Bất ngờ bạch tuộc cũng biết ‘lượm’ vỏ sò, cát, đá tấn công đối thủ
Đoạn clip do các nhà khoa học ghi lại cho thấy loài bạch tuộc rất thông minh. Chúng biết cách dùng xúc tu lượm vỏ sò, cát, đá biến thành vũ khí tấn công đối thủ.
Hành vi bất thường và thú vị ở những con bạch tuộc được các nhà đại dương học ghi lại khi nghiên cứu ở vịnh Jervis (bờ biển phía nam của New South Wales, Úc) và công bố trên tạp chí PLOS One hôm 9-11.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy loài bạch tuộc "ném" những cục đất cát, các mảnh tảo, vỏ sò vào nhau. Chúng không thực sự dùng xúc tu để ném đi như cách con người dùng cánh tay ném đồ vật. Thay vào đó, các xúc tu giữ lấy "vũ khí", hất tất cả lên cao rồi dùng lực đẩy nước đẩy mạnh về phía đối thủ.
Cách thức "ném đạn" này được bạch tuộc sử dụng khi chiến đấu với một con bạch tuộc khác, đối phó với một kẻ săn mồi, thậm chí là ném vào máy móc nghiên cứu của con người khi tiến đến gần chúng.
Nhà khoa học David Scheel (Đại học Alaska Pacific, Anchorage, Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Chúng có thể "ném đạn" với khoảng cách vài lần chiều dài cơ thể, mặc dù việc này rất khó thực hiện dưới nước".
Hành vi này được quan sát ở cả bạch tuộc đực và cái. Nhưng nếu là hai con cái đánh nhau thì 66% khả năng chúng sẽ ném vào nhau, khoảng 32% diễn ra trong khi bạch tuộc đang dọn dẹp tổ, 53% khả năng xảy ra khi gặp một con cá tấn công.
Thậm chí, các nhà đại dương học còn ghi lại được cảnh con bạch tuộc sẽ giơ cao một xúc tu lên, hướng về phía đối thủ rồi di chuyển xúc tu đó theo cử động của đối thủ. Cùng thời điểm đó, một xúc tu khác lượm vỏ sò rồi bất ngờ đẩy vào đối thủ.
Theo các nhà khoa học, trái với con người thường có các bài học rằng ném đồ đạc không phải là cách tốt nhất để giao tiếp. Nhưng đối với các loài động vật khác, chẳng hạn như tinh tinh, khỉ thì việc hướng đồ vật vào các thành viên trong cùng một quần thể có thể đóng vai trò là một tín hiệu xã hội quan trọng.
Bạch tuộc được biết đến là loài cực kỳ thông minh nơi đại dương và có khả năng điều khiển các vật thể nhờ vào các xúc tu như giác hút của mình. Ví dụ, loài Amphioctopus marginatus biết xếp chồng đồ lên nhau và mang theo vật dụng làm tổ cho mình.
Trong các nghiên cứu trước đây, bạch tuộc không phải là loài sống theo đàn, chúng thường sống một mình và khi chạm trán với những con bạch tuộc khác thì sẽ đánh nhau, hoặc thậm chí ăn thịt. Có nghĩa là hành vi này không thể xuất hiện ở một loài sống đơn độc như chúng.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự tương tác của bạch tuộc giống như ở một số loài sống theo đàn khác.