Bạn đã kịp đến Hanoi Cinematheque - rạp phim đẹp và cổ nhất Hà Nội trước ngày đóng cửa?

Lynk, Ảnh: Q.Vinh,
Chia sẻ

Hanoi Cinematheque được coi là rạp phim nhỏ nhất Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều phim điện ảnh quý giá nhất, gắn với ký ức của nhiều thế hệ người dân Hà Nội và giới văn nghệ sĩ. Những ngày cuối cùng đứng ở nơi này trước khi nó chính thức đóng cửa thật nhiều cảm xúc.

Để đi đến rạp chiếu phim, bạn phải rẽ vào một con ngõ, nhìn từ ngoài phố sẽ chẳng ai biết đi sâu vào trong có cả một khu tập thể xinh xắn và những kiến trúc nghệ thuật cổ xưa. Đó là số 22A Hai Bà Trưng. Sẽ phải tần ngần mất một lúc vì mỗi cái số đó thôi mà có đến mấy nhà hàng, hiệu sách, nhưng nhìn kỹ lại sẽ thấy một lối đi nhỏ đầy nhóc xe máy.

Đi qua bãi gửi xe có mái che cũ kỹ, mục nát, tôi đảm bảo mọi người sẽ ngạc nhiên vì cả một chốn xa xưa tái hiện sinh động ngay trước mắt, không gian Á – Âu, truyền thống - hiện đại pha trộn vào nhau đủ khiến ta mê thích. Thời gian gần đây, rất nhiều người tiếc nuối, buồn thương khi nghe tin rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque cùng với khu tập thể nghệ sĩ cũ sẽ bị phá dỡ để xây công trình mới. Tôi không biết nhiều lắm về điện ảnh, nhưng cũng cảm thấy man mác khi bước chân đi tìm rạp chiếu phim vang bóng một thời.

rạp Hanoi Cinematheque
Số 22A Hai Bà Trưng, lối vào duy nhất để tới rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque, nhìn từ ngoài rất khó nhận ra.

rạp Hanoi Cinematheque
Giữa chiều đông, lạc vào đây đủ khơi gợi sự tò mò của bất kỳ ai, muốn khám phá xem cuối con ngõ kia là gì?

Gửi xe xong, tự lần mò theo lối đi quanh co, quả thực Hanoi Cinematheque hơi khó tìm. Một bà cụ tóc bạc phơ bất ngờ thò đầu qua cửa sổ hỏi “Cháu tìm ai đấy?” làm tôi giật bắn cả người. Có lẽ vì tôi ngó nghiêng nhiều quá khiến bà cụ đang đan khăn chú ý. Khẽ hỏi bà rạp phim ở đâu, bà tặc lưỡi, rồi nói đi thêm một chút nữa, bên tay phải. Khu nhà ở giữa có hình vuông, 3 tầng đều nhau, xây theo phong cách châu Âu cổ điển. Cây hoàng lan cổ thụ to đùng xanh mướt ôm trọn lấy một khoảng lớn giữa khu tập thể. Có một cây cầu gạch bắc ngang trên đầu tôi, song song với nó là một cái cổng vòm có giàn cây leo rủ xuống, tím biếc mơ màng. Mọi thứ pha trộn vào nhau quá hoàn hảo, khiến tôi phải thốt lên vì quá đẹp.

rạp Hanoi Cinematheque
Cổng vào rạp phim rậm rì cây cối, dây leo, lãng mạn như một chốn hẹn hò 

rạp Hanoi Cinematheque
Cái tên giản dị, đậm chất nghệ thuật của rạp phim đã treo trên tường cả thập kỷ rồi

Đây rồi, Hanoi Cinematheque, dòng chữ nhỏ xíu xiu sơn xanh nhìn thấy ngay khi bước vào cổng. Khoảng sân gạch rộng rãi có rất nhiều bàn ghế, vì đối diện với rạp phim là quán café có cái tên thật trữ tình: Ả đào. Nghe nói, nó là nơi yêu thích của nhiều người nổi tiếng như Diễm Quỳnh, Anh Tuấn, giới văn nghệ sĩ… Mọi thứ trong quán đều bài trí theo lối mộc truyền thống, cột kèo gỗ, tranh vẽ thiếu nữ lả lơi, trần tục, không gian ấm cúng với sắc đỏ mê hoặc, nhạc nhẹ nhàng vương vấn khắp nơi. Trông nó đối lập hoàn toàn với quầy tiếp khách và rạp chiếu bóng nhỏ xinh kiểu Tây. Những tấm banner, áp phích phim treo lác đác trên tường. Chúng đã được gỡ bỏ gần hết, xếp vào góc cầu thang nhỏ xíu cạnh quầy tiếp tân. Nếu bạn chưa biết, thì ở đây không bán vé, khán giả có thể đóng góp tự nguyện, hoặc có nguồn hỗ trợ khác.

rạp Hanoi Cinematheque
Quán cafe mộc mạc truyền thống ngay đối diện rạp phim, nơi khán giả thường ghé vào ngồi đợi tới giờ chiếu

rạp Hanoi Cinematheque
Quầy tiếp tân giờ vắng người trông, tái hiện lại những quầy bán vé ở rạp chiếu bóng thời xưa

rạp Hanoi Cinematheque
Vài người từng tới đây xem phim nhiều lần, quay lại ngồi ngắm như một thói quen khó bỏ, tiếc nuối vì nơi này sắp không còn nữa

Buổi chiều, ở đây hơi vắng. Hoặc có thể vì rạp sắp dỡ bỏ, nên ít người ghé qua. Dưới tán ô nhỏ, một người phụ nữ ngoại quốc ngồi lẻ loi, chậm rãi hút thuốc như đang chờ đợi gì đó. Một lát sau, từ cửa quầy tiếp tân, một người phụ nữ trung niên khác xuất hiện. Trông bà giống Việt kiều, da ngăm đen. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tôi bắt chuyện với họ, và được biết đó là 2 khán giả cực yêu mến Hanoi Cinematheque. Họ đến để lưu giữ những ngày cuối cùng bên “người bạn” nhỏ bé đã mang đến bao cung bậc cảm xúc cho họ khi tới xem phim. Với họ, và nhiều vị khách ngoại quốc khác ghé đến sau đó, nơi đây thực sự là “rạp chiếu bóng thiên đường” – giống bộ phim kinh điển của Italia.

Trò chuyện thêm một chút, và có dịp gặp gỡ với một vài người làm việc trong rạp như cậu bé 17 tuổi chuyên mở cửa dọn dẹp, và anh chàng kỹ sư ngoài 30, tôi cảm giác như trong đầu mình có một cuốn phim quay thật chậm và sống động về rạp phim huyền thoại này. Chủ nhân rạp là ông Gerrald Herman, một người Mỹ yêu Hà Nội như quê hương New York, đam mê điện ảnh đến cuồng si và là “từ điển sống” đáng nể phục về môn nghệ thuật thứ 7. Ông tới Việt Nam từ năm 1992, và 10 năm sau, nhờ tình yêu vô bờ với các bộ phim điện ảnh mà Hanoi Cinematheque ra đời.

rạp Hanoi Cinematheque
Ông Gerrald Herman - chủ nhân rạp chiếu phim Hanoi Cinematheque (ảnh: Screen-space)

rạp Hanoi Cinematheque
Cô gái Pháp bâng khuâng sống trong những ký ức cũ về rạp chiếu phim cô yêu mến

Rạp chỉ có 89 chỗ ngồi, rất nhỏ, nhưng sạch sẽ, ấm cúng và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ở đây chuyên chiếu những bộ phim kinh điển của Việt Nam và thế giới theo các chủ đề khác nhau, như cảm hứng cháy bỏng của Gerrald là “Điện ảnh luôn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của người Việt Nam”. Người đàn ông này đã dành cả cuộc đời tìm kiếm, mang về hơn 3.500 bộ phim, có những bản phim rất quý giá, tuyệt vời như phim tân hiện thực của Ý, huyền thoại điện ảnh Nhật như Ozu, Kurosawa, phim chiến tranh Việt Nam… thậm chí là cả điện ảnh Nam Mỹ, châu Phi. Ông nâng niu chúng như con, bỏ tiền túi mua bản quyền phim, mang sang tận đảo quốc sư tử để chuyển thành DVD chất lượng cao, trong đó ưu ái nhiều phim Việt Nam của các đạo diễn nổi tiếng như Đặng Nhật Minh, Việt Linh, Nguyễn Vinh Sơn… Kho báu của ông được xếp rất cẩn thận, ngay ngắn trong tủ kính cạnh quầy tiếp tân, để khán giả có thể ngắm nhìn thỏa thích.

rạp Hanoi Cinematheque
Cửa vào rạp nay đã khóa kín, cất giữ hết những đam mê điện ảnh vào trong

rạp Hanoi Cinematheque
Những banner, áp phích phim đầy chất nghệ thuật vẫn còn ở ngoài cửa rạp

Chị Khánh Nguyễn (28 tuổi), cách đây 10 năm từng là sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh. Thời ấy học Điện ảnh thế giới chẳng có phim để xem, may có Gerrald (chị và nhiều người thường gọi thân mật là thầy Gerry) và rạp chiếu nhỏ xinh của ông mà sinh viên được tiếp cận với những tư liệu phim vô cùng quý giá, không đâu có.

"Tôi nhớ những sáng thứ 7 tất tả bắt xe bus lên Hai Bà Trưng cho kịp lớp học của thầy Gerry. Say xe gần chết vẫn cố đi, không bỏ buổi nào, nghỉ tiếc lắm. Chỗ đó hơi khó tìm, nhưng đến rồi thì lưu luyến lắm. Học xong tôi đi bộ một mình ra Tràng Tiền ăn kem, hoặc lượn lờ chán ở Đinh Lễ rồi mới về”. Khi hay tin lớp học cũ sắp biến mất mãi mãi, chị Khánh buồn muốn khóc. Mất Hanoi Cinematheque là mất đi một di sản văn hóa to lớn của Hà Nội, không phải riêng với chúng ta mà nhiều bạn bè quốc tế yêu điện ảnh nữa.

rạp Hanoi Cinematheque

rạp Hanoi Cinematheque
Còn vài ngày nữa thôi, những bậc thang, phòng nhỏ, sân gạch xung quanh sẽ biến mất cùng rạp phim

Ngay sát rạp chiếu phim là một khách sạn cũ – Hotel De Artistes, thuộc sở hữu của một người phụ nữ yêu Hà Nội. Khách sạn bao gồm cả tầng 2 và 3, nằm ngay phía trên rạp chiếu phim. Nó và rạp phim đã đồng hành với nhau từ những ngày đầu được xây nên cách đây hàng chục năm, ban đầu chỉ là những căn phòng nhỏ. Dần dà, những người sống ở đây đã làm cho chúng đẹp hơn, quyến rũ hơn. Bạn sẽ thấy mềm lòng với hương thơm dìu dịu từ cây hoàng lan, sắc đỏ hồng quyến rũ từ hàng hoa giấy rủ xuống ban công, những cơn mưa phùn lắc rắc trên mái hiên hình vòm...

rạp Hanoi Cinematheque

rạp Hanoi Cinematheque
Khách sạn nhỏ chuyên tiếp những vị khách yêu nghệ thuật, điện ảnh đã tồn tại cùng rạp phim suốt nhiều năm

Chú Nam (53 tuổi) làm bảo vệ ở khách sạn đã 10 năm, lấy công việc làm niềm vui và sự gắn bó với khu nhà cũ kỹ này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Chú đã chứng kiến mưa nắng, vui buồn đi qua trước khoảng sân chung của quán café – rạp phim – khách sạn, chú bảo ở đây có những nét riêng, không xô bồ như nhiều nơi khác. Khách đến đây cũng toàn người tinh tế, thích yên tĩnh, đam mê nghệ thuật, và họ thích đi bộ từ khách sạn sang rạp phim trò chuyện với ông chủ người Mỹ.

Rạp phim mất đi, khách sạn cũng bị phá bỏ theo, chú lại đi tìm việc khác để kiếm sống, nhưng quãng thời gian ở đây đã mang lại niềm hạnh phúc giản dị khó quên. Chú nhớ những khán giả tới chờ xem phim đã trò chuyện, uống trà với chú, kể chú nghe về các bộ phim. Trong tâm hồn người đàn ông ấy, vô tình đã có những hoài niệm đẹp gắn với rạp phim, sống nốt mấy ngày cuối cùng bên nó, chú Nam thấy trống trải, miên man.

rạp Hanoi Cinematheque
Chú Nam là một trong những người gắn bó lâu nhất với khu nhà có rạp chiếu phim, chú buồn khi nơi này không còn đón khách tới được nữa

Sẽ không còn nắng vàng trên những giàn cây, nhạc Trịnh từ quán café vọng sang, âm thanh sống động lọt qua cửa phòng chiếu phim khiến người ta tò mò. Tất cả đam mê, nguồn sống, tình yêu của ông Gerrald cũng sẽ khép lại vĩnh viễn sau ngày 30/11 tới đây. Mọi người từng kỳ vọng ông chủ tốt bụng sẽ mở rạp ở nơi khác, nhưng ông đã chia sẻ rằng sẽ không có thêm Hanoi Cinematheque nào nữa. Nơi nó tọa lạc 10 năm qua đã có quá nhiều kỉ niệm, quá hoàn hảo, quá nhiều mồ hôi nước mắt của ông và những người khác ở đó. Ông không muốn mất đứa con tinh thần lần thứ 2, nên ông mong nó sẽ sống mãi trong ký ức của khán giả yêu điện ảnh.

Nếu chưa kịp nói yêu Hanoi Cinematheque, hãy dành vài phút thôi, tới ngồi ở băng ghế bất kỳ trước cửa rạp, ngắm nhìn cho thỏa thích những góc nhỏ xinh hiền hòa, ngước lên khoảng trời xanh trong yên ả, để cảm nhận dòng chảy thời gian nơi đây vẫn luôn quay ngược về xưa cũ...

rạp Hanoi Cinematheque
Người ta đã lục đục thu dọn đồ đạc, và rạp phim cũng đã dần chuyển về nơi khác, cất giữ mãi mãi


Chia sẻ