉ"?

Thời gian gần đây, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đang đua nhau sa thải hàng loạt nhân viên. Trước cơn bão sa thải, nhiều người lao động rơi vào khủng hoảng vì nỗi lo thất nghiệp lẫn cơm áo gạo tiền. Nếu chẳng may là một trong số những nhân sự bị ảnh hưởng bởi “bão sa thải”, bạn nên làm gì?

Thay vì hoảng sợ và cuống cuồng đi tìm công việc mới, nhiều người tận dụng thời gian này như một cơ hội để nhìn lại và trau dồi bản thân. Dưới đây là những việc bạn cần làm để có một career break hiệu quả.

Tận hưởng thời gian nghỉ ngơi này

Bạn có một danh sách dài những việc muốn làm nhưng chưa bao giờ thực hiện được do luôn ưu tiên phần lớn thời gian để “chạy deadline”? Thế thì, đây sẽ là cơ hội tốt để bạn hoàn thành tất cả chúng. Những trải nghiệm tuyệt vời, đôi khi có thể chỉ xảy ra một lần trong đời, sẽ là động lực lớn giúp bạn có thể vững bước trong tương lai. Đôi khi, đó chỉ là dành thời gian để nghỉ ngơi, ở bên gia đình hay chăm sóc nhà cửa.

Khám phá bản thân

Việc khám phá bản thân thực sự rất quan trọng. Khi biết mình là ai, bản thân cần gì và muốn gì, bạn sẽ dễ dàng xác định mục tiêu và kế hoạch tương lai hơn. Rời khỏi công việc bận rộn, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để đối mặt với chính mình. Lúc này, bạn có cơ hội đào sâu hơn vào bên trong, tìm hiểu những nhu cầu của bản thân và học cách hiểu về bản thân mình. Từ đó, bạn biết được những điều vô giá về bản thân mà trước đây bạn đã bỏ qua.

Bị sa thải: Cơ hội tốt để tạm dừng lại? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Học hỏi những kỹ năng mới

Những ứng viên sở hữu nhiều kỹ năng luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bạn có thể dành thời gian học hỏi một cách hiệu quả hơn trong giai đoạn nghỉ ngơi. Bạn có thể bắt đầu với việc viết lách, học vẽ, học đàn, học một ngoại ngữ hoặc một môn thể thao mới… Thành thạo một kỹ năng mới có thể giúp bạn tự tin và cảm thấy bản thân trở nên giá trị hơn. 

Xây dựng các mối quan hệ

Có thể trước đây bạn chỉ dành thời gian cho công việc mà bỏ quên các mối quan hệ khác như người thân, bạn bè. Đây chính là thời điểm lý tưởng để bạn kết nối lại với những người bạn cũ, hoặc là gặp gỡ thêm nhiều người bạn mới có cùng chí hướng hay sở thích. Có những mối quan hệ chất lượng sẽ giúp bạn ngày càng phát triển bản thân. Biết đâu, bạn sẽ lại có được cơ hội việc làm mới thông qua những người bạn.

Chia sẻ