Bánh ngải – đặc sản Lạng Sơn, thơm ngon, lạ miệng, xanh mướt mắt được mời bán khắp chợ mạng với giá 40k/10 chiếc
Tháng 3, tháng 4 là mùa của bánh ngải có xuất xứ từ tỉnh miền núi phía bắc Lạng Sơn. Bánh không chỉ thơm ngon, ăn không ngấy mà còn gây ấn tượng với thực khách bởi màu xanh mát mắt.
Vào tháng 3, tháng 4 trên các group mua bán online các tiểu thương lại bắt đầu nhộn nhịp rao bán bánh ngải – món ăn đặc sản của vùng núi phía Bắc với hương vị đặc trưng, màu sắc cũng rất đặc biệt.
Theo chị Ngọc – một tiểu thương Hà Nội quê gốc Lạng Sơn, nơi có truyền thống làm bánh ngải cho biết, vào tháng 3 - 4 âm lịch hàng năm, mùa lá ngải cứu tươi tốt, xanh non, người Tày - Nùng Lạng Sơn lại nô nức đi hái lá ngải về làm bánh.
Bánh ngải rất kén gạo, không phải bất kỳ loại gạo nào cũng làm được bánh. Muốn có được mẻ bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương, nếp cái hoa vàng được trồng trên nương theo phương pháp canh tác truyền thống, không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học, tuyệt đối không lẫn gạo tẻ.
Đường để chấm bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn. Ngải cứu phải được hái vào mùa xuân, lá non, tươi, xanh mơn mởn.
Khi làm bánh ngải, người làm bánh phải kỳ công chuẩn bị vỏ đỗ xanh hoặc tre nứa, đốt lấy tro, lọc lấy nước, sau đó đem luộc lá ngải tươi non vừa hái để lá ngải có được màu xanh đẹp. Lá ngải luộc nhừ, vớt ra vắt sạch nước tro rồi cho vào cối giã nhuyễn.
Gạo làm bánh ngải được vo, ngâm trong nước ấm với lượng thời gian từ 6-8 tiếng. Khi hạt gạo đủ độ mềm mới vớt ra để ráo nước rồi cho vào đồ thành xôi.
Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người làm bánh sẽ tưới thêm lần nước (nước sôi) để lúc giã bánh bột được dẻo, mịn. Khi xôi đồ chín được mang giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng lá ngải đã giã nhừ từ trước. Xôi phải giã ngay lúc còn nóng thì bánh mới mền, mịn và dẻo.
Sau khi xôi được giã nhuyễn, thợ bánh khẩn trương múc ra mâm để nặn rồi phết lên trên mặt bánh một lớp sáp ong nhằm tạo độ bóng, dẻo, thơm, cũng là để các lớp bánh không bị dính vào nhau khi bóc tách.
Yếu tố quan trọng có tính chất quyết định bánh ngải ngon hay không chính là nhân bánh. Nhân bánh thường được làm từ đỗ xanh hoặc lạc, cũng có nhiều người làm nhân bằng hạt vừng đen, vừng trắng giã với đường phên tạo vị đậm, ngọt bùi, rất hấp dẫn.
Chi Ngọc chia sẻ, ở Hà Nội nhiều người không biết tới bánh ngải nên chị đã nhờ bác ruột – thợ làm bánh ngải lâu năm ở Lạng Sơn chuyển bánh xuống để chị giới thiệu, rao bán trên trang cá nhân của mình.
Nhìn màu sắc bánh xanh mát mắt đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ban đầu khách đặt thử chục chiếc một, ăn thấy ngon họ lại đặt tiếp. Còn những khách đã ăn quen bánh ngải từ lâu thì họ rất thích và đặt mua nhiều. Hơn nữa giá bánh cũng rất phải chăng, 40k/chục. Có những người liền lúc mua 4, 5 chục bánh để ăn và mang cho bạn bè thưởng thức.
Chị Ngọc cũng cho hay, bánh ngải ngon nhất là ăn trong ngày nên chị cứ gom đơn hàng từ sáng tới tối rồi chốt lượng hàng khách đặt để gửi bác chị gửi xuống vào sáng sớm ngày hôm sau. Như thế sẽ đảm bảo bánh tới tay khách được thơm ngon, giữ đúng hương vị.
Đặc biệt, tuy được làm từ lá ngải – 1 loại rau có vị ngăm đắng nhưng trải qua 1 công đoạn chế biến kỳ công, tỉ mỉ, bánh ngải hoàn toàn không có vị đắng, không hắc, mà ngọt thơm, dẻo mịn mang đậm nét đặc trưng của miền biên ải xứ Lạng.
Ngoài hương vị hấp dẫn đó, bánh ngải còn có khả năng chữa được một số bệnh như điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp… vậy nên bánh ngải không chỉ là một món ẩm thực hấp dẫn thực khách mà còn là 1 bài thuốc chữa bệnh hiệu quả của người miền núi phía Bắc.