10 ngày địa ngục trong bệnh viện tâm thần của nữ nhà báo: Bệnh nhân bị đối xử tàn bạo, người tỉnh táo sớm muộn cũng hóa điên
Cuộc sống bên trong bệnh viện tâm thần nổi tiếng kia hoàn toàn vượt xa những gì Elizabeth có thể tưởng tượng.
Elizabeth Cochran Seaman sinh ngày 5/5/1864, nhưng thường được người ta biết đến với cái tên Nellie Bly. Cô lớn lên ở Pennsylvania, Mỹ, có chí lớn từ thuở thiếu thời, muốn được lao động và gây dựng sự nghiệp. Bố của Elizabeth qua đời khi cô còn rất nhỏ và sau này khi lớn lên, cô đỡ đần mẹ công việc gia đình và cả việc chăm sóc 14 đứa em. Elizabeth không thích suy nghĩ phụ nữ chỉ nên ở nhà làm việc nên cô quyết định làm một việc táo bạo.
Sau khi đọc được 1 bài báo có tên là "What Girls Are Good For" (tạm dịch: Phụ nữ là tốt cho việc gì?), Elizabeth đã rất buồn trước khi cô viết một lá thư gửi cho tác giả bài viết. Người đó chính là George Madden. Ông đã rất ấn tượng với lá thư của Elizabeth nên đã đề nghị cô viết một bài viết để đăng báo.
Bài viết ấy đã giúp Elizabeth có được một công việc chính thức là làm phóng viên tại tòa soạn báo Pittsburgh. Bút danh khi viết báo của cô là Nellie Bly. Sau đó, Elizabeth cho ra đời những bài viết về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và quyền phụ nữ, chủ đề không mấy phổ biến bởi khi ấy, hầu hết các bài báo dành cho phụ nữ đều xoay quanh thời trang, xã hội và các mẹo làm vườn.
Elizabeth thường viết những bài báo mang tính chất xã hội, do chính cô tự đột nhập vào nơi phụ nữ làm việc để lột tả những khó khăn mà họ phải trải qua khi làm việc tại đây. Sau một thời gian, chủ biên đã chuyển Elizabeth sang công tác tại một trang báo phụ nữ, thế nhưng, lúc này, cô quyết định rời tòa soạn Pittsburgh và đến New York, Mỹ, để có nhiều cơ hội hơn.
Cuộc sống ở một thành phố lớn khá khó khăn đối với Elizabeth khi sau 4 tháng trôi qua mà cô vẫn chưa tìm được việc làm. May mắn là cuối cùng, cô gái trẻ cũng được nhận vào làm ở tòa soạn báo New York World. Một trong những bài báo đầu tiên mà Elizabeth được sếp yêu cầu làm là phanh phui sự thật của một bệnh viện tâm thần nổi tiếng.
Hầu hết tất cả những người từng được đưa đến bệnh viện tâm thần Women’s Lunatic Asylum ở đảo Blackwell đều không trở ra nên thật khó để biết được cuộc sống bên trong như thế nào. Có không ít tin đồn về việc nhân viên của bệnh viện bạo hành bệnh nhân nhưng người bên ngoài không ai dám đến để xác thực.
Với lời hứa sau 10 ngày sẽ được ứng cứu, Elizabeth bắt đầu bước vào một trong những thời gian đen tối nhất cuộc đời mình dưới cái tên Nellie Brown. Cô giả vờ mình đến từ Cuba và bị lạc mất xe. Cảnh sát được gọi đến để giải quyết và tòa án sau đó đã quyết định đưa cô đến đảo Blackwell, ở đó có tổ hợp nhà dành cho người nghèo, bệnh viện chữa bệnh đậu mùa, nhà tù và nhà thương điên.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần rằng cuộc sống bên trong bệnh viện rất kinh khủng nhưng Elizabeth chưa từng nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn cô tưởng rất nhiều.
Bệnh viện này có số lượng bệnh nhân gấp đôi số phòng mà họ có. Các bữa ăn thường bao gồm bánh mì khô chưa nấu chín, thịt hư, lấy nước làm canh và nước uống thì không vệ sinh. Không gian thì đầy rẫy chuột.
Elizabeth giả vờ bị tâm thần nhưng cô mô tả điều kiện sống ở bệnh viện tồi tệ đến nỗi có thể khiến một người tỉnh táo trở nên điên loạn. Tại đây, Elizabeth gặp được một vài người phụ nữ không hẳn là mắc bệnh tâm thần, họ chỉ đơn giản là quá nghèo hoặc là người di cư và không thể nói được tiếng Anh.
Bệnh nhân liên tục bị bạo hành, đánh đập, trói tay chân và bị cho tắm bằng nước đá. Bản thân Elizabeth cũng rơi vào tình huống này khi chỉ vài ngày sau khi nhập viện, cô đã phải tắm bằng đá lạnh với nước bẩn, sử dụng chiếc khăn tắm cùng với 45 bệnh nhân khác. Bất chấp cái lạnh của thời tiết, các bệnh nhân chỉ được mặc quần lót mỏng và chiếc váy len, khiến họ run cầm cập.
Cuộc sống của các bệnh nhân trong bệnh viện tâm thần ở Mỹ và Đức ở 2 thế kỷ trước.
"Thử bắt một người phụ nữ khỏe mạnh ngồi yên từ 6h sáng đến 8h tối mà không cho cô ta nói chuyện hay di chuyển tới lui, cho cô ấy ăn thức ăn bẩn thỉu và bị đối xử khắc nghiệt xem bao lâu thì người đó mất trí. Chỉ cần 2 tháng thôi cũng đủ để tàn phá về mặt thể chất lẫn tinh thần của cô ấy" - Elizabeth viết trong cuốn sách của mình.
Từng có những người cố gắng muốn trốn đi bằng cách nói với người thân của họ về cuộc sống địa ngục trong bệnh viện nhưng các bác sĩ lại không tin lời bệnh nhân và nói rằng họ bị điên. Những người dám hé môi về chuyện này kết cục đều bị trừng phạt và người không hoàn toàn bị bệnh thì không nhận được chăm sóc mà họ cần.
Như đã hứa, 10 ngày sau, một luật sư đã đến bệnh viện giúp đưa Elizabeth ra ngoài. Thời gian sau đó, cô đã cho ra đời cuốn sách mang tên Ten Days in a Mad-House (tạm dịch: 10 ngày ở nhà thương điên) nói về những trải nghiệm của cô ở bệnh viện tâm thần gây chấn động dư luận. Chính phủ nhận biết được chuyện này cũng đã can thiệp, làm theo những đề xuất của Elizabeth. Nhờ vậy mà tình hình của bệnh nhân được cải thiện một cách ngoạn mục.
Elizabeth trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ. Cô tiếp tục cho ra đời những bài viết quan trọng thuộc chủ đề nghèo khó, chính trị, những vấn đề mà phụ nữ trước đây không hề được lên tiếng hay đóng góp để làm thay đổi xã hội. Elizabeth đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít những người phụ nữ dám đứng lên chứng tỏ bản thân mình trước khi qua đời vào năm 1922 vì bị đột quỵ. 2 năm trước khi qua đời, Elizabeth đã có thể nhìn thấy sự thay đổi quan trọng khi phụ nữ cuối cùng cũng được trao cho quyền được bầu cử.
(Nguồn: Newsner)