Bé 10 tháng tuổi bị sỏi thận phải điều trị bằng laser, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân hay gặp gây sỏi tiết niệu ở trẻ nhỏ
Bé quấy khóc, không đi tiểu được, gia đình đưa đi khám mới phát hiện sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản.
Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa thực hiện nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser cho bệnh nhân nhi 10 tháng tuổi.
Được biết trước đó, khi có biểu hiện bí tiểu, bé được gia đình đưa đi khám nhiều bệnh viện địa phương, phát hiện sỏi đài bể thận, sỏi niệu quản. Song, bé chưa được điều trị triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh cho biết, ngày 27/5 bệnh nhân nhi được đặt ống thông tiểu. Tuần trước, trẻ được nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser. Bác sĩ lấy ra 3 viên sỏi kích cỡ khoảng 4 mm. Sau tán sỏi, bé được điều trị thêm kháng sinh.
Theo bác sĩ Hoa, sỏi tiết niệu (sỏi thận - sỏi đường tiết niệu) là tình trạng hiếm gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nguyên nhân hay gặp là nhiễm khuẩn tiết niệu, dị tật tiết niệu như hẹp chỗ nối bể thận - niệu quản, hẹp chỗ nối niệu quản - bàng quang. Ngoài ra còn do rối loạn chuyển hóa, mất cân bằng trong chế độ ăn uống, rối loạn chức năng cô đặc nước tiểu.
Bác sĩ Hoa nhấn mạnh, không phải cơ sở y tế nào cũng cũng loại bỏ sỏi thận tiết niệu cho trẻ em được vì kỹ thuật này đòi hỏi phải có dùng cụ phù hợp và tay nghề của các bác sĩ. Khi sử dụng cụ tán sỏi không cẩn thận có thể gây thủng bàng quang của trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở chuyên khoa điều trị. Dấu hiệu nhận biết là trẻ nhỏ thường quấy khóc, đặc biệt là khi đi tiểu, rặn khi tiểu, bí tiểu. Thậm chí, bé còn tiểu ra cặn sỏi, tiểu đục. Ở trẻ lớn hơn thì có thể đau thắt lưng, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu đục…