Bệnh nhi 6 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng người đỏ ửng, mùi rượu nồng nặc do cách sơ cứu bỏng sai lầm trầm trọng của ông ngoại

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Trong thời gian ở nhà ngoại, bé gái không may làm đổ bình nước sôi dẫn đến tình trạng bỏng nhiều vị trí.

Mới đây, một người mẹ đưa con gái 6 tháng tuổi về thăm quê ngoại tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Trong thời gian ở nhà ngoại, bé gái không may làm đổ bình nước sôi dẫn đến tình trạng bỏng nhiều vị trí như mặt, cổ, khắp cơ thể bỏng theo nhiều cấp độ. 

Người mẹ lập tức ôm con và muốn dùng nước lạnh xối lên vết thương của con, tuy nhiên ông ngoại khuyên nên dùng cách dân gian tại quê nhà, đó là sử dụng rượu nồng độ cao bôi lên vết bỏng để giảm cảm giác đau nhức cho bé và người mẹ đã nghe theo. Không lâu sau, bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu do tình trạng chuyển biến xấu. 

Bé gái 6 tháng tuổi bị bỏng nước sôi, ông ngoại sơ cứu bằng cách này, bác sĩ phản đối bởi có thể gây ngộ độc  - Ảnh 1.

Bé gái được đưa đến bệnh viện cấp cứu do tình trạng chuyển biến xấu.

Bác sĩ Trường, bệnh viện Fujian Medical University Affiliated Quanzhou First Hospital, cho biết: "Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng cả người đỏ ửng, tỏa ra mùi rượu nồng nặc. Bệnh nhi được chẩn đoán bỏng tỉ lệ 22% khắp cơ thể, bỏng cấp độ 3, được đánh giá là bỏng nặng. Sau 2 tiếng nhập viện, bệnh nhi xuất hiện dấu hiệu thần trí không tỉnh táo, nôn ói 7 lần, được xem là say rượu nghiêm trọng. Xét nghiệm sinh hóa máu, nhận thấy men gan tăng cao, chức năng gan bị tổn thương". 

Bác sĩ đánh giá người nhà của bệnh nhi đã sơ cứu theo phương pháp sai lầm là sử dụng rượu nồng độ cao bôi lên vết bỏng khiến bệnh nhi đau đớn. Ngoài ra, rượu nồng độ cao được da hấp thu trực tiếp gây nên tình trạng say rượu cho bệnh nhi. Nếu bệnh nhi không đến bệnh viện kịp thời sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do ngộ độc rượu. 

Cách sơ cứu khi trẻ bị bỏng nước sôi

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ và người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15-20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch.

- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm.

- Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền nhờ quá trình biểu mô hóa, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nặng hơn thì ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ điều trị kịp thời.

Triệu chứng của ngộ độc rượu

Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc rượu bao gồm:

Động kinh.

Nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt).

Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

Co giật.

Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều. Thở chậm (dưới tám hơi thở một phút), thở không đều (khoảng cách hơn 10 giây giữa các nhịp thở). Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

Đái, ỉa ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

Theo Ettoday

Chia sẻ