2 quả thận “kêu cứu” vì nhiều người có 8 thói quen này
Có những thói quen trong cuộc sống hằng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến cho thận bị tổn thương.
Thận làm việc liên tục trong ngày để thực hiện những chức năng quan trọng như loại bỏ các chất thải của quá trình trao đổi chất, acid và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Đồng thời, thận còn duy trì sự cân bằng của nước, muối và khoáng chất trong máu. Nếu chức năng của thận bị suy giảm, bạn có thể phải lọc máu nhân tạo để loại bỏ độc tố, chất thải ra khỏi cơ thể.
Ở những bệnh nhân tiểu đường hoặc tăng huyết áp mạn tính, sức khỏe của thận phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đường huyết và huyết áp. Nếu không kiểm soát tốt 2 tình trạng này, chức năng thận sẽ bị suy giảm theo thời gian và cuối cùng có thể dẫn tới suy thận.
Một lối sống không lành mạnh làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về thận. Dưới đây là những thói quen có thể vô tình làm tổn thương thận và gây ra các bệnh về thận.
1. Ăn quá nhiều protein
Protein từ động vật có thể khiến cho lượng acid trong máu tăng cao gây ra toan chuyển hóa - một tình trạng khi thận không thể loại bỏ được acid, từ đó dẫn tới các tác động bất lợi lên các cơ quan trong cơ thể.
2. Ăn quá nhiều muối
Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng tới chức năng của thận. Một nghiên cứu của Bệnh viện San Giovanni Bosco (Italy) phát hiện ra rằng ăn quá nhiều muối ảnh hưởng trực tiếp đến thận, gây phì đại và xơ hóa các mô thận. Ăn quá nhiều muối cũng có thể dẫn đến sỏi thận.
3. Lạm dụng thuốc giảm đau
Nhiều người thường có thói quen sử dụng thuốc giảm đau để giải quyết các cơn đau đầu. Tuy nhiên, nếu dùng quá thường xuyên hoặc lạm dụng loại thuốc này có thể gây nguy hiểm cho thận. Mặc dù có thể làm dịu cơn đau, thuốc giảm đau có liên quan tới nguy cơ ung thư thận.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Archives of Internal Medicine, việc sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài làm tăng 50% nguy cơ ung thư thận.
4. Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn thực sự có thể gây hại cho thận bởi loại thức ăn này có chứa rất nhiều muối, phốt pho - những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể dẫn tới các tổn thương lâu dài cho thận và cũng gây ra bệnh tiểu đường.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, do cơ thể không sản xuất đủ insulin nên đường từ thực phẩm chế biến sẵn sẽ tích tụ trong máu và dẫn đến bệnh thận do tiểu đường.
5. Ngủ không đủ
Chức năng thận được điều chỉnh bởi chu kỳ thức - ngủ của cơ thể. Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston (Mỹ) đã xem xét thói quen ngủ của những phụ nữ tham gia nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người ngủ quá ít sẽ bị suy giảm chức năng thận nhanh hơn.
6. Uống quá nhiều đồ uống có cồn
Các nghiên cứu cho thấy uống hơn 4 ly đồ uống có cồn mỗi ngày có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Theo đó, các chuyên gia cho rằng đồ uống có cồn làm thay đổi chức năng của thận, gây cản trở khả năng lọc máu.
Đồ uống có cồn cũng ảnh hưởng tới huyết áp, từ đó làm gián đoạn chức năng thận.
7. Ăn quá nhiều đường
Tiến sĩ Shri Ram Kabra, Giám đốc Khoa Thận và Ghép thận, Bệnh viện Marengo QRG Faridabad (Ấn Độ), cho biết ăn quá nhiều đường có thể gây béo phì, làm tăng nguy cơ cao huyết áp và tiểu đường, từ đó dẫn đến bệnh thận.
8. Uống không đủ nước
Tiến sĩ Shri Ram Kabra cũng cho biết uống ít nước có thể gây hại cho thận. Việc uống đủ nước không chỉ duy trì lưu thông máu trong thận mà còn giúp bài tiết chất thải trao đổi chất và ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
(Nguồn: Healthshots, Hindustan Times)