Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao?

N.QUANG,
Chia sẻ

Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi bộ ảnh gây sốc được ghi nhận, cuộc sống của bầy khỉ gần chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng) không có nhiều khác biệt. Có hơn 1 nguyên nhân gây nên những vết thương chằng chịt trên cơ thể chúng, mà phần lớn trong đó, đến từ chính chúng ta.

Trong những ngày qua, hình ảnh về đàn khỉ ở bán đảo Sơn Trà mang trên mình đầy vết thương đến lòi xương cũng như dị tật đã thu hút sự quan tâm của những người yêu động vật. Cùng với đó, phong trào kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã tại đây nói chung và đàn khỉ nói riêng đã lan truyền mạnh mẽ.

Trước những phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng mạng cũng như những người yêu động vật, chúng tôi đã có những ghi nhận thực tế tại khuôn viên chùa Linh Ứng, nơi tập trung rất đông khỉ tới sinh sống. Sau hơn 1 năm, cuộc sống của những con khỉ ở đây không có nhiều khác biệt...

Đàn khỉ 10 con thì có tới 3 con mang thương tật

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 1.

Hai cá thể khỉ tại bãi giữ xe chùa Linh Ứng.

Ghi nhận vào sáng 19/5, tại khu vực bãi giữ xe của chùa Linh Ứng vẫn xuất hiện đàn khỉ khoảng hơn 10 con kéo tới khu vực này. Theo quan sát, trong đàn 10 con thì có tới 3 con mang nhiều vết thương trên cơ thể. Nhẹ thị trầy xước ngoài da, nặng thì mất cả chi trước khiến việc di chuyển, leo trèo gặp rất nhiều khó khăn.

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 2.

Bầy khỉ mò mẫm, tìm thức ăn trong bãi rác.

Bên cạnh đó, tại khu vực miếu ông Hổ và góc đường Hoàng Sa – Lê Văn Lương cũng xuất hiện bầy khỉ gần 20 cá thể xuống cạnh đường kiếm ăn, đa phần những chú khỉ tại khu vực này đến đây chờ đợi hoa quả, quà bánh tại người đi đường. 

Cũng như đàn khỉ ở khuôn viên chùa Linh Ứng, đàn khỉ ở đây cũng có một vài cá thể bị thương và mất chi, khiến việc di chuyển hết sức khó khăn.

Qua quan sát, có thể thấy bầy khỉ này khá dạn, khi có người đến chúng không có những biểu hiện như chạy trốn, ngược lại chúng ngồi hẳn ở hai bên đường để chờ đợi thức ăn của những người qua đường.

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 3.

Cùng với việc môi trường sinh sống tự nhiên đang dần mất đi, đàn khỉ đang dần mất đi nguồn thức ăn nên việc tiếp xúc với con người để có thức ăn gần như là điều không làm không được. Hình ảnh đàn khỉ mò mẫm tìm thức ăn trong các bãi rác phần nào cho thấy việc môi trường sống của đàn khỉ đang rất báo động. 

Chưa kể đến việc tiếp xúc nhiều với con người sẽ làm mất dần đi bản năng sinh tồn của loài mà việc mất đi môi trường sống còn làm cho việc bảo vệ an toàn của đàn khỉ cũng gặp khó khăn. 

Nguyên nhân do đâu?

Liên quan đến những vết thương của đàn khỉ đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày vừa qua, nguyên nhân dẫn đến những vết thương của đàn khỉ là điều khiến dư luận quan tâm hơn cả. Đặc biệt, sau đoạn clip một thợ ảnh dùng ná cao su bắn khỉ tại khuôn viên chùa linh ứng lại càng khiến không ít người tự đặt câu hỏi: Liệu những vết thương đó có phải do con người gây ra? 

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 4.

Những vết thương ở các cá thể khỉ trên bán đảo Sơn Trà.

Qua tìm hiểu, đa phần những vết thương trên những cá thể khỉ này đa phần là do con người gây ra, chỉ một phần nhỏ là do xung đột bầy đàn của các đàn khỉ với nhau và một phần còn lại do va chạm với các phương tiện giao thông.

Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với chị An Bình (Hội viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Sông Hàn) và cũng là người nằm trong đội cứu hộ khỉ tại Sơn Trà đã trực tiếp cấp cứu nhiều trường hợp khỉ bị tai nạn tại khu vực này cho biết: 

"Những vết thương mất các chi trên các cá thể khỉ đa phần do khỉ mắc bẫy của con người, có trường hợp khỉ bị nặng đến mức nát xương phải cắt bỏ các chi đi mới bảo toàn tính mạng cho cá thể đó. Khi phát hiện những cá thể bị tai nạn, tôi cùng những người bạn của mình thường kết hợp với lực lượng kiểm lâm để đưa khỉ vào viện thú y để chữa trị vết thương".

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 6.

Một cá thể khỉ bị thương được nhóm chị Bình và lực lượng kiểm lâm đưa đi chữa trị.

Chị Bình cũng cho biết thêm, vào những thời điểm giáp Tết hay vào mùa du lịch, số lượng du khách đến thăm bán đảo Sơn Trà tăng thì số vụ khỉ bị tai nạn cũng tăng theo. Đa phần là do va chạm với xe của du khách, những trường hợp khỉ bị thương nhẹ thì mất chi những cũng có những chú khỉ "xấu số" không qua khỏi.

Chị Vân Anh (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) sinh sống gần đó cũng cho hay, mỗi lúc đi thể dục dọc theo đường dẫn lên Sơn Trà thì thường xuyên thấy nhiều tốp người dừng xe cho khỉ ăn hoa quả, bánh trái… khiến những đàn khỉ thường tập trung xuống miếu cụ Hổ và khu vực bãi xe tại chùa Linh Ứng. 

Dẫu xuất phát từ lòng tốt nhưng họ đã vô tình làm đàn khỉ đánh mất bản năng tự kiếm ăn của mình. Việc tranh giành thức ăn với nhau thường xuyên dẫn đến tình trạng đánh nhau giữa các con trong đàn gây ra nhiều vết thương.

Bầy khỉ mình đầy thương tích sống lay lắt ở bán đảo Sơn Trà bây giờ ra sao? - Ảnh 7.

Việc mất đi môi trường sống tự nhiên khiến đàn khỉ tại bán đảo Sơn Trà phải đi kiếm ăn ở bãi rác.

Còn theo ông Trần Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, đã xảy ra một số vụ người dân săn bắt trái khép khỉ ở chùa Linh Ứng. Gần đây nhất, ngày 10/5, một số người đã dùng ná cao su để bắn khỉ gây bức xúc trong dư luận. 

Để bảo vệ đàn khỉ, tránh tình trạng săn bắt trái phép, cũng như ngăn chặn tình trạng khỉ có thể tấn công người dân, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đưa ra khuyến cáo người dân không cho khỉ thức ăn; đồng thời lắp đặt các camera giám sát ở những vị trí khỉ thường xuyên xuống; cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi săn bắt khỉ trái phép.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho hay, nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt động vật hoang dã, đặc biệt là các đàn khỉ, UBND phường Thọ Quang thường xuyên chỉ đạo tổ quản lý, bảo vệ rừng tích cực tuần tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi nghi ngờ săn bắt khỉ.

Chia sẻ