6 quy ước nhất định bạn và chàng phải thống nhất trước khi "chung một nhà"

Newben,
Chia sẻ

"Quốc có quốc pháp, gia có gia quy", trước khi kết hôn, hãy đặt ra những quy ước giữa hai vợ chồng để tránh những mâu thuẫn đáng tiếc nhé.

Kết hôn tức là cả hai đã trở về với đời thực, chấm dứt những chuỗi ngày "dạo bước trên mây", đắm chìm trong không gian được nhuộm hồng đến chói mắt. Cơ mà nói thế không có nghĩa kết hôn là điều gì đó khủng khiếp như tận thế, cũng chẳng phải là "nấm mồ chôn tình yêu" như người ta vẫn thổi vào tai nhau. Mà đó là một tín hiệu báo rằng bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề chỉ xuất hiện khi "hai ta chung một nhà", những vấn đề mà khi yêu nó còn trốn tận đẩu tận đâu, xa tít mù khơi. 

Bởi thế, ngay trước khi đặt bút kí "giấy chung thân", bạn và chàng cần phải bàn bạc một cách nghiêm túc những vấn đề dễ gây mâu thuẫn sau khi kết hôn. Hãy cứ đặt ra quy ước trước đi, chẳng thừa tí nào đâu bạn ạ, đừng để đến khi phát sinh mâu thuẫn rồi thừ người ngồi hát "ước gì...". Muộn! Muộn! Muộn lắm bạn ạ.

Quy uoc 1
Trước khi đặt bút kí "giấy chung thân", bạn và chàng cần phải bàn bạc một cách nghiêm túc những vấn đề dễ gây mâu thuẫn sau khi kết hôn. (Ảnh minh họa: Internet)

Thế quy ước gì giờ nhỉ? Tùy! Tùy vào hoàn cảnh, mối quan hệ của cả hai mà quyết định xem đó là những nguyên tắc nào. Nhưng tựu trung lại, "giang hồ" vẫn thường kháo nhau "gia quy" như thế này:

1. Tài chính 

Bạn đã từng nghe "đồng tiền đi liền khúc ruột" chưa nào? Khi yêu thì "tiền bạc không quan trọng đâu honey à", nhưng khi cưới mọi chuyện sẽ phải rành rành như giấy trắng mực đen, cần thẳng thẳn ngay từ đầu bạn ạ. Ở vấn đề này, cả hai đều có quyền biết rõ thu nhập của đối phương, khi có bất kì thay đổi nào cũng cần có sự thông báo rõ ràng. Từ đó, đưa ra những nguyên tắc tiết kiệm, mua sắm... 

Có cặp tới tháng, chồng sẽ rút hết hầu bao đưa vợ, mỗi tuần vợ lại đưa một khoản chi tiêu cho chồng, số còn lại vợ sẽ quyết định đưa cho gia đình hai bên như thế nào, tiết kiệm bao nhiêu, mua sắm bao nhiêu; cũng có cặp chồng phát tiền hàng tháng cho vợ, cô vợ không cần quan tâm đến số tiền tiết kiệm, chỉ cần cầm khoản đó chi xài cho bản thân, gia đình, thiếu lại bảo chồng đưa thêm; cũng có cặp mỗi tháng trích một số tiền từ tiền lương mỗi người làm quỹ chung, số còn lại tự do chi xài... Nhìn chung, chẳng có công thức nào cho vấn đề này mà đó là sự thỏa thuận không-miễn-cưỡng của cả hai.

2. Yêu thương, tôn trọng bố mẹ/anh chị hai bên

"Yêu và kết hôn một người nghĩa là bạn cũng yêu và kết hôn với gia đình của họ", nghĩa là sao? Tức là bạn sẽ phải yêu thương gia đình của đối phương như chính gia đình của mình, cung phụng bố mẹ đối phương như bố mẹ của mình. Thế nên, cả hai hãy đặt ra nguyên tắc bao lâu về thăm gia đình hai bên, hàng tháng biếu bố mẹ khoản tiền như thế nào, quà cáp biếu Tết ra sao... Và cũng như quy tắc trên: hãy chấp nhận không-miễn-cưỡng.

Quy uoc 2
"Yêu và kết hôn một người nghĩa là bạn cũng yêu và kết hôn với gia đình của họ". (Ảnh minh họa: Internet)

3. Ở chung hay ra riêng

"Cưới xong ở chung với bố mẹ chồng/vợ, khi nào có điều kiện sẽ ra riêng", đó là "điệp khúc" quen thuộc của các cặp vợ chồng khi mới kết hôn. Thế nhưng không ít đôi vợ chồng cứ mãi ở chung với bố mẹ bởi những lí do quen thuộc như bố mẹ chưa tin tưởng hai vợ chồng có thể sống độc lập, kinh tế chưa vững vàng... để rồi vợ chồng cứ mãi lục đục vì chuyện này... Hãy nói chuyện thật nghiêm túc về nơi ở, thời gian ở chung sẽ là bao lâu và đi đến thỏa thuận cuối cùng.

4. Khi nào sinh con & sinh bao nhiêu con

"Cưới xong nên kế hoạch hay sinh con ngay?" không phải là đề tài mới nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt trên các diễn đàn. Nhiều cặp vợ chồng mới cưới cũng vì chuyện này mà lục đục, tranh cãi mãi không thôi. Thế tại sao cả hai không nói rõ ràng với nhau về vấn đề này trước khi cưới nhỉ? Hãy bàn bạc kĩ rằng khi nào sẽ sinh, sinh bao nhiêu... đừng để niềm vui có con lại trở thành điều bất đồng khi đối phương vẫn chưa thực sự sẵn sàng.

5. Không "mày, tao", không vũ phu

Quy uoc 3
Chẳng ông chồng, bà vợ nào chấp nhận được việc bị người đầu gối tay ấp đối xử với mình theo kiểu đầy bạo lực. (Ảnh minh họa: Internet)

Là vợ chồng thì chắc chắn chẳng tránh khỏi tranh cãi, mâu thuẫn. Thế bạn đã bao giờ tự hỏi nếu xảy ra giận hờn, tranh cãi, bạn sẽ làm gì chưa? Cả hai hãy ngồi xuống và đặt ra tình huống chẳng ai mong muốn nhưng chắc chắn sẽ xảy ra này, và từ đó gút lại những quy ước thích hợp nhất. Nhưng có một điều thế này, dù có "điên tiết", giận đến mức nào đi nữa, thì đừng bao giờ xưng "mày, tao", tùy tiện nói chia tay và đặc biệt, dùng nắm đấm, cái tát tay mà giải quyết vấn đề. Chẳng ông chồng, bà vợ nào chấp nhận được việc bị người đầu gối tay ấp đối xử với mình theo kiểu đầy bạo lực như thế cả. 

6. Không sex khi đối phương không muốn

Vấn đề này khá nhạy cảm nhỉ? Nhưng dù nhạy cảm cũng phải nói bởi biết bao nhiêu bà vợ đã phải "than trời trách đất" trên các diễn đàn khi bị bạn đời lao vào đòi hỏi như một con thú hoang.

Quy uoc 3
Đừng lao vào bạn đời rồi đòi hỏi như một con thú hoang. (Ảnh minh họa: Internet)

Phải thừa nhận rằng, tình dục là chất keo đặc biệt giúp đời sống vợ chồng thêm phần thăng hoa. Thế nên đừng biến những phút giây thăng hoa ấy thành thảm họa bởi những đòi hỏi không phải lúc. Cả hai đến với nhau bằng một tình yêu đầy sự tự nguyện, không ép buộc thì hãy để tình dục cũng sẽ diễn ra trong sự tự nguyện ấy. Khi đó, những phút giây quyện vào nhau này mới thực sự là thăng hoa, đầy cảm xúc. 
Chia sẻ