Mẹ ruột diva Thanh Lam nhan sắc thời trẻ đã cực phẩm mà dạy con cũng rất thấm: Đọc đến đâu, nể đến đó!
Với đôi mày lá liễu và những đường nét hài hòa trên gương mặt, bà được mệnh danh là "Hoa khôi Nhạc viện" thời bấy giờ.
Diva Thanh Lam, một trong những nữ nghệ sĩ hàng đầu của nền nhạc nhẹ Việt Nam không chỉ được ngưỡng mộ bởi giọng hát đầy nội lực mà còn gây ấn tượng bởi thần thái cuốn hút và vẻ đẹp mặn mà theo thời gian. Ít ai biết, mẹ ruột của chị - NSƯT Thanh Hương - cũng có nhan sắc cực phẩm. Bà từng là hoa khôi nức tiếng của Nhạc viện Hà Nội.
NSƯT Thanh Hương sinh ra trong một gia đình khá giả, được sống trong sự bao bọc và yêu thương của người thân. Tuổi thơ của bà là những tháng ngày êm đềm, ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc.
Khi bước vào tuổi thiếu niên, bà được gia đình định hướng theo con đường nghệ thuật và theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Thời còn là sinh viên, NSƯT Thanh Hương nổi tiếng không chỉ bởi tài năng mà còn bởi vẻ đẹp thanh tú nổi bật. Với đôi mày lá liễu và những đường nét hài hòa trên gương mặt, bà được mệnh danh là "Hoa khôi Nhạc viện" thời bấy giờ.

Bà từng là hoa khôi nức tiếng của Nhạc viện Hà Nội.
Dù có nhiều người theo đuổi, trái tim của nữ nghệ sĩ đàn tranh lại dành trọn cho chàng nhạc sĩ đến từ Quảng Nam - Thuận Yến. Chính sự mộc mạc, chân thành cùng tài năng âm nhạc đặc biệt của ông đã khiến bà rung động. Họ yêu nhau, là mối tình đầu, và cũng là người bạn đời gắn bó trọn đời. Vợ chồng nghệ sĩ có hai người con là ca sĩ Thanh Lam và nghệ sĩ Trí Minh. Cuộc sống của NSƯT Thanh Hương sau này vẫn luôn bình lặng và hạnh phúc bên gia đình và âm nhạc.
Dạy con tinh tế, đầy yêu thương
NSƯT Thanh Hương không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa mà còn là một người mẹ khiến nhiều người phải ngưỡng mộ bởi cách dạy con đầy tinh tế và yêu thương. Bà không đặt nặng thành tích, không dùng mệnh lệnh hay áp lực để thúc ép các con phải trở thành "người này người kia". Với mỗi đứa trẻ, bà đều chọn một cách tiếp cận phù hợp. Bà cũng cảm thông, vỗ về cho những lỡ lầm của con.
Nói về chuyện nuôi dạy con, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Gia đình & Xã hội, NSƯT Thanh Hương kể: Lúc nhỏ, Lam rất chăm chỉ học hành, còn Trí Minh thì lúc trẻ không được như chị.
"Cú vấp" đầu đời của Trí Minh đến vào một ngày tưởng như rất bình thường. Cô giáo dạy piano gọi điện thông báo rằng học kỳ I con chỉ đạt 7 điểm, theo quy định của lớp, mức điểm đó đồng nghĩa với việc bị cho thôi học. Người mẹ khi nghe tin ấy không đau lòng vì điểm số, mà vì một nỗi dằn vặt khác sâu hơn: mải mê chạy sô, miệt mài trên sân khấu, bà đã lơ là chuyện học hành của con trai mình.
Kể từ ngày hôm đó, bà quyết định gác lại công việc, giảm bớt các buổi diễn để ở nhà đồng hành cùng con. Nhưng làm nghệ sĩ đàn dân tộc, kiến thức piano gần như là con số không – việc dạy con học đàn chẳng khác gì "vịt nghe sấm".
Không thể dạy con bằng kỹ thuật, bà tìm cách khơi gợi cảm xúc. Bà hát, múa cho con xem, truyền cho con tình yêu với âm nhạc từ chính sự rung động rất bản năng. Bà kể cho con nghe về những ngày tháng cơ cực, rằng tại sao một gia đình không dư dả lại có thể mua được cây đàn đắt đỏ như vậy. Cây đàn đó là thành quả của những lần biểu diễn mải miết, của những đêm đau khớp tay đến mất ngủ. Là mồ hôi, là nước mắt.
Thậm chí, để đưa được cây đàn từ TP.HCM ra Hà Nội, bà đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người trong hãng hàng không. Với tất cả tình yêu và sự hy sinh ấy, bà mong con hiểu và trân trọng cơ hội mình đang có.
Và rồi, học kỳ sau, Trí Minh đạt 10 điểm.
Thời gian trôi, Trí Minh chuyển hướng sang học sáng tác. Có một lần, trời mưa rất to, bà bảo con nghỉ học một hôm. Nhưng Trí Minh chỉ nhẹ nhàng trả lời: "Bỏ tiền ra mua chữ mà nghỉ học thì tiếc lắm". Câu nói ngắn ngủi nhưng khiến người mẹ lặng đi. Từ khoảnh khắc đó, bà biết rằng mình không cần phải lo lắng cho con nữa – cậu bé năm nào đã thực sự lớn, biết quý trọng hành trình học tập của chính mình.

Với Thanh Lam thì mọi chuyện lại không hề dễ dàng. Từ nhỏ, Lam đã bộc lộ cá tính mạnh mẽ, quyết liệt và đôi chút nổi loạn. Nuôi dạy một cô con gái như thế, không thể dùng quát tháo hay ép buộc. Mọi lời khuyên răn đều phải nhẹ nhàng, mềm mỏng, kiểu "mưa dầm thấm lâu" mới có tác dụng.
Lam nghe hay không, cũng chẳng bao giờ đáp lại ngay cho cha mẹ yên lòng, tất cả đều được cô giữ trong lòng, âm thầm chứng minh bằng hành động. Khi con gái lỡ lầm năm 19 tuổi, NSƯT Thanh Hương không trách con mà an ủi, vỗ về để con thấy rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, gia đình vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.
Cách nuôi dạy của NSƯT Thanh Hương có thể không hào nhoáng, không rầm rộ, nhưng lại rất bền bỉ và đầy hiểu biết. Bà không cố uốn nắn con cái theo một khuôn mẫu nào có sẵn, mà khơi dậy trong con tình yêu và trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Khi con vấp ngã, bà không quở trách mà lặng lẽ đồng hành. Khi con nổi loạn, bà không áp đặt mà kiên trì nhẫn nại chờ con tự hiểu. Đó chính là sự giáo dưỡng sâu sắc của một người mẹ có tầm.