"Bà trùm trứng" Ba Huân - người phụ nữ chưa học hết lớp 5 lay động tập đoàn Hà Lan để mang về dây chuyền sản xuất gây tiếng vang khắp Đông Nam Á
Đây còn là lần đầu tiên chuyện nối nghề - giữ nghiệp của Công ty TNHH trứng gia cầm Ba Huân được chính miệng bà ba Huân tiết lộ.
Có hẹn với bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân vào thời điểm thành phố còn thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Bà Ba nói trong ngày gặp lại chúng tôi: "Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên sau một thời gian rất dài". Phải, nhất là khi bất kỳ ai trong chúng ta đều như vừa trải qua một cuộc "xô xát" khổng lồ với dịch bệnh và câu chuyện không tăng giá trứng của Công ty TNHH Ba Huân quả thật đã để lại nhiều ấn tượng.
Bà Ba Huân vẫn giữ khư khư cái khí chất của một người phụ nữ có hơn nửa đời người gắn bó với nông nghiệp. Không biết người ta mất bao lâu để đếm hết số lần bà xuất hiện trên các mặt báo bằng câu chuyện truyền cảm hứng đương thời. Thế nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên từ nối nghề - giữ nghiệp của Công ty TNHH trứng gia cầm Ba Huân được chính miệng bà Ba Huân tiết lộ.
Doanh nhân Phạm Thị Huân sinh năm 1954 ở Long An - hiện đang là Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (Trứng Ba Huân). Bà Ba được mệnh danh là "nữ hoàng trứng", cũng có thể gọi cách khác là "bà trùm trứng".
Vào năm 2012, bà Ba Huân từng lot Top 100 người phụ nữ nổi bật nhất năm của thế giới do TIAW bình chọn. Bà được lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trao tặng bằng khen Doanh nhân tiêu biểu vào năm 2014.
Vào năm 2016, bà Ba Huân đại diện Việt Nam vượt qua 45 quốc gia khác, trở thành 1 trong 5 nông dân điển hình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (giải thưởng FAO) cùng với Fiji, Mông Cổ, Pakistan, Thái Lan.
Bà Ba Huân nhiều lần góp mặt trong "Danh sách 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam" do Forbes VietNam bình chọn.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ba Huân là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ xử lý trứng sạch về Việt Nam. Trứng sạch Ba Huân được phân phối rộng rãi trong các hệ thống Metro, Coopmart, Vissan, hệ thống các siêu thị từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
Công ty Ba Huân vượt qua dịch bệnh một cách ấn tượng bằng "bài toán khuyến mãi trứng" tại các siêu thị để chia sẻ với người dân
"Ở nhà chứ điện thoại của tôi luôn nóng máy, để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy các anh em phải liên tục gọi điện, tìm cách", bà Huân mở đầu bằng việc khắc họa những ngày khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh vừa qua.
Câu chuyện trứng Ba Huân giữ nguyên giá xuyên dịch Covid-19 vẫn còn râm ran trên các mặt báo, truyền thông. Ít ai biết, đằng sau đó là một nỗ lực không nhỏ của bà Ba Huân nói riêng và Công ty TNHH trứng gia cầm Ba Huân nói chung.
"Thức ăn chăn nuôi tăng từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển cũng tăng, các trại đồng loạt nâng giá. Công ty cũng phải mua để bảo đảm duy trì đủ sản lượng cho thị trường thành phố, hơn 1 triệu trứng mỗi ngày”, bà ba Huân kể lại thời điểm đưa Ba Huân vượt “bão" giá.
Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và tấn công trực diện vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại đa số các tỉnh thành trong khu vực phải thực hiện giãn cách kéo dài, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm từ đó gia tăng. Thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm đóng vai trò cung ứng quan trọng lại gặp nhiều khó khăn về mặt chi phí sản xuất. Tại chương trình Bình ổn thị trường TP.HCM, nhiều doanh nghiệp đã đồng lòng kiến nghị tăng giá trứng từ 2.000 đồng/chục.
Thế nhưng, đại diện Công ty Ba Huân, bà Phạm Thị Huân từ chối tăng giá. Đứng trước hàng trăm mối lợi vốn dĩ chỉ cần một cái gật đầu, bà Ba thể hiện triết lý kinh doanh bền vững:
"Người lao động nghèo dùng trứng nhiều nhất. Thời điểm người ta còn đi cứu trợ 5 - 10 tỷ mua vaccine còn tôi làm nông nghiệp, tôi có giá trứng thì tôi hỗ trợ đồng bào. Đồng ý là nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Nhưng thôi, tôi nói muốn gì để sau giãn cách, khi dịch im đi, rồi mình ngồi lại tính toán".
Bà Ba Huân chậm rãi nói với chúng tôi quy trình xử lý trứng ùn ứ trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội khi mọi hoạt động phải tạm ngừng.
“Khi các hệ thống siêu thị, chợ mở lại, lưu thông phân phối, tôi làm chương trình khuyến mãi, bán giảm giá để người tiêu dùng phụ với mình tiêu thụ các sản phẩm. Siêu thị thì có chương trình mua 10 trứng tặng 6 trứng còn riêng các kênh tiêu thụ như liên đoàn lao động, kênh phụ nữ, kênh bệnh viện thì giảm từ 28.000 đồng/chục xuống 18.000/chục”.
Bà Phạm Thị Huân nhấn mạnh chương trình khuyến mãi chia sẻ cùng người dân của Công ty Ba Huân: "Siêu thị thì có chương trình mua 10 trứng tặng 6 trứng còn riêng các kênh tiêu thụ như liên đoàn lao động, kênh phụ nữ, kênh bệnh viện thì giảm từ 28.000 đồng/chục xuống 18.000/chục”.
Hồi tưởng lại chuyến đi châu Âu trong trận "cuồng phong" của H5N1, cách "người phụ nữ chưa học hết lớp 5" lay động một tập đoàn Hà Lan
Bà Ba Huân không phải là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và cũng sẵn sàng thừa nhận rằng mình là người ít học, thế nhưng bà vẫn làm nên kỳ tích từ những xuất phát điểm không mấy suôn sẻ như những doanh nhân cùng thời.
Không "đao to búa lớn" về những thành tích bà đạt được sau này hoặc khi nhắc về những giải thưởng, bà Ba đều nhớ tên gọi từng giải ấy thế mà câu chuyện bà mang ra kể, để khiến những người đối diện hiểu thêm về mình là câu chuyện cách đây đã được hơn 10 năm.
"Ngày tôi ký hợp đồng với Moba, tôi thấy lá cờ đỏ sao vàng được treo lên trên, trong sự hợp tác giữa Moba Hà Lan và Việt Nam, lòng tôi mừng vô hạn", bà ba Huân bộc bạch khi nhớ về trận "đại cuồng phong" của dịch cúm gia cầm H5N1 vào năm 2003. Thời điểm lúc bấy giờ công ty Ba Huân thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Những tưởng con đường theo ngành công nghiệp chăn nuôi của bà từ năm 12 tuổi sẽ dừng lại ở thời điểm ấy. Bà Ba cũng đã định bụng sẽ về chuyển hẳn sang ngành kim hoàn để sinh sống theo lời khuyên nhủ của gia đình thế nhưng tiếng khóc thương của người dân cứ đau đáu trong tim bà:
"Tôi xuất thân từ người nông dân, tôi hiểu nông dân thì cực như thế nào. Họ một nắng hai sương với tôi, 2003 vịt gà chết như ngả rạ, trứng thối chất thành đống, họ nhìn thấy tôi là ôm tôi khóc: "Làm cái gì sống bây giờ", vậy đó nên tôi không bỏ nghề nữa", bà Ba Huân xúc động kể lại.
Sự nghiệp của bà Ba Huân bắt đầu từ năm bà 12 tuổi cùng với mẹ ruột, còn chưa học hết lớp 5 nên những gì bà Ba quyết định dựa trên kinh nghiệm, sự thấu hiểu của bản thân với ngành nông nghiệp trứng gia cầm. Thật khó có thể tin khi ngoài 50 tuổi, bà Ba vẫn can trường quyết định khăn gói đi châu Âu để... tìm đường cứu trứng! Từ Quảng Châu sang Úc rồi đến Mỹ và chỉ khi được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe về dây chuyền làm trứng sạch của Tập đoàn Moba (Hà Lan), một trong những tập đoàn đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm., bà Ba Huân mới vơi nhẹ nỗi lo.
"Tôi gặp ông Chủ tịch của Tập đoàn Moba, tôi không giao tiếp nhiều bằng tiếng nước ngoài, thông qua thông dịch viên tôi nghĩ sao thì tôi thiệt tình vậy: "Tôi xuất thân là một nông dân, nông nghiệp nước tôi còn nghèo, tôi bỏ tiền túi ra mua máy xử lý trứng này. Ông thương thì tôi nhờ, ông không thương thì tôi chịu, tôi mong ông bán cho tôi cái máy, để tôi và mọi người cùng cười chứ đừng làm cho ai khóc".
Lời bộc bạch và sự chân chất của bà Ba Huân gần như không khiến ông Henry - Chủ tịch của Tập đoàn Moba phải đắn đo thêm nữa. Moba sau đó đã đồng ý ký kết và bán trọn dây chuyền làm trứng sạch tự động hoá cho Công ty TNHH Ba Huân với giá 650.000 Euro và đặc biệt Tập đoàn này không tăng giá khi nâng cấp số lượng xử lý từ 45.000 trứng/giờ lên 65.000 trứng/ giờ.
"Ông ấy nói lần đầu tiên thấy một người phụ nữ như tôi, tôi còn nhớ hoài", bà Ba Huân cười khích lệ.
Công ty TNHH Ba Huân sau đó đã cho khởi công xây dựng nhà máy xử lý trứng sạch tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Thời điểm lúc bấy giờ, đây là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu dây chuyền xử lý trứng sạch khép kín tự động 100%. Thông tin này còn khiến ngành chăn nuôi Đông Nam Á nói chung có thêm điều khởi sắc khi trứng sạch nhà bà Ba Huân còn xuất khẩu sang các thị trường lân cận như Malaysia, Singapore,...
Từ thành công này, Công ty Ba Huân tiếp tục mở rộng sản xuất đã xây dựng được hệ thống gồm 6 nhà máy lớn. Trong đó có 2 trang trại trải dài từ Bình Dương, Long An, TPHCM, Hà Nội.
"Tôi về Việt Nam nhưng giá trứng tuyệt không có sự chênh lệch so với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ". Về điều này, bà Ba Huân lý giải: "Vì tôi nghĩ mưa dầm thấm lâu, từ từ người tiêu dùng mới có thể làm quen với khái niệm quả trứng sạch, nhờ vậy mà Ba Huân mới ở trong lòng người dân đến bây giờ".
Chuỗi các nhà máy của Công ty TNHH Ba Huân
Cánh tay đắc lực, người sẽ nối nghiệp gánh vác công ty trứng nghìn tỷ của bà Ba Huân là ai?
Ít ai biết ở tuổi 67, nhưng bà Ba Huân hiện tại vẫn là người điều phối trực tiếp và quan trọng nhất trong Công ty TNHH Ba Huân. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, khi được hỏi về những cánh tay trái, tay phải đắc lực của mình bà Ba Huân chia sẻ bằng tất cả những sự tự hào.
“Tôi có một dàn em 6 người, em ruột sẽ nối bước tôi", đó là một câu rất ngắn trong liền mạch đoạn hội thoại giữa chúng tôi với bà Ba Huân mà trong đó chúng tôi thấy lấp lánh lên niềm tin, sự hi vọng của cả một đời người.
Được biết, một trong những người em ruột của bà Ba có ông Phạm Thanh Hùng hiện tại đang là Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân tại Hà Nội, đây có lẽ cánh tay đắc lực mà bà Ba nhắc đến.
"Ba người em trai của tôi nắm bắt công việc chăn nuôi với chuyên gia, còn 2 người em gái năng động hiện đang là Giám đốc Tài chính - Kinh doanh. Công ty còn có đội ngũ cán bộ, chuyên gia chăn nuôi người nước ngoài, kỹ sư vận hành máy móc thiết bị, anh em chung sức làm”, bà Ba Huân tự hào về cơ ngơi mình đã gầy dựng được hàng chục năm nay.
Những điều tưởng chừng xuất hiện ở bất cứ đâu trong sách vở, mạng xã hội là thứ mà bà Ba Huân theo đuổi suốt cả một đời. Ngay slogan của Công ty TNHH Ba Huân cũng đã thể hiện điều đó "Ba Huân - Chia sẻ niềm tin với cộng đồng".
Khi được hỏi vì sao đối tượng khách hàng bà Ba Huân hướng đến lại chủ yếu là người lao động, "bà trùm trứng" thật thà đáp: "Tại tôi xuất thân là một nông dân, tôi từ nông dân đi lên".
Bên cạnh trách nhiệm với công ty gia đình, bà Ba Huân còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng với xã hội, chia sẻ khó khăn với người dân thông qua các hoạt động từ thiện