Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?”

Nhã Hoàng,
Chia sẻ

“Căn nhà của mẹ con em sắp sập rồi. Em sợ chẳng may đang ngủ nhà lại sập, đè trúng hai mẹ con lắm. Nhưng nếu không ở đây thì em và mẹ cũng không biết ở đâu”, ngước khuôn mặt buồn bã nhìn lên mái nhà dột nát, Vân chia sẻ.

Hai mảnh đời bất hạnh

Gian nhà cấp 4 chật chội, xuống cấp trầm trọng, rui mè mọt ăn gãy nát, tường nứt nẻ, mái ngói vỡ tứ tung. Nhà được chắp vá bằng những tấm bạt, nhiều năm qua vẫn là nơi trú nắng mưa duy nhất của chị Thái Thị Thắng (29 tuổi, ngụ xóm 5, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Phía trong nhà ngổn ngang đồ đạc nhưng chẳng có bất kỳ vật dụng nào đáng giá ngoài chiếc quạt và nồi cơm điện.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 1.

Căn nhà dột nát của hai mẹ con chị Thắng. Ảnh Nhã Hoàng.

Vừa đi học về, bé Thái Thị Ái Vân (8 tuổi, con gái chị Thắng) loay hoay cắm nồi cơm rồi dọn dẹp nhà cửa. Xong công việc, em lại ngồi trước hiên nhà, khuôn mặt hướng về phía đầu ngõ ngóng đợi mẹ đi làm về.

Vốn khù khờ, chậm chạp lại ốm đau thường xuyên, chị Thắng không thể làm được việc gì ngoài ngày hai buổi dong xe đạp đi nhặt phế liệu khắp các ngõ hẽm để mang về bán, kiếm tiền lo cho đứa con duy nhất ăn học. Đó cũng là việc duy nhất người mẹ có thể làm.

Chị Trần Thị Luyến (chị họ của chị Thắng) kể, mẹ chị Thắng vốn là người phụ nữ khù khờ. Qua mai mối, bà nhận lời lấy người đàn ông đã trải qua một đời vợ. Họ có với nhau hai người con nhưng chị Thắng và người anh trai cũng chịu chung số phận bất hạnh vì khù khờ, chậm chạp giống mẹ. 

Con gái chị và người anh trai duy nhất cũng khù khờ, không biết làm gì. Ảnh Nhã Hoàng.

Cha mẹ sớm qua đời, hai anh em Thắng lớn lên trong tình thương và chăm sóc của mấy người chị cùng cha khác mẹ.

9 năm trước, người dân bàng hoàng khi phát hiện chị Thắng mang thai. Khi phát hiện, cái thai đã được 4 tháng.

"Ngày biết Thắng mang thai ai cũng lo lắng vì bản thân nó chưa tự chăm sóc nổi cho mình huống gì con cái. Nhưng rồi nhiều người khuyên nên giữ lại cái thai để nó có cơ hội được làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Bé Vân chào đời trong hoàn cảnh không có cha, mẹ khù khờ.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 3.

Để có tiền nuôi con ăn học, chị Thắng chỉ biết ngày hai buổi đi nhặt phế liệu. Ảnh Nhã Hoàng.

Mang tiếng làm mẹ nhưng việc chăm sóc con, nó thoái thác cho người thân. Ngay đến cả việc cho con bú mọi người cũng phải nhắc nhở suốt. Bé Vân cứ thế lớn lên trong tình thương yêu của anh em họ hàng, bà con lối xóm", chị Luyến chia sẻ.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 4.

Bé Vân con chị Thắng dù khù khờ nhưng rất hiểu chuyện. Ảnh Nhã Hoàng.

Dù không có cha, mẹ khờ khạo nhưng Vân luôn được mọi người khen ngợi là một đứa trẻ ngoan, thông minh, nhanh nhẹn. Từ ngày con đi học, chị Thắng cũng bắt đầu biết tự kiếm tiền bằng cách thu nhặt phế liệu mang về bán, dành tiền cho con sách vở, học hành.

"Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở đâu?"

Sắp mớ vỏ lon, chai nhựa, bìa cứng vừa nhặt được vào bao tải, chị Thắng vui vẻ cho biết "Hôm nay bán được 5000 đồng tiền phế liệu, mua được 3 miếng đậu phụ về cho hai mẹ con ăn bữa trưa. Có người hàng xóm còn cho con gái đôi dép và mấy bộ quần áo cũ. Tôi mừng lắm, con gái lại có thêm quần áo mặc rồi".

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 5.

Chị Thắng vốn khù khờ, chậm chạp, không được như những người phụ nữ khác. Ảnh Nhã Hoàng.

Anh trai lấy vợ và ra ở riêng. Mẹ con chị Thắng ở với nhau trong ngôi nhà cũ của cha mẹ để lại. Cuộc sống trông chờ hoàn toàn vào số tiền hơn 400 nghìn đồng trợ cấp xã hội hàng tháng chị Thắng nhận được cùng những mớ phế liệu nhặt nhạnh hàng ngày. Anh em họ hàng ai cũng khó khăn nên chỉ giúp được phần nào.

"Nhìn hoàn cảnh mẹ con cô Thắng mà xót xa lắm. Ở trong nhà dột nát nên hai mẹ con cứ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà sập, đè lên người. Chỉ cần một trận mưa nhỏ là trong nhà cũng như ngoài sân, hai mẹ con thường xuyên phải qua nhà anh em, hàng xóm ở nhờ.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 6.

Mẹ con Vân luôn sống trong lo lắng, sợ nhà sập đè lên người lúc nào không hay.

Hàng xóm chúng tôi thương cảm nhưng cũng thỉnh thoảng người cho con cá, mớ rau, bộ quần áo cũ chứ không giúp được gì nhiều. Chỉ mong các cơ quan đoàn thể, các nhà hảo tâm biết đến, lưu tâm giúp đỡ cho mẹ con cô ấy có cơ hội sửa sang lại căn nhà, có chỗ để ở", anh Hồ Đình Cảnh (hàng xóm chị Thắng) chia sẻ.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 7.

Ngói vỡ, tường nứt được chắp vá bằng những tấm bạt, trông rất thảm cảnh.

Được biết, hiện bé Vân đang là học sinh lớp 3 của trường làng. Dường như thấu hiểu được hoàn cảnh của mình, Vân rất thương mẹ. Ngoài giờ học em lại phụ mẹ tất cả công việc nhà. Những buổi được nghỉ học, cuối tuần, em lại theo mẹ đi nhặt phế liệu.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 8.

Chị Thắng là hộ nghèo triền miên của xã.

Bé gái 8 tuổi không cha, hàng ngày theo người mẹ khù khờ nhặt phế liệu kiếm sống: “Nhà sập rồi mẹ con mình biết ở nơi đâu?” - Ảnh 9.

Hai mẹ con chị nương tựa nhau vượt qua những khó khăn. Ảnh Nhã Hoàng.

"Em không có bố, chỉ có mẹ là người thân duy nhất. Ngày nào đi học nhưng em cũng lo cho mẹ ở nhà chẳng may nhà sập đè lên người mẹ. Em thương mẹ nhiều lắm nhưng không biết làm gì, chỉ ước lớn thật nhanh để đi làm thuê kiếm tiền sửa lại nhà để ở. Nhà sập rồi mẹ con em không biết ở đâu", Vân chia sẻ.

Độc giả giúp đỡ mẹ con chị Thắng xin vui lòng gửi về địa chỉ: Chị Thái Thị Thắng, xóm 5, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Hoặc qua STK của chị Thắng: 51210000691405, ngân hàng BIDV, chi nhánh Phủ Diễn. ĐT: 0327.928.693.

Trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ