Bí quyết chi tiêu của mẹ đơn thân Hà Nội, thu nhập 13 triệu/tháng, ở nhà thuê vẫn vay tiền cho con du học vài trăm triệu/năm
Dù gia đình không khá giả nhưng chị Hảo vẫn quyết tâm cho con đi du học bằng khoản vay 200 triệu từ những người thân, bạn bè.
Du học thời nay đã trở thành một xu hướng mà nhiều gia đình lựa chọn phát triển cho con em mình với suy nghĩ ở môi trường nước ngoài, bọn trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn để bắt nhịp với thế giới cũng như trau dồi cho mình kỹ năng sống, kiến thức cần thiết. Tuy nhiên, để đáp ứng được chi phí thì trừ những gia đình thật sự có điều kiện hoặc các con giành học bổng 100% ra thì còn lại bố mẹ nào cũng sẽ phải chắt bóp và lên kế hoạch chi tiêu một cách thật chi tiết thì mới đủ tiền trang trải cho con.
Chị Nguyễn Phương Hảo (Hà Nội) là một phụ huynh như vậy. Con trai lớn của chị hiện đang là du học sinh tại Anh. Thời điểm cho con đi du học, chị là một giáo viên có mức thu nhập 13 triệu/tháng và vẫn ở nhà thuê. Tuy nhiên, với tất cả quyết tâm của cả mẹ và con, chị vẫn cho con thỏa nguyện ước mơ bằng chính bí quyết chi tiêu và lập kế hoạch tài chính của mình.
Chị Phương Hảo quyết tâm cho con đi du học dù kinh tế gia đình không quá dư dả.
Chị Nguyễn Phương Hảo có con trai lớn và con gái nhỏ. Cả hai bé đều học rất tốt và đạt nhiều thành tích ở trường. Vào năm 2014, cậu con trai lớn tên Long đã ngỏ ý với mẹ về việc muốn đi du học sau khi tham khảo chương trình học của các nước. 2 năm sau, ước mơ của 2 mẹ con đã thành sự thật khi Long trở thành một trong số những thí sinh được nhận vào trường trung học DLD College London, Anh với mức học bổng 50%. Tuy nhiên, lúc này vấn đề "tiền ở đâu" mới là mối quan tâm hàng đầu của chị Hảo.
Ở nhà thuê, tiền tích cóp chẳng có nhiều nhưng chấp nhận đi vay thêm để con được ra nước ngoài học tập
Là một bà mẹ đơn thân làm nghề giáo viên với mức thu nhập chỉ 13 triệu/tháng cộng với khoảng 2 triệu tiền dạy thêm vào thời điểm con trai đi du học, chị Hảo đã phải căn ke tính toán rất nhiều. Khi ấy, tiền tiết kiệm trong nhà cũng chỉ có 200 triệu trong khi cả chặng đường dài để con hoàn thành việc học có khi phải tốn đến vài tỷ. Nhưng vì mong muốn con được đi học nên chị phải nghĩ ra cách.
Con trai chị Hảo cũng rất mong muốn được ra nước ngoài học tập nên chị Hảo lại càng phải cố gắng tìm ra hướng giải quyết.
"Thông thường các gia đình có điều kiện sẽ tính toán trước để chuẩn bị kinh tế cho quãng thời gian dài 3 năm, 5 năm và số tiền tiêu tốn có thể lên tới 500-700 triệu/năm. Còn mẹ con mình, chỉ dám nhìn ngắn hạn. Mình đã vay bạn bè thêm 200 triệu để có 400 triệu, đủ đóng học phí cho con trong năm đầu tiên. Còn về chuyện ăn ở thì một người quen bên Anh đã nhận sẽ hỗ trợ nên năm đầu coi như đã tạm ổn".
Lúc ấy, mẹ con chị Hảo vẫn đang ở nhà thuê nên bà ngoại Long sau khi biết chuyện phải vay tiền đi du học thì đã phản đối. Bà cho rằng trước mắt phải có cái nhà để ở cho đỡ cực rồi thì tính tiếp chứ sao lại dồn hết tiền đi học. Tuy nhiên sau khi được con gái và cháu trai thuyết phục thì bà cũng nguôi ngoai phần nào.
Đến mẹ đẻ của chị Hảo cũng thấy quyết định của chị là điên rồ.
Con trai đi học rồi, chị Hảo lại phải tính toán chi tiêu cho gia đình để làm sao vẫn đảm bảo cho con gái ở quê nhà cũng được học tập đầy đủ và lại nuôi ước mơ đi du học giống anh trai. Nhiệm vụ này chị đã phải rất nghiêm túc thực hiện thì mới duy trì được đến ngày hôm nay.
"Mình ghi chép rất chi tiết các khoản cần chi tiêu. Các khoản cứng: Học phí cho con gái, tiền sinh hoạt, thuê nhà, các hóa đơn, khoản dành cho ốm đau, khoản phát sinh hiếu hỉ… Mình cho mỗi khoản vào 1 phong bì riêng. Mua sắm gì mình cũng ghi chép lại dù là nhỏ nhất.
Chị Hảo đã phải đặt kế hoạch chi tiêu và nghiêm túc thực hiện mới có thể cáng đáng được gia đình.
Lo dc cho con đi năm thứ nhất, mình yên tâm không phải lo thêm khoản nào để gửi cho con nữa vì sang được 3 tháng là con bắt đầu đi làm thêm. Khoản nợ 200 triệu mình vay mượn của bạn bè và người thân nên họ cũng không đòi. Sau đó mình ưu tiên trả những người cần, còn những khoản bạn bè chưa yêu cầu trả, mình tạm gác lại. Thêm vào đó, mình cũng nhận dạy thêm lớp để tăng thêm nguồn thu nhập, thời gian làm việc có khi lên đến 12-14h/ ngày.
Bước ngoặt lớn nhất là mình quyết định nghỉ dạy để tập trung vào làm trung tâm du học để có nhiều cơ hội tiếp cận nền giáo dục của các nước. Mục tiêu trước mắt là để định hướng cho các cháu, sau là để hỗ trợ thông tin cho các phụ huynh và học sinh có nhu cầu tim hiểu về du học".
Chị Hảo chuyển đổi công việc cũng là để giúp các con nhiều hơn.
Về phía Long, cậu bé sau khi sang Anh và ổn định việc học tập thì đã bắt đầu đi làm thêm bằng cách nhận dạy kèm tiếng Anh cho học sinh, sinh viên từ Việt Nam sang còn yếu với mức 15 bảng (khoảng hơn 400 ngàn đồng) mỗi giờ. Quy định của trường là chỉ cho học sinh làm thêm 10 giờ/tuần còn sinh viên là 20 giờ/tuần nên Long còn nhận thêm cả công việc bồi bàn.
Với cường độ làm việc này, thu nhập của Long thậm chí còn cao hơn cả mẹ ở nhà vào thời điểm đó. Vì vậy nên sau khi kết thúc năm thứ nhất, Long đã có thể tự lo được chi phí sinh hoạt và một phần học phí. Lần về thăm nhà, Long còn mang 700 bảng (hơn 20 triệu đồng) để gia hạn visa. Lúc đi, trong ví con còn có 20 bảng (hơn 600 ngàn đồng) và nhất quyết không lấy tiền mẹ cho.
Dù gia đình không khá giả nhưng chị Hảo vẫn quyết tâm cho con đi du học bằng khoản vay 200 triệu từ những người thân, bạn bè.
Hiện vẫn đang ở nhà thuê nhưng ưu tiên trước nhất vẫn cứ là cho con học hành
"Năm 2 con học phổ thông, mình chuyển cho con sang trường công lập với mức học phí chỉ bằng một nửa so với năm trước học trường tư. Lúc này, mình đã chuyển sang làm du học nên cũng bớt khó khăn hơn.
Mình hỗ trợ con khoản học phí này, ngoài ra không gửi cho con thêm khoản nào nữa cả. Mình luôn nhắc con thứ tự ưu tiên ba điều: số 1: sức khỏe, số 2: học tập, số 3 mới là đi làm thêm. Mình không muốn con mải làm mà bỏ bê việc học, nhưng cũng không muốn bao bọc và chu cấp toàn bộ cho con".
Hiện mẹ con chị Phương Hảo vẫn đang ở thuê trong một căn chung cư. Dù thu nhập hiện tại khá tốt nhưng chị chưa đặt mục tiêu mua nhà mà dành tiền đầu tư cho việc học hành của con cái, sức khỏe cũng như phòng trừ rủi ro. Hiện mỗi tháng chị chi 6 triệu tiền học cho con gái và 12 triệu tiền nhà, ăn uống cho cả hai mẹ con. Thêm vào đó, mỗi năm, chị gửi cho con trai 200-250 triệu cũng như đóng khoảng 120 triệu cho các gói bảo hiểm.
Chị Hảo cho biết sẽ vẫn giữ nguyên tình trạng này trong khoảng 5 năm nữa khi con trai tốt nghiệp thì mẹ con sẽ cùng tính toán tiếp. Hiện con gái chị cũng được mẹ định hướng đi du học, bé vừa mới trở về từ chương trình trại hè kéo dài 2 tuần ở Singapore để trải nghiệm sớm và chuẩn bị tâm lý ra nước ngoài học tập.
Chị Hảo vẫn chưa có ý định mua nhà mà muốn tập trung cho con cái học hành.
Lời khuyên cho các ông bố bà mẹ muốn cho con đi du học
Khi cho con đi du học thì ai cũng sẽ rất lo lắng và bản thân chị Hảo cũng như vậy. Tuy nhiên may mắn là các con của chị từ bé đều đã được mẹ rèn cho tính tự lập và các kỹ năng sống nên khi ra ngoài cuộc sống đều hòa nhập rất nhanh.
"Điều mình lo nhất khi cho con đi là con chưa thích nghi được môi trường, thời tiết khí hậu sẽ ốm đau. Nhưng rất may, 3 năm qua con nhà mình chưa bị ốm đau gì khiến mẹ phải lo lắng cả. Mình cũng lo việc con đi lại bên đó, nhưng thực sự khi sang đấy, mới biết mình lo thừa. Chỗ nào cũng có biển chỉ dẫn, biết tiếng Anh thì đọc và cứ theo đó mà đi nên thực sự nó dễ đi hơn là ở các phố cổ Hà Nội".
Thời gian đầu chị Hảo cũng lo lắng nhưng sau đó đã cảm thấy ổn hơn.
Chị Hảo cho biết, vì đã ở trong hoàn cảnh có con đi du học rồi nên biết trước lúc đó bố mẹ nào cũng lưỡng lự. Hầu hết các gia đình đều quan tâm đến 2 vấn đề chính đó là khả năng tài chính và năng lực học tập của đứa trẻ, cũng như các kỹ năng cần thiết để sống cuộc sống tự lập sau này. Chị Hảo khuyên rằng: "Nếu đứa trẻ đáp ứng đủ các yêu cầu về ngoại ngữ, có khả năng thích nghi, có bản lĩnh để tự lập, thì các bố mẹ nên tạo điều kiện và khuyến khích các con mạnh dạn bơi ra biển lớn. Nếu về vấn đề tài chính, thì bố mẹ cần cần nhắc và đi theo 1 lộ trình phù hợp, sao cho với khoản tiền vừa phải mà con vẫn đi du học được. Với mức chi phí tầm 300 triệu/năm thì có thể cân nhắc cho con du học bậc đại học, bậc phổ thông thì cần khoảng 400 -450 triệu/năm (trong tường hợp con chưa đi làm thêm).
Và trong mọi trường hợp, đứa trẻ là yếu tố quyết định quan trọng nhất. Bạn ấy cần biết bản thân phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các bạn có gia đình điều kiện kinh tế khá giả, bạn ấy sẽ vừa học vừa làm thêm để đảm bảo được chi phí.
Thêm nữa, các bố mẹ cũng cần chuẩn bị tốt tâm lý khi sống xa con. Nhiều bố mẹ cho con đi học nhưng quá lo lắng và nhớ nên hay gọi điện cho con đôi khi lại khiến cho con lo ngược lại cho bố mẹ, không yên tâm học hành".
Các con hoàn toàn có khả năng hòa nhập rất tốt, chỉ cần bố mẹ đủ tin tưởng và tạo điều kiện cho con.
Việc đi du học thời nay đã không còn là chuyện hiếm nhưng để đảm bảo được các con học tập thật tốt và trở thành người có ích thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tư cho con cái học hành là điều đúng đắn nhưng các bậc phụ huynh cũng cần phải có cái nhìn kỹ lưỡng về khả năng của con cũng như tiềm lực kinh tế của gia đình mình.