3 sự trùng hợp kỳ bí nhất lịch sử Trung Quốc: Đều liên quan đến thay đổi triều đại, Tần Thủy Hoàng và Hốt Tất Liệt 'bị điểm danh'
3 sự trùng hợp bắt đầu từ giai đoạn của Tần Thủy Hoàng - Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.
Trung Quốc trải qua hàng nghìn năm lịch sử, khai sinh ra Hoa Hạ là một trong những nền văn minh cổ đại của thế giới. Trong suốt thời gian này, có không ít triều đại được thành lập rồi lại diệt vong, kèm theo đó là những sự kiện chấn động và trùng hợp đến khó tin.
1. Thống nhất thiên hạ, đời thứ hai diệt vong
Kể từ khi thống nhất 6 nước chư hầu và thành lập nên nhà Tần, Tần Thủy Hoàng đã mở ra lịch sử kéo dài của các triều đại phong kiến ở Trung Quốc trong hơn 2.000 năm.
Như chúng ta đã biết, nhà Tần (221 TCN - 206 TCN) là triều đại thống nhất được thành lập sau khi kết thúc thời kỳ hỗn loạn của thời Chiến Quốc, sau đó Tần Thủy Hoàng đã có nhiều đổi mới trong chế độ thống trị. Lịch sử nhà Tần cực kỳ ngắn ngủi, chỉ kéo dài 15 năm, đến đời thứ hai của Hồ Hợi (con trai thứ hai của Tần Thủy Hoàng Doanh Chính) thì sụp đổ.
Trung Quốc đã trải qua nhiều lần thay đổi triều đại. Nếu nhìn lại dòng chảy lịch sử một cách kỹ càng hơn, bạn sẽ nhận ra còn có một triều đại khác rất giống với nhà Tần. Đó chính là nhà Tùy (581–619).
Nhà Tùy được thành lập sau hàng trăm năm chiến tranh thường xuyên, chấm dứt thời kỳ Nam Bắc triều. Sau đó, nhà Tùy cũng thực hiện những công việc tương tự nhà Tần, như thống nhất đơn vị đo lường, tiếp tục tu sửa và xây dựng Vạn Lý Trường Thành, thiết lập chế độ khoa cử. Đáng chú ý nhất là công trình có thể được so sánh với Vạn Lý Trường Thành: Kinh Hàng Đại Vận Hà (kênh đào chảy qua Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô và Chiết Giang).
Tiếp theo, nguyên nhân và quá trình diệt vong của hai triều đại này cũng rất giống nhau. Nhà Tần sụp đổ ở đời Hoàng đế thứ hai và đã trải qua cuộc khởi nghĩa nông dân lớn. Nhà Tùy cũng chính thức khép lại ở thế hệ thứ hai và một cuộc khởi nghĩa nông dân cũng đã nổ ra.
Nhà Hán (sau nhà Tần) và nhà Đường (sau nhà Tùy), được xem là những triều đại phong kiến thịnh vượng nhất lịch sử Trung Quốc.
2. Lưu Bang giết rắn, Vương Mãng soán ngôi
Con đường trở thành Hoàng đế nhà Hán của Lưu Bang đi kèm với nhiều truyền thuyết, trong số đó là điển cố "Lưu Bang trảm bạch xà khởi nghĩa thống nhất thiên hạ".
Tương truyền vào đêm nọ, một con bạch xà chặn đường, lúc đó Lưu Bang mới uống chút rượu, trong lúc ngà ngà say đã giơ kiếm chém con bạch xà chắn đường làm đôi. Sau đó, một người dân đi qua, nhìn thấy bà lão đang khóc ở nơi bạch xà chết. Người kia hỏi sự tình, bà lão nói rằng bạch xà là con trai của Bạch Đế, nhưng đã bị chặt đầu bởi Xích Đế.
Theo lời bà lão, Lưu Bang chính là Xích Đế. Sức ảnh hưởng của Lưu Bang kể từ đó cũng trở nên mạnh mẽ hơn đối với dân chúng. Sau này đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán, mọi chuyện dường như là chuyện đã được thiên ý sắp đặt.
Nhà Hán do Lưu Bang thành lập thượng tôn màu đỏ, vì ông cho rằng bản thân chính là truyền nhân của Xích Đế.
Vào cuối thời Tây Hán, Vương Mãng giành được quyền lực trong triều, buộc Hoàng đế cuối cùng của nhà Tây Hán, Nhũ Tử Anh, phải nhường ngôi. Vương Mãng thành lập nên nhà Tân, làm gián đoạn giai đoạn nhà Hán. Điều thú vị là "Mãng" /莽/ trong tên của Vương Mãng thường được coi là mãng xà (con trăn). Tây Hán (hay Tiền Hán) được thành lập bởi Lưu Bang, người đã “trảm bạch xà khởi nghĩa thống nhất thiên hạ”, cuối cùng đã bị Vương Mãng soán ngôi.
Nếu xem Vương Mãng là bạch xà tái sinh, thì hậu nhân của Lưu Bang sau này lại giết Vương Mãng để phục hưng nhà Hán, đó chính là thời Đông Hán (hay Hậu Hán) sau này.
Có thể thấy, Lưu Bang giết rắn thành lập nên nhà Hán, sau đó hậu nhân họ Lưu lại giết “rắn” để phục hưng nhà Hán. Đây chính là sự trùng hợp đến khó tin.
3. Hoàng đế 7 tuổi và sự ra đời của Tống-Nguyên
Lần trùng hợp cuối cùng xảy ra vào thời Bắc Tống. Khi đó, Hoàng đế khai quốc của Bắc Tống, Triệu Khuông Dận, chỉ là một vị tướng của triều đại Hậu Chu. Mặc dù là thống soái của cấm quân nhưng thân phận này cũng khó có khả năng ngồi lên ngôi Hoàng đế. Mãi sau khi Trần Kiều binh biến xảy ra (cuộc đảo chính do Triệu Khuông Dận cầm đầu), ông mới có cơ hội khoác long bào lên người, thành lập vương triều Bắc Tống hiển hách.
Trong quá trình tranh đoạt quyền lực này, Hoàng đế Hậu Chu, tức Hậu Chu Cung đế Sài Tông Huấn còn quá nhỏ, mới 7 tuổi, không có khả năng kiểm soát chính sự, cho dù xuất binh dẹp loạn cũng không phải là chuyện dễ dàng. Nhờ đó Triệu Khuông Dận mới có cơ may thắng lợi.
Nhưng mấy trăm năm sau, khi Hốt Tất Liệt dẫn kỵ binh nam chinh diệt Tống, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Tống, Tống Thiếu đế Triệu Bính cũng chỉ mới 7 tuổi (có tài liệu thể hiện 8 tuổi). Quá trình thay đổi triều đại diễn ra tương tự trường hợp của Triệu Khuông Dận.
Nhà Tống bị diệt vong và nhà Nguyên được thành lập. Tống triều bắt đầu từ "7", diệt vong cũng liên quan đến "7".
Nguồn: Sohu