6 thói quen chi tiêu giúp sống tối giản và không mệt ví
Chủ nghĩa tối giản không phải là ngừng tiêu tiền, mà là biết mình đang tiêu vì điều gì. Nếu bạn muốn sống gọn nhẹ mà vẫn đầy đủ, hãy bắt đầu bằng 6 thói quen tài chính giúp chi tiêu tỉnh táo hơn mỗi ngày.
Thỉnh thoảng, có người bạn nhắn tin hỏi tôi: "Bạn không mua cái này, bạn không mua cái kia, vậy tiết kiệm tiền để làm gì? Sống để làm gì?"
Tôi không sống kham khổ. Tôi chỉ không mua những thứ mình không dùng đến. Tôi hiểu từng đồng tiền mình bỏ ra và chi tiêu một cách tỉnh táo – không tiêu vì xu hướng, vì cảm xúc hay vì sợ bỏ lỡ.
Thực hành lối sống tối giản không có nghĩa là đóng băng mọi nhu cầu. Chúng ta vẫn có thể tiêu tiền, nhưng phải tiêu đúng – tiêu đủ – tiêu khôn ngoan. Dưới đây là 6 thói quen chi tiêu tỉnh táo mà tôi luôn tuân thủ. Chúng không chỉ giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn, mà còn sống thoải mái và an nhiên hơn rất nhiều.
1. Hiểu rõ dòng tiền của chính mình

Một ly trà sữa mỗi ngày, một chiếc kẹp tóc “đáng yêu quá nên mua đại”, vài cú bấm “chốt đơn” trong livestream… là những khoản tiêu tưởng như nhỏ, nhưng cộng lại mỗi tháng có thể ngốn hàng triệu đồng.
Bạn có thể nghĩ vài chục nghìn chẳng đáng bao nhiêu so với mức lương 10 triệu hay 20 triệu mỗi tháng. Nhưng nếu bạn tiêu chúng mỗi ngày, thì đó chính là khoản chi đều đặn và âm thầm làm ví bạn mỏng đi.
Hãy tập thói quen theo dõi chi tiêu hằng ngày – có thể ghi vào app, vào sổ, hoặc đơn giản là chụp hóa đơn. Khi bạn biết tiền đi đâu, bạn sẽ biết chỗ nào nên dừng, chỗ nào nên tiếp tục.
2. Nâng cao thẩm mỹ – để tiêu ít mà vẫn đẹp

Thẩm mỹ không chỉ là chuyện gu – nó là một cách tiết kiệm thông minh. Khi thẩm mỹ tốt hơn, bạn sẽ phân biệt được đâu là món đẹp thật – hợp mình thật, và tránh được cám dỗ của những món hàng "hot trend nhưng không hợp".
Tôi từng mua rất nhiều quần áo giá rẻ chỉ vì thấy… đang sale. Nhưng sau đó, hoặc là không mặc lần nào, hoặc mặc một mùa là bỏ. Từ khi biết rõ phong cách của mình và ưu tiên chất lượng hơn số lượng, tôi mua ít hơn nhưng mặc kỹ hơn – và quan trọng là không thấy tiếc tiền nữa.
3. Đôi khi mua đồ đắt lại là tiết kiệm lâu dài
Hồi trước, tôi rất sợ mua đồ “đắt tiền”. Nhưng rồi tôi nhận ra:
- Quần áo rẻ mặc vài lần là nhão
- Máy xay rẻ dùng vài tháng là cháy
- Đồ chơi rẻ vừa xấu vừa độc hại
Sau vài lần “tiền mất tật mang”, tôi hiểu ra một điều: Mua món đắt – nếu nó bền, tiện, và chất lượng – thì là một khoản đầu tư. Dù chi nhiều lúc đầu, nhưng không phải mua lại liên tục hay chịu bực bội khi dùng.
4. Quy đổi tiền sang thời gian lao động
Đây là một mẹo nhỏ mà cực kỳ hiệu quả. Thay vì nghĩ “300 nghìn không đáng bao nhiêu”, tôi thử hỏi ngược lại: Mình phải làm bao nhiêu tiếng để có 300 nghìn đó?
Nếu bạn lương 10 triệu/tháng, làm 22 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, thì 1 giờ làm việc ~57.000 đồng. → Một chiếc váy 400.000 đồng = gần 7 tiếng làm việc. → Một bộ skincare 1,2 triệu = hơn 21 giờ làm.
Biết quy đổi như vậy, bạn sẽ cân nhắc kỹ hơn trước mỗi lần mua.
5. Đừng hài lòng với những thứ “gần đúng”
Nhiều người (trong đó từng có tôi) có thói quen “tặc lưỡi cho qua”:
- Mua đồ ăn không tươi vì rẻ hơn 5 nghìn
- Mua áo mình không thích lắm vì bạn bè khen

- Chọn phương án “đỡ tốn” dù không thực sự phù hợp
- Hậu quả là tiền vẫn mất – mà mình lại chẳng vui.
Cuộc sống không dài đến mức phải thoả hiệp với mọi lựa chọn. Nếu mua, hãy mua món mình thực sự thích và phù hợp – nếu không, đừng mua.
6. Biết lúc nào nên dùng tiền để mua thời gian
Không phải việc gì bạn cũng nên tự làm. Tôi từng tự thông bồn cầu, sửa máy tính, vá tường, giặt thảm… chỉ vì nghĩ “mình làm được, tiết kiệm được tiền”.
Cuối cùng:
- Mất hàng tiếng đồng hồ mày mò
- Mua đủ thứ dụng cụ mà không xài lại
- Việc vẫn không xong, chỉ tổ bực mình
Sau đó, tôi chọn trả tiền cho người chuyên nghiệp. Họ làm nhanh – gọn – sạch. Tôi dùng thời gian đó để nghỉ ngơi, đọc sách, lên kế hoạch chi tiêu.
Dùng tiền mua thời gian cũng là đầu tư thông minh.
Tóm lại:
Chủ nghĩa tối giản không cấm bạn tiêu tiền. Nhưng nó buộc bạn phải tiêu một cách TỈNH TÁO.
- Tiêu cho thứ mình cần và phù hợp
- Tiêu khi đã hiểu giá trị thật sự của món đồ
- Tiêu để sống dễ chịu hơn, chứ không phải để lấp đầy một khoảng trống
Sống tối giản không có nghĩa là sống thiếu thốn. Nó là sống có chọn lọc. Và chọn đúng – chính là cách bạn tiêu ít mà sống nhiều hơn.
Dành cho bạn - người phụ nữ đang lắng nghe chính mình
aFamily mời bạn tham gia một KHẢO SÁT nhỏ như một cách để cùng lắng nghe những suy nghĩ, lựa chọn và hình dung riêng của bạn trong hành trình sống, làm đẹp, tiêu dùng và chăm sóc bản thân sau tuổi 30.
Mỗi chia sẻ đều mang giá trị riêng và sẽ được bảo mật hoàn toàn. Cảm ơn bạn vì đã dành thời gian.