7 vật dụng cần ưu tiên làm sạch đầu tiên vì dễ sinh sôi vi khuẩn
Bạn có thể là người yêu thích dọn dẹp nhưng lại bỏ qua những vật dụng dễ sinh sôi vi khuẩn. Cùng tìm hiểu thói quen làm sạch hiệu quả trong bài viết để căn nhà luôn gọn sạch.
Bí mật của sự sạch sẽ nằm ở tần suất chúng ta thực hiện việc duy trì môi trường xung quanh như thế nào. Bằng cách này, chúng ta có thể hình thành những thói quen giúp sắp xếp thời gian và "cho phép" mọi thứ luôn sạch sẽ.
Chúng tôi đã nghiên cứu và gợi ý một danh sách những đồ vật cần được làm sạch thường xuyên vì nếu không, chúng có thể gây nguy hiểm trực tiếp cho sức khỏe của mọi người trong gia đình.
1. Thớt
Thớt luôn là vật dụng được dùng thường xuyên trong mỗi căn bếp. Tuy nhiên, nếu chúng không được làm sạch cẩn thận, chúng có thể khiến sức khỏe của gia đình bạn gặp nguy hiểm vì chúng được sử dụng để chuẩn bị khá nhiều các món ăn.
Hãy sử dụng nhiều loại thớt khác nhau cho mỗi nhóm thực phẩm, thớt cho trái cây và rau, thớt cho các loại thịt sống – chín, thớt cho các loại đồ tanh… Tất cả chúng nên được làm sạch bằng chất tẩy rửa diệt khuẩn và nước nóng sau khi sử dụng. Một điều quan trọng là cần được làm khô để tránh độ ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật sinh sôi.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện quy trình khử trùng kỹ lưỡng để đảm bảo rằng bạn đã thực sự loại bỏ được tất cả vi khuẩn còn bám trên bề mặt. Để làm được điều đó, bạn nên rửa chúng bằng chanh và muối.
Cả hai thành phần này nên được phép tác động ít nhất 5 phút trên thớt. Sau đó, bạn có thể loại bỏ chúng bằng khăn giấy và nhớ rằng, nếu thớt bị nứt thì nên thay mới.
2. Đồ dùng bằng gỗ
Gỗ là một vật liệu rất xốp cho phép nhiều chất được tích tụ, trong đó bao gồm cặn thức ăn và độ ẩm. Chính vì những lý do này, đồ dùng bằng gỗ cần được làm sạch ngay sau khi sử dụng trước khi gỗ hấp thụ thức ăn thừa. Bạn cũng nên lau thật khô chúng trước khi cất, vì như vậy sẽ tránh được việc thực phẩm bị nhiễm khuẩn và vi khuẩn sinh sôi sau này.
3. Bồn cầu và sàn nhà vệ sinh
Bồn cầu và khu vực sàn phía dưới là những vị trí vi khuẩn tích tụ nhiều. Vi khuẩn E.coli có thể được tìm thấy ở sàn cách bồn cầu tới 2 mét. Vì thế, bạn nên bắt tay vào việc vệ sinh hai khu vực này hàng tuần để đảm bảo đây sẽ là nơi an toàn cho sức khỏe của mọi người trong gia đình bạn.
4. Rèm tắm
Nấm mốc là kẻ thù chính mà bạn muốn ngăn chặn khỏi tất cả các phòng của mình. Việc phát hiện một số nấm mốc trong nhà và trong phòng tắm là khá phổ biến vì yếu tố độ ẩm, thông gió kém và thay đổi nhiệt độ.
Vì thế, vệ sinh rèm phòng tắm sau mỗi lần sử dụng là cách để loại bỏ cặn xà phòng, giữ cho khu vực này được thông thoáng nhằm loại bỏ hơi ẩm và hơi nước ngưng tụ, ngăn chặn nấm mốc sinh sôi nảy nở ở những khu vực nhạy cảm này.
Ngoài thói quen dọn dẹp phòng tắm thường xuyên, bạn nên dùng một chút muối nở và xà phòng để giặt rèm. Sau khi giặt, nên phơi khô chúng trước khi lắp vào và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
5. Khăn tắm
Tất cả các loại khăn, đặc biệt là khăn sau khi sử dụng đều chứa rất nhiều vi khuẩn, mồ hôi và da chết dính nhiều trong khăn. Chúng ta nên thay khăn 2 ngày 1 lần và giặt ngay, tốt nhất ở nhiệt độ cao, sử dụng chất tẩy rửa có chứa oxy hoạt tính để thấm vào sợi vải với mục đích loại bỏ hiệu quả vi khuẩn. Lưu ý rằng, bạn không nên giặt chung khăn tắm với quần áo thông thường.
6. Ga trải giường
Ga trải giường hấp thụ mồ hôi và dầu do da tiết ra trong khi ngủ. Không chỉ vậy, chúng còn thu được một số bụi bay xung quanh phòng. Vì thế, đây chính là lý do gàu trên đầu và mụn trứng cá trên da xuất hiện nếu không được thay ga thường xuyên 1 tuần 1 lần. Hãy giặt chúng thường xuyên, đồng thời có thể sấy khô trước khi đưa vào sử dụng để tránh ảnh hưởng tới da và tóc của bạn.
7. Tủ lạnh
Tủ lạnh chứa tất cả các loại thực phẩm trong một hệ sinh thái hạn hẹp. Việc sắp xếp thực phẩm theo loại để tránh nhiễm khuẩn chéo khi cất giữ đồ trong tủ lạnh là vô cùng quan trọng và hơn hết là giữ cho toàn bộ đồ dùng sạch sẽ. Người ta ước tính rằng việc dọn dẹp kỹ lưỡng 4 lần một năm và vệ sinh định kỳ mỗi tuần một lần có thể giúp không gian tủ lạnh luôn được sạch sẽ.