Bé gái 6 tuổi nguy kịch do hoại tử xoắn ruột được bác sĩ cứu sống kịp thời
Một bệnh nhi 6 tuổi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, đau bụng dữ dội đã hơn 1 ngày, lơ mơ, tái nhợt, dọa ngừng tim, bụng chướng hơn bình thường vì chứng hoại tử xoắn ruột.
Ngày 22/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, tại đây vừa phẫu thuật cứu sống thành công một bé gái 6 tuổi ở Hà Tĩnh do bị hoại tử do xoắn ruột.
Trước đó, vào trưa 15/11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn M.T. (6 tuổi, Hà Tĩnh) trong tình trạng hết sức nguy kịch, bé đau bụng dữ dội đã hơn 1 ngày, lơ mơ, tái nhợt, dọa ngừng tim, bụng chướng hơn bình thường. Sau khi thực hiện sơ cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển gấp lên khoa Hồi sức Ngoại khoa.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sỹ khoa Hồi sức Ngoại tiến hành thăm khám, hồi sức tích cực. Bệnh nhi được xử trí đặt ống nội khí quản cấp cứu, thở máy hỗ trợ xâm nhập, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm kết hợp dùng các thuốc vận mạch kiểm soát huyết động để duy trì chức năng sống. Đồng thời, bé được chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết và siêu âm, chụp X-quang ngay tại giường bệnh.
Chọc dò dịch ổ bụng bệnh nhi, các bác sỹ phát hiện tình trạng máu loãng không đông trong ổ bụng. Sau khi có kết quả, các bác sỹ Khoa Hồi sức Ngoại và Ngoại Tổng hợp thống nhất chẩn đoán theo dõi tình trạng xoắn ruột hoại tử, suy hô hấp, theo dõi nhiễm khuẩn huyết và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để hồi sức tích cực cho bệnh nhi sau phẫu thuật bởi bệnh nhi đã có tình trạng shock nhiễm trùng, nhiễm độc.
"Đây là một trường hợp khó vì bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn. Khi tiến hành mở ổ bụng, kíp phẫu thuật nhận thấy có nhiều dịch bẩn. Kiểm tra các quai ruột, phát hiện ruột non của bé đã hoại tử thâm đen. Chúng tôi tiếp tục kiểm tra, thấy quai hồi tràng dài khoảng 2m cách góc manh tràng 30 cm bị thoát vị nội, hoại tử. Nhận định quai ruột xoắn đã bị hoại tử không có khả năng phục hồi nên kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt đoạn ruột bị hoại tử. Sau đó, tiến hành đưa 2 đầu hồi tràng ra làm hậu môn nhân tạo tạm thời.
Trải qua hơn 01 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Vấn đề ngoại khoa xử lý tắc ruột hoại tử đã được chúng tôi xử lý triệt để. Đồng thời, ê kip Gây mê Hồi sức đã đảm bảo duy trì sự sống cho bệnh nhi để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi" – ThS. BS. Đậu Anh Trung – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp nhận định.
Sau phẫu thuật, cháu T. được chuyển về điều trị tại Khoa Hồi sức Ngoại khoa. Qúa trình chăm sóc hậu phẫu bệnh nhi có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc. Ngay khi về khoa để điều trị hậu phẫu, các bác sỹ tiến hành cho trẻ thở máy xâm nhập qua ống nội khí quản, dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, truyền bù gần 2 lít máu, chế phẩm máu.
Sau 1 ngày nỗ lực, trẻ cai được máy thở và được chuyển sang nuôi dưỡng bằng đường tiêu hoá qua ống sonde dạ dày. Hiện tại, sau 1 tuần phẫu thuật, sức khỏe bé đã ổn định và vượt qua được giai đoạn nguy kịch nhất.
Đây là ca bệnh rất phức tạp, không chỉ nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật mà mối hiểm nguy, đe dọa tính mạng bệnh nhi luôn rình rập trong quá trình hồi sức trước mổ và sau mổ. Chỉ cần đến viện chậm hơn chút ít thời gian, có thể trái tim của bé đã ngừng đập.
Thời gian vàng để có thể "cứu" đoạn ruột bị xoắn là 06 giờ kể từ khi có triệu chứng, và sau khoảng thời gian này, ruột sẽ có nguy cơ bị hoại tử phải cắt bỏ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ của trẻ và thậm chí nguy cơ tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm độc là rất cao.
Trường hợp bé T. là ca bệnh rất nặng của tình trạng xoắn ruột. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên môn và kinh nghiệm chuyên khoa Nhi, các bác sỹ đã cứu được bé.
Xoắn ruột là một dạng cấp tính của tắc ruột. Hậu quả của xoắn ruột xảy ra nhanh và nặng nề, biểu hiện ban đầu không rõ ràng, gây ra các rối loạn toàn thân và tại chỗ, đồng thời quai ruột và mạch máu mạc treo…. bị thắt nghẹt dễ dẫn đến hoại tử, thủng và viêm phúc mạc nếu không được xử trí kịp thời.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng khuyến cáo rằng: Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ (nhất là trẻ nhỏ chưa biết nói) có biểu hiện quấy khóc, nôn trớ nhiều, bụng chướng, đi ngoài ra máu mà không rõ nguyên nhân thì gia đình cần sớm đưa trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự chữa trị cho trẻ tại nhà vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.