Bí ẩn gia tộc siêu giàu suốt 17 đời ở Trung Quốc
"Phá lời nguyền không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", gia tộc kỳ lạ này vẫn là đại phú dù đã trải qua 17 thế hệ trong gần 500 năm.
Đó là gia tộc họ Bối (Bối thị) ở Giang Tô, Trung Quốc. Bối thị không chỉ là hình mẫu về gia tộc phú quý nhiều đời mà còn là biểu tượng của việc gìn giữ đạo đức, tri thức và kế thừa tinh hoa văn hóa qua nhiều thế kỷ.
Từ tiệm thuốc nhỏ đến gia tộc siêu giàu
Cơ nghiệp của Bối thị khởi nguồn từ một tiệm thuốc nhỏ ở vùng Hàng Châu vào thời nhà Minh, khoảng đầu thế kỷ 16, bắt đầu từ đời ông Bối Lan Đường, một lương y vừa có tài bốc thuốc vừa có đầu óc kinh doanh xuất chúng.
Theo tộc phả, vào thời vua Gia Tĩnh nhà Minh, xã hội Trung Quốc loạn lạc, giặc cướp và các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Bối Lan Đường đã tìm được con đường làm giàu trong bối cảnh khó khăn này. Nhận thấy tiềm năng của đất Tô Châu (tỉnh Giang Tô) dân cư đông đúc, ông đưa gia đình từ Chiết Giang đến định cư ở đây, đẩy mạnh kinh doanh dược liệu - mặt hàng quý trong thời loạn đối với cả quan lại và dân thường.
Từ chỗ chỉ buôn bán thuốc, về sau nhà họ Bối mở rộng sản xuất, chế biến. Đến thời Càn Long nhà Thanh, Bối thị đã trở thành một trong bốn gia tộc giàu có, quyền lực nhất tại Tô Châu.
Không giống như các hiệu thuốc gia truyền truyền thống, Bối Lan Đường xây dựng cơ sở kinh doanh y dược có mô hình quản trị rõ ràng, chú trọng đến chất lượng thuốc, đạo đức nghề y và đào tạo người kế thừa bài bản.
Khác với các thương nhân chỉ quan tâm đến lợi nhuận, ông Bối quan niệm: “Muốn trường tồn, phải đặt chữ Tâm lên trước chữ Lợi. Người bệnh là gốc, thuốc là phương tiện, còn đạo đức mới là nền móng” . Chính triết lý này đã giúp tiệm thuốc nhỏ của ông trở nên nổi tiếng khắp vùng, được khách hàng các tầng lớp tin tưởng tuyệt đối.
Nhân vật tiêu biểu của Bối thị đời thứ 13, Bối Nhuận Sinh, được mệnh danh là “ông vua thuốc nhuộm” của Thượng Hải, có hơn 1.000 căn hộ trải khắp thành phố phồn hoa cùng những tài sản khổng lồ khác. Bối Nhuận Sinh được coi là một trong những "ông vua bất động sản" đầu tiên tại Trung Quốc.
Gia tộc họ Bối cũng đặt dấu ấn sắc nét trong ngành tài chính, em trai Bối Nhuận Sinh - Bối Lý Thái - là người sáng lập Ngân hàng Thượng Hải. Con trai ông là Bối Tổ Di thành lập chi nhánh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Kể từ đó, dòng dõi của Bối Lý Thái hoạt động trong ngành tài chính và được gọi là "gia tộc tài chính".

Một bức ảnh của gia tộc họ Bối, người ngồi giữa là Bối Lý Thái.
Người nhà họ Bối không chỉ đạt đỉnh cao trong kinh doanh. Một hậu duệ đời thứ 15 là Bối Duật Minh được mệnh danh “bậc thầy vĩ đại của kiến trúc hiện đại”. Bối Duật Minh học kiến trúc tại Đại học Harvard (Mỹ) từ những năm 1930 và nhanh chóng trở thành tượng đài của ngành kiến trúc Trung Quốc và thế giới, là một trong những kiến trúc sư thành công nhất của thế kỷ 20.
Bối Duật Minh đã thiết kế nhiều công trình tầm cỡ thế giới như Kim tự tháp kính Louvre ở Pháp, Thư viện John F. Kennedy ở Mỹ, Bảo tàng Tô Châu ở Trung Quốc. Ông được tặng giải thưởng Pritzker năm 1983 (giải thưởng được coi là Nobel về kiến trúc).
Bối Duật Minh còn nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá khác như Huy chương Vàng của Hội Kiến trúc Mỹ năm 1979, Huy chương Vàng của Hội Kiến trúc Pháp năm 1981. Ông được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trao tặng huân chương vào năm 1986. Các con cháu ông cũng theo ngành kiến trúc và có nhiều thành tựu, đóng góp lớn.

Bối Duật Minh trước một công trình của công - Kim tự tháp kính Louvre.
Vì sao gia tộc họ Bối 17 đời vẫn thịnh vượng?
Hiện nay, con cháu dòng họ Bối vẫn đang tiếp nối truyền thống gia đình trong lĩnh vực y dược. Một số người giữ vị trí quan trọng trong các trường đại học y khoa, bệnh viện lớn, trong khi số khác quản lý doanh nghiệp dược phẩm có tầm ảnh hưởng quốc tế.
Tập đoàn “Bối Kế đường y dược” hiện là một thương hiệu danh tiếng tại Trung Quốc, chuyên sản xuất thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng, đồng thời đầu tư vào nghiên cứu khoa học ứng dụng. Dù hiện đại hóa, họ vẫn giữ lại một số hiệu thuốc cổ theo phong cách truyền thống để duy trì tinh thần y đạo – nơi mà bệnh nhân có thể đến không chỉ để chữa bệnh mà còn để được lắng nghe, tư vấn, hướng dẫn sống lành mạnh.
Không chỉ nhờ y dược mà giàu, gia tộc họ Bối còn khiến hậu thế nể phục vì khả năng quản lý tài chính, kế thừa tri thức và giữ gìn bản sắc gia phong một cách bền chặt. Dưới đây là một số bí quyết được truyền lại qua nhiều thế hệ của dòng họ này:
Quản lý tài sản theo mô hình “quỹ gia tộc”
Ngay từ đời thứ ba, gia tộc họ Bối đã áp dụng mô hình quản lý tài sản tập trung. Tài sản không được chia nhỏ tùy tiện theo cá nhân mà quy về một “quỹ gia tộc”. Mỗi thành viên muốn đầu tư, mở rộng hoạt động đều phải lập kế hoạch, xin phê duyệt và cam kết trách nhiệm. Cách làm này giúp tránh tình trạng “con cháu phá sản sản nghiệp” vốn là bi kịch thường thấy ở các dòng họ giàu.
Giáo dục hậu duệ bằng nền tảng đạo đức
Trẻ em trong gia tộc từ nhỏ đã được học về y lý, y đức, lịch sử gia tộc và trách nhiệm xã hội. Mỗi người đều phải trải qua thời gian phụ việc ở hiệu thuốc, tiếp xúc với bệnh nhân, học cách lắng nghe và phục vụ. Việc học tập không đơn thuần chỉ để làm bác sĩ, mà còn để hiểu về giá trị con người và cách giữ đạo làm người.
Luôn đổi mới nhưng không đánh mất cốt lõi
Trong quá trình phát triển, gia tộc họ Bối không ngừng cải tiến công nghệ, mở rộng quy mô, học hỏi y học phương Tây, nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi: “Lấy y đạo làm gốc, lấy lòng tin làm nền, lấy chất lượng làm danh ”. Dù ở thời điểm nào, họ cũng không đánh mất nguyên tắc “không bán thuốc kém, không lạm dụng thuốc quý, không để bệnh nhân chịu thiệt”.
Một điều đặc biệt là trong tất cả các hoạt động truyền thông, quảng bá, dòng họ Bối không bao giờ sử dụng gia thế như một chiêu trò. Họ để cho chất lượng và đạo đức nghề nghiệp tự nói lên tất cả, như một hậu duệ đời thứ 17 từng chia sẻ: “ Chúng tôi không tự hào vì giàu, mà tự hào vì chưa từng làm gì tổn hại đến danh tiếng tổ tiên" .