Bí quyết dưỡng da trong mùa Thu nằm ở 3 công thức này
Sức khỏe lẫn làn da của bạn trong thời tiết mùa Thu rất cần được bổ sung những dưỡng chất tốt lành sau đây.
1. Chè lê nấm tuyết
Lê là loại trái cây phổ biến vào mùa Thu, được mệnh danh là một trong những loại trái cây có tác dụng làm ẩm phổi hiệu quả. Lê rất giàu nước và vitamin C, có tác dụng dưỡng ẩm phổi hiệu quả và làm giảm các triệu chứng khô hanh vào mùa Thu hanh khô. Lê ngoài ăn trực tiếp, làm nước ép thì mang nấu chè dưỡng nhan cũng rất ngon và bổ dưỡng.
Nguyên liệu cần thiết làm chè lê nấm tuyết
- 50g nấm tuyết, 1 nhúm kỷ tử, 1 quả lê, 1 nhánh gừng, 1 quả táo nhỏ, 5g đường phèn.
Cách thực hiện chè lê nấm tuyết
Bước 1: Nấm tuyết mang ngâm với nước pha chút bột mì để nấm nhanh nở. Sau đó, cắt bỏ phần rễ và xé thành các miếng nhỏ. Cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, đậy nắp và đun trên lửa lớn.
Bước 2: Lê và táo gọt vỏ, bỏ lõi hạt, cắt miếng nhỏ, có thể cắt hạt lựu để nhanh chín hơn. Đợi khi nấm tuyết nở và chín, thêm lê và táo đã cắt nhỏ vào, nấu trong khoảng 15 phút. Thêm đường phèn và kỷ tử vào, khuấy đều. Nấu thêm chừng 2 phút nữa là được.
2. Trà bưởi mật ong
Bưởi là một loại trái cây phổ biến vào mùa Thu cũng có tác dụng bổ phổi, loại bỏ tình trạng khô phổi. Đây là mùa bưởi nhiều nước và giàu chất xơ, có tác dụng dưỡng ẩm mô phổi hiệu quả, làm giảm các vấn đề như ho, đờm do khô hanh vào mùa Thu. Đồng thời, tác dụng dưỡng da của bưởi trong mùa khô hanh này cũng rất hiệu quả. Nếu không ăn trực tiếp hoặc đã "ngán" với nước ép bưởi, hãy thử trà bưởi mật ong để tận hưởng tiết trời se lạnh của mùa Thu mà không lo các vấn đề về họng nhé.
Nguyên liệu cần thiết làm trà bưởi mật ong
- 1 quả bưởi, 200g đường phèn, 600ml nước, 200g mật ong (các nguyên liệu này định lượng có thể thay đổi tùy thuộc vào thực tế nhu cầu sử dụng).
Cách thực hiện trà bưởi mật ong
Bước 1: Bưởi mua về gọt vỏ ngoài, tách lấy phần múi bưởi. Nếu bạn không ngại, có thể dùng phần cùi bưởi, mang vò sạch đắng và mang chế biến món trà bưởi cùng với tép bưởi. Nếu sử dụng phần cùi bưởi, sau khi bóp với muối và hết đắng, mang thái sợi thật nhỏ.
Bước 2: Cho tép bưởi, cùi bưởi (nên sử dụng ít phần này), đường phèn, nước vào nồi đun sôi trên lửa lớn. Khi sôi, cho nhỏ lửa và đun liu riu trong khoảng 45 phút. Khuấy thường xuyên để tránh nồi bị dính cháy phần đáy.
Bước 3: Trong quá trình nấu, phần hỗn hợp bưởi sẽ ngày càng sền sệt, đến khi nước cạn thì cô lại. Để nguội đến nhiệt độ phòng rồi cho mật ong vào trộn đều. Trà bưởi mật ong đã sẵn sàng, bạn có thể cho vào hũ thủy tinh đậy kín nắp để bảo quản dùng dần. Mỗi lần dùng, chỉ cần 1-2 muỗng pha cùng với nước ấm là bạn đã có cốc trà bưởi mật ong bổ dưỡng. Phần trà cốt trà bưởi mật ong này nên làm với số lượng vừa phải, dùng hết lại làm tiếp, không nên làm quá nhiều để uống sẽ không ngon mà cũng dễ hỏng nếu bảo quản không đúng cách.
3. Chè khoai sọ đậu đỏ
Chế độ ăn uống vào mùa khô hanh nên bổ sung chất kiềm để giảm nóng trong và cân bằng cơ thể. Khoai sọ cũng là một trong những thực phẩm quen thuộc, bổ dưỡng, dễ tìm mua, không bị dùng hóa chất nên an toàn cho sức khỏe.
Khoai sọ mùa này không chỉ hầm canh ngon, luộc ăn trực tiếp mà mang nấu chè cũng là món ngon khó cưỡng. Chúng không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp làm mịn da, cấp nước cho da hiệu quả.
Nguyên liệu cần thiết làm chè khoai sọ đậu đỏ
- 200g đậu đỏ, 500g khoai sọ (nên chọn loại củ nhỏ)
Cách thực hiện chè khoai sọ đậu đỏ
Bước 1: Đậu đỏ mang ngâm trong nước sạch khoảng 30 phút, rửa qua, đổ vào nồi. Đổ thêm nước và đun đến khi đậu bắt đầu nhừ. Bạn có thể ngâm đậu trước để đậu nhanh nở. Ngoài ra, bạn có thể nấu đậu bằng nồi áp suất giúp tiết kiệm thời gian.
Bước 2: Trong lúc chờ đậu nhừ, tranh thủ thời gian gọt sạch vỏ khoai sọ. Rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ. Khi đậu đỏ chín thì cho khoai sọ và đường phèn vào. Đun thêm 10 phút nữa. Khi ăn, có thể cho thêm nước cốt dừa hoặc rắc thêm ít hoa mộc khô để tăng độ thơm.
Chúc bạn thực hiện thành công!