Bài toán tài chính: 30 tuổi có nhất thiết phải mua được ô tô?
Có ô tô là có thêm sự thoải mái, thuận tiện trong việc đi lại?
Ở thời điểm hiện tại, mua ô tô không phải là điều quá khó khăn với người trẻ, vì thị trường xe (đặc biệt là xe cũ) khá đa dạng mức giá. Nếu không đặt nặng chuyện phải mua được xe sang để "chứng minh mình giàu, mình thành công", chỉ cần khoảng 400-450 triệu, bạn đã có thể mua được một chiếc "xế hộp" 4 chỗ đời cũ, tầm trung.
Ai cũng biết có ô tô là đỡ phải dầm mưa, dãi nắng. Nhưng điều đó có đồng nghĩa với sự thuận tiện hơn trong việc đi lại, di chuyển hàng ngày, nếu so với xe máy hay không?
Những thái cực cảm xúc đối nghịch của 2 bạn trẻ đã mua xe
Năm 2022, Thảo Ly (28 tuổi) quyết định mua đứt 1 chiếc xe 7 chỗ đã qua sử dụng nhưng còn gần như mới, với mức giá lăn bánh là 1,2 tỷ đồng. Chi phí rước chiếc "xế hộp" này hoàn toàn là tiền tiết kiệm của Thảo Ly. Cô bạn không cần vay ngân hàng hay "kêu gọi trợ giúp" từ gia đình, người thân.
"Mình quyết định mua xe vì tính chất công việc phải di chuyển nhiều, cộng thêm cả đam mê xê dịch của mình nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, mình vẫn cảm thấy có xe thì mình sẽ chủ động hơn trong việc đi gặp đối tác, hoặc những chuyến đi xa cùng gia đình" - Thảo Ly chia sẻ.
Ở thời điểm chốt mua đứt chiếc xe 7 chỗ với giá 1,2 tỷ đồng, Thảo Ly chưa kết hôn. Hiện tại, sau 1 năm có xe và đã bước vào cuộc sống hôn nhân, Thảo Ly càng cảm thấy quyết định mua ô tô của mình là đúng đắn, không có gì phải hối hận.
Cũng từng chốt mua đứt 1 chiếc ô tô 7 chỗ khi còn đang độc thân như Thảo Ly, nhưng cảm xúc của Thanh Tuấn (32 tuổi) với quyết định này lại không được mỹ mãn cho lắm. 2 năm trước, khi còn đang ở nhà thuê, Thanh Tuấn vẫn quyết định dùng 3,4 tỷ đồng để mua một chiếc xe sang, thay vì mua nhà. Là Quản lý nhóm quản trị rủi ro cho một ngân hàng, Thanh Tuấn đã mua được chiếc xe sang này mức giá chỉ bằng khoảng 60% giá mua mới.
"Mình thấy nội bộ rao bán tài sản đảm bảo của khách hàng để thanh lý khoản nợ, mình nghĩ mất 2 ngày rồi chốt mua ngay vì tâm lý không nhanh tay thì hụt mất món hời. Thực sự rất khó để có thể mua được chiếc xe này với mức giá như vậy" - Thanh Tuấn chia sẻ, từ chối tiết lộ tên chiếc xe mà bản thân đã mua năm ấy.
Khi được hỏi về lý do quyết định mua xe thay vì mua nhà, Thanh Tuấn cho biết: "Nhiều người cũng thắc mắc tại sao mình đang đi ở nhà thuê mà lại bỏ ra chừng đó tiền để mua xe. Câu trả lời đơn giản là mình có nhà mặt đất rồi, nhưng vì nhà ở xa chỗ làm hiện tại quá nên mình quyết định cho thuê, rồi đi thuê nhà gần công ty để tiện cho công việc hơn thôi" .
Tuấn xác định mua xe để phục vụ mục đích di chuyển là chính nhưng sau khoảng 10 tháng sở hữu chiếc "xế hộp" hạng sang, Tuấn quyết định… đăng bán.
"Chỗ ở hiện tại của mình cách chỗ làm việc chưa đầy 4km nhưng nếu đi làm bằng ô tô, mình phải nhích từng cm vì tắc đường. Cả chiều đi lẫn chiều về ít nhất cũng mất 80-90 phút cho quãng đường chưa tới 8km.
Chưa có xe thì nghĩ khi có xe sẽ chủ động hơn trong việc di chuyển hàng ngày, nhưng thực tế với mình là không. Cả chuyện đi du lịch hay đi về quê cũng vậy. Tự lái xe thì có chủ động hơn thật nhưng đổi lại là không được uống bia, uống rượu. Đàn ông mà đi chơi với bạn bè, đi về quê gặp họ hàng mà như vậy thì thực sự rất khó" - Thanh Tuấn giải thích về quyết định bán chiếc xe sang.
Dù lãi hơn 1,5 tỷ so với giá mua, nhưng Thanh Tuấn vẫn cảm thấy tiêng tiếc trong lòng vì ngay từ ban đầu, chàng trai này mua xe không phải vì mục đích bán chênh lấy lời.
Hiểu rõ nhu cầu của bản thân, quyết nói không với việc mua ô tô dù khả năng tài chính dư dả
Đây là lời miêu tả ngắn gọn và chính xác nhất với Trung Hiếu (30 tuổi). Hiếu đã kết hôn và có 1 cô con gái 2 tuổi rưỡi. Gia đình có con nhỏ, cả bên nội lẫn bên ngoại đều ở xa Hà Nội nhưng vợ chồng Trung Hiếu vẫn nhất quyết nói không với việc mua ô tô.
"Vợ chồng mình đang ở chung cư, giá mua chỗ đậu xe rẻ nhất cũng 2,3 triệu/tháng. Nhà có con nhỏ nhưng thực sự nhu cầu đi lại của chúng mình không nhiều. Hai vợ chồng đi làm bằng xe máy vẫn cảm thấy ổn vì công ty gần nhà, còn cuối tuần đưa con đi chơi hay lễ Tết về quê, chúng mình đều thuê xe. Cả hai đứa đều có bằng lái rồi đấy nhưng bảo tự lái quãng đường gần 200km về quê thì cũng xin thôi, vì như thế mệt lắm" - Trung Hiếu chia sẻ.
Ông bố 1 con này cho biết vì cả hai vợ chồng đều bận, quãng đường về quê lại xa quá nên 2-3 tháng, vợ chồng mới đưa con về thăm ông bà một lần. Tiền thuê xe về quê là 2,8 triệu đồng/2 chiều. Nhẩm tính thêm cả tiền đặt xe công nghệ đưa con đi chơi cuối tuần, khoảng 500-800k/tháng, Hiếu khẳng định: "Tính kiểu gì vẫn thấy mua ô tô là lỗ với gia đình mình, riêng tiền gửi xe đã hơn 2 triệu, rồi còn tiền xăng, tiền bảo dưỡng định kỳ nữa chứ" .
Vì tất cả những lý do ấy mà Hiếu quyết định không mua xe dù mọi người đều bảo "nhà có con nhỏ, có ô tô vẫn tiện nhất".
Tạm kết
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: "Có ô tô liệu có chắc là sẽ có thêm sự thoải mái, thuận tiện trong việc đi lại, di chuyển hay không?", có lẽ, những chia sẻ của Thảo Ly, Thanh Tuấn và Trung Hiếu cũng đã phần nào đủ chi tiết, đủ đa chiều để bạn tự tìm được câu trả lời cho thắc mắc đã đặt ra.
Suy cho cùng, dù việc sở hữu một chiếc ô tô ở thời điểm này không phải chuyện quá khó, nhưng nếu không suy nghĩ thấu đáo để hiểu rõ nhu cầu của bản thân, việc "nuôi xe" sẽ trở thành gánh nặng tài chính, đặc biệt với những người phải đi vay tiền để rước 1 chiếc xế hộp về nhà.