AI đóng giả cựu CEO công nghệ nổi tiếng livestream thu gần 200 tỷ trong 6 tiếng
Đáng chú ý hơn, không ai hay biết phiên live này do AI đứng sau. Hai nhân vật ảo này còn tương tác rất tự nhiên, thậm chí còn uống trà sữa, ăn mì trên sóng.
Theo báo cáo từ iiMedia Research, tổng doanh thu livestream thương mại hằng năm ở Trung Quốc đạt khoảng 1,4 nghìn tỉ NDT, và dự kiến tăng lên 2,1 nghìn tỉ NDT vào năm 2025. Ngành nghề này đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ khi các nền tảng thương mại điện tử, từ Taobao Live đến Douyin, đẩy mạnh tích hợp công nghệ AI nhằm tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí vận hành.
Không chỉ dừng lại ở việc dùng AI để gợi ý sản phẩm hay phân tích hành vi người tiêu dùng, các ông lớn giờ đây còn đầu tư mạnh vào người dẫn chương trình ảo (virtual host) - các hình đại diện AI có khả năng nói chuyện, tương tác và “bán hàng” gần như không khác gì con người thật.

Đây là hai nhân vật AI ảo, mô phỏng Luo Yonghao và trợ lý Zhu Xiaomu trong một buổi livestream bán hàng.
Sự kiện livestream kéo dài 6 tiếng với sự tham gia của hai “phiên bản AI” của Luo Yonghao và trợ lý Zhu Xiaomu trên nền tảng Youxuan của Baidu gần đây là ví dụ điển hình.
Buổi phát sóng thu hút hơn 13 triệu lượt xem, mang về doanh thu kỷ lục 55 triệu NDT (hơn 200 tỷ đồng) - vượt xa cả các phiên livestream do chính Luo Yonghao dẫn trước đây. Đây cũng là lần đầu tiên của cựu CEO công nghệ sử dụng nhân vật ảo AI để thay thế chính mình trong toàn bộ phiên bán hàng. “Tác động của công nghệ này khiến tôi thực sự kinh ngạc… Đến giờ tôi vẫn còn thấy choáng”, Luo viết trên tài khoản Weibo cá nhân với 1,7 triệu người theo dõi.
Luo Yonghao từng là người sáng lập công ty sản xuất điện thoại Smartisan ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sản phẩm bán ra không đạt được doanh số như mong đợi, công ty phá sản, vỡ nợ 600 triệu nhân dân tệ (hơn 2 nghìn tỷ đồng). Doanh nhân sinh năm 1972 sau đó đã nhanh chóng "vực dậy" bằng cách lên mạng livestream bán hàng. Ông trở thành ông vua livestream trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc.

Nhờ sự nổi tiếng (hoặc tai tiếng) của ông trong quá khứ, không ít buổi livestream đã mang lại doanh số bán hàng lên tới hàng triệu USD.
Theo phản hồi từ nhiều cư dân mạng, nhiều người không phân biệt được đây là phiên bản AI của Luo Yonghao. Bởi, nó không chỉ tái hiện được phong cách cá nhân đặc trưng của ông, từ giọng nói đến biểu cảm,... Trong quá trình phát sóng trực tiếp, hai phiên bản AI hoạt động trơn tru như người thật; đồng thời còn có thể tương tác, trả lời bình luận của netizen trên sóng livestream. Nhiều người để lại bình luận: “Giờ khó mà phân biệt thật - giả luôn rồi!”




Theo chia sẻ từ nền tảng thương mại điện tử Baidu với tờ Securities Times, buổi livestream này là cột mốc đột phá trong ngành khi đánh dấu hàng loạt "lần đầu tiên": Một KOL (người dẫn đầu xu hướng) sử dụng avatar kỹ thuật số để livestream và bán hàng trong thời lượng vượt quá 6 tiếng đồng hồ, và hai phiên bản AI (Luo Yonghao và trợ lý Zhu Xiaomu) cùng đồng dẫn một chương trình thương mại trực tiếp, phối hợp linh hoạt và thường xuyên tung hứng như người thật.
Vậy "nó hoạt động như thế nào, tại sao lại giống người thật đến vậy?" đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất lúc này?
Wu Jialu - Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Be Friends Holding, một công ty khác do Luo Yonghao sáng lập chia sẻ với CNBC rằng phiên bản AI livestream bán hàng của Luo Yonghao và người đồng dẫn chương trình được xây dựng bằng mô hình AI tạo sinh (generative AI) của Baidu.
Mô hình này được tích hợp dữ liệu trên dữ liệu video trong suốt 5 năm để tái hiện phong cách nói chuyện, cách đùa giỡn và cả biểu cảm đặc trưng của nhân vật. Bởi thế, nó giống đến mức khó tin. Khác với các phiên bản người kỹ thuật số trước, thế hệ mới này kết hợp khả năng nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ và hành vi, ra quyết định và hành động.
Nhờ nâng cấp các mô hình AI về hình ảnh và giọng nói, hai người máy có thể nói đan xen, ngắt lời hoặc cùng trò chuyện mà vẫn tự nhiên, liền mạch. Nhờ đó, toàn bộ buổi phát sóng trở nên chân thực đến mức khán giả gần như không nhận ra đó là người máy.
Đây được xem là giải pháp giúp các thương hiệu duy trì hoạt động 24/7, tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường livestream đang cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn tại Trung Quốc, bao gồm Tencent, đang chạy đua phát triển công nghệ tạo nhân vật kỹ thuật số để sử dụng trong các chương trình livestream hoặc bản tin tự động. Cuối năm 2023, làn sóng thử nghiệm các buổi livestream ảo bắt đầu nở rộ, đặc biệt trong dịp lễ mua sắm lớn nhất năm - Ngày Độc thân (Singles Day). Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới chuyên môn, các phiên bản AI này vẫn chưa đạt đến trình độ cao cấp như hai mô hình AI tạo sinh từng gây chú ý trước đó trong ngành.

Ngành livestream cực kỳ phát triển ở Trung Quốc.

AI mô phỏng hình ảnh nhà sáng lập Richard Liu đang bán hàng livestream trên JD
Việc mở rộng quy mô ứng dụng AI vào lĩnh vực thương mại trực tuyến hiện không chỉ vướng ở bài toán công nghệ, mà còn đối mặt với hàng loạt rào cản pháp lý và quy định nền tảng.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc đưa nhân vật ảo lên sóng không còn là khả năng xử lý hình ảnh hay ngôn ngữ, mà là tuân thủ quy định quảng cáo và chính sách kiểm soát nội dung. Mỗi nền tảng livestream đều có bộ quy tắc riêng đối với việc sử dụng nhân vật kỹ thuật số làm người dẫn chương trình. Ví dụ, Douyin - nền tảng lớn tại Trung Quốc đã ban hành nhiều hạn chế, đặc biệt với các nhân vật ảo không thể tương tác trực tiếp với khán giả.