3 cách để cô gái trẻ giảm 75% chi tiêu mua sắm mỗi tháng
Những cách này giúp Jen Glantz dễ dàng vượt qua thử thách không mua sắm và còn tận hưởng nó, thấy hạnh phúc hơn khi bản thân bỏ được thói quen mua sắm quá đà.
*Bài viết là chia sẻ của Jen Glantz - một cây viết hiện đang sống tại Brooklyn, New York. Cô từng gây ấn tượng khi quyết định bán 90% đồ đạc để sống ở một thành phố mới mỗi tháng và lập blog cá nhân chia sẻ về câu chuyện tài chính của bản thân. Jen Glantz có các bài viết được đăng tải trên 125 ấn phẩm, có thể kể tới như New York Times, Women's Health, Glamour,...
Trước đây, tôi là kiểu người không bao giờ có thể đặt ngân sách cho việc chi tiêu và tuân theo nó. Hàng tháng, tôi chi tiêu quá tay vào những thứ không cần thiết, mua sắm một cách bốc đồng hoặc không dành thời gian để suy nghĩ xem mình có đủ khả năng chi trả hay không. Sau khi nhận ra rằng mình không tiết kiệm đủ để đạt được các mục tiêu trong tương lai, tôi quyết định mình cần bắt đầu cần tiết kiệm nhiều nhất có thể.
Điều thú vị là tôi không muốn thay đổi hoàn toàn lối sống của mình hoặc cắt giảm những thứ thực sự yêu thích. Vì vậy, thay vì từ bỏ tất cả các thói quen chi tiêu, tôi quyết định lên chiến lược về cách tiêu tiền và cách lên kế hoạch để đảm bảo rằng mình vẫn đang tiết kiệm, ngay cả khi vẫn tiếp tục chi tiêu.
Dưới đây là ba cách tôi đã áp dụng để tiết kiệm nhiều hơn mỗi tháng mà không phải cắt giảm những thứ hàng ngày rất yêu thích.
1. Thay đổi cách mua sắm
Gần đây, tôi nhận ra rằng mình đã tiêu tiền một cách bất cẩn khi mua sắm vì mua sắm trực tuyến quá dễ dàng và dễ tiếp cận. Vì tôi là người làm công việc tự do, nên tôi sẽ nghỉ giải lao hàng ngày để dạo qua các cửa hàng yêu thích của mình và mua một hoặc hai món đồ mỗi ngày mà không cần cân nhắc xem ngân sách có đủ cho chi phí này hay không hay liệu tôi có thực sự cần thiết không.
Cùng với những chuyến đi cuối tuần đến trung tâm mua sắm hoặc các cửa hàng yêu thích, tôi thấy rằng mình đã chi đến 950 đô la (gần 24 triệu) cho đồ gia dụng, quần áo và các phụ kiện mỗi tháng. Để cắt giảm ít nhất 75% chi tiêu mua sắm mỗi tháng, tôi đã thực hiện hai thay đổi.
Đầu tiên, tôi giới hạn việc mua sắm trực tuyến của mình chỉ trong một ngày/tuần. Thay vì đi tới các cửa hàng yêu thích, tôi lập danh sách những món đồ nhất định phải mua và mua chúng. Nếu tôi tìm thấy một mặt hàng mong muốn, trước tiên tôi đảm bảo rằng mặt hàng đó phù hợp với ngân sách của mình, sau đó tôi tìm kiếm các phiếu giảm giá. Nếu nó không được giảm giá, tôi không cho phép mình thực hiện giao dịch mua đó.
Tôi cũng làm như vậy đối với mua sắm trực tiếp. Tôi giới hạn các chuyến đi mua sắm của mình chỉ hai lần một tháng, lập danh sách trước khi đi và chỉ mua các mặt hàng khi chúng được giảm giá. Điều này đã giúp tôi cắt giảm các khoản chi tiêu vô ích và cho phép tôi tiết kiệm tiền mà không cắt đứt hoàn toàn việc mua sắm trong cuộc sống của mình.
2. Lên kế hoạch cho các bữa ăn của mình
Một chi phí lớn hàng tháng khác mà tôi phải chi trả là mua sắm thực phẩm và ăn uống tại nhà hàng. Tôi không thích nấu ăn, vì vậy những tuần lười biếng, tôi mua đồ ăn. Chi phí có thể tốn đến 400 đô la (gần 10 triệu) một tháng. Ngoài ra, với việc lạm phát ảnh hưởng đến chi phí thực phẩm tại các cửa hàng tạp hóa, tôi nhận thấy rằng hóa đơn hàng tạp hóa hàng tháng của mình luôn ở mức cao (trung bình khoảng 15 triệu một tháng).
Trong nỗ lực chi tiêu ít hơn ít nhất 50% cho thực phẩm mỗi tháng, tôi đã phải có chiến lược. Tôi dành mỗi Chủ nhật để lên kế hoạch cho bữa ăn trong tuần tới, xác định bữa ăn nào tôi sẽ nấu và bữa ăn nào tôi sẽ mua mang đi.
Khi đi mua hàng tạp hóa, tôi dành thời gian tìm kiếm các phiếu giảm giá trước khi đến cửa hàng, chia nhỏ hàng tạp hóa với hàng xóm, mua một số thứ với số lượng lớn và dự trữ rau và trái cây đông lạnh, vì những mặt hàng đó để được lâu hơn so với đồ tươi. Khi muốn mua đồ ăn mang đi, tôi tìm kiếm các phiếu giảm giá trên các ứng dụng khác nhau, đặt khẩu phần ăn lớn và giới hạn việc mua đồ ăn bên ngoài.
Vào cuối mỗi tháng, Jen Glantz dành 30 phút để nghiên cứu các sự kiện miễn phí. Sau đó, lấp đầy lịch của mình bằng nhiều sự kiện miễn phí và thú vị nhất có thể.
3. Tìm thấy những cơ hội miễn phí để làm những điều thú vị
Tôi thích dành những ngày cuối tuần của mình để phiêu lưu, thử những điều mới và nếm những món ăn ngon. Khi tôi nhìn vào số tiền đã chi hàng tháng để chiêu đãi bản thân một ngày thứ bảy tại spa, xem phim hoặc một buổi hòa nhạc, tôi nhận ra rằng có nhiều cách để tận hưởng niềm vui mà không phải chi quá nhiều tiền mỗi tháng.
Vào cuối mỗi tháng, tôi dành 30 phút để nghiên cứu các sự kiện miễn phí, nếm thử đồ ăn tại các nhà hàng mới (những người muốn mọi người phản hồi trước khi họ mở cửa) và các hoạt động pop-up. Sau đó, tôi lấp đầy lịch của mình bằng nhiều sự kiện miễn phí và thú vị nhất có thể.
Tháng trước, tôi đã đi xem một bộ phim miễn phí trong công viên, một chương trình hài kịch và nếm thử miễn phí đồ ăn trên một chiếc xe tải bán đồ ăn trong khu phố. Tôi đã chi tới 650 đô la (16 triệu) một tháng cho các hoạt động giải trí và giờ tôi đang cố gắng tiết kiệm ít nhất 50% bằng những hoạt động miễn phí.
Nguồn: Theo businessinsider