Xử lý sao khi học sinh 'trả treo'?

MỸ DUNG ghi,
Chia sẻ

Sau sự việc nữ sinh lớp 12 tại Khánh Hòa 'trả treo' với thầy giáo ngay trên lớp, Tuổi Trẻ đã trao đổi với các chuyên gia, nhà giáo dục về giải pháp cho tình huống sư phạm khó khăn nhưng thường gặp này.

Xử lý sao khi học sinh trả treo? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thị Xuân Yến (giảng viên chính Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Người thầy cần bình tĩnh xem lại mình

Việc một học sinh đứng dậy "bật ngay" thầy cô giáo trên lớp không phải là tình huống hiếm gặp trong các nhà trường phổ thông hiện nay. Vì thế, giáo viên cần nhanh chóng xử lý tình huống sư phạm này một cách chủ động, linh hoạt.

Phân tích lại clip nữ sinh của Khánh Hòa thì thấy bối cảnh dẫn đến việc nữ sinh này văng tục với giáo viên là do những hành động bột phát của chính em này sau khi thầy giáo "nhéo tai". 

Mặc dù học sinh này có những lời lẽ không hay với chính giáo viên đó từ năm ngoái nhưng sự việc như đốm lửa, cứ dai dẳng giữa hai thầy trò. Đó là nguồn cơn dẫn đến những phút mất kiểm soát của hai bên.

Trong bối cảnh học sinh đôi co với giáo viên, tốt nhất là giáo viên nên giữ bình tĩnh. Nếu giáo viên cảm thấy không thể kiềm chế được cơn nóng giận thì có thể đi ra ngoài để trấn tĩnh lại. Đặc biệt, giáo viên tuyệt đối không đôi co với học sinh. Vì điều này sẽ khiến học sinh có thể tiếp tục có hành vi không đúng trong lúc không kiểm soát được bản thân.

Khi giữ được bình tĩnh, giáo viên đã coi như bước đầu làm chủ tình huống. Lúc này, người thầy có thể xem lại mình đã làm gì để dẫn đến việc học sinh có những hành vi như vậy rồi lựa lời khuyên nhủ học sinh, giúp học sinh kiểm soát được hành vi của mình. 

Và điều quan trọng hơn hết là giáo viên phải đủ bao dung và yêu thương học sinh, coi những hành vi của học sinh chỉ là hành động bột phát và sẽ uốn nắn được, sửa chữa được.

TS Nguyễn Kim Dung (viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt):

Cần trấn an, tôn trọng học sinh

Qua sự việc này, chúng ta thấy rằng thầy giáo trong clip đã không đủ bản lĩnh để quản lý lớp, không làm chủ được tình huống sư phạm, mắc sai lầm là đôi co với học sinh.

Theo tôi, lúc học sinh đang có lời qua tiếng lại với giáo viên, thầy cô càng phải giữ bình tĩnh để lắng nghe, tuyệt đối tránh sự nóng giận. 

Lúc này, giáo viên có thể yêu cầu học sinh: "Bây giờ em ngồi xuống, em bình tĩnh lại, chuyện gì cũng có thể giải quyết. Chúng ta đang trong giờ học, nên em cứ học bài đã, sau đó thầy trò mình sẽ nói chuyện vào thời điểm khác"...

Tôi cho rằng ngay vào lúc học sinh mất kiểm soát lời nói, hành vi của mình thì giáo viên cần phải có hành động cho thấy em được trấn an, được tôn trọng. Ví dụ, giáo viên có thể dùng lời nói nhẹ nhàng để cho em ngồi xuống, giúp em có thể kiểm soát cảm xúc tiêu cực trong bản thân. Sau đó, giáo viên cũng nên tạm thời chấm dứt sự việc tại đó.

Không nên đưa sự việc ra giải quyết trước tập thể lớp nếu sự việc đó chỉ liên quan đến hành vi, lời nói của cá nhân em đó với thầy cô giáo. 

Giáo viên phải hiểu nguyên tắc: việc mang tính cá nhân thì phải giải quyết một cách cá nhân. Vì giải quyết trước cả lớp sẽ khiến cho học sinh đó có cảm giác bị soi mói, bị bình phẩm và cũng tốn thời gian của các học sinh khác, rất không hay cho cá nhân học sinh và cả tập thể lớp.

Sau khi tạm thời chấm dứt tình hình xung đột trên lớp, để có thể ngăn chặn và giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại trong cá nhân học sinh đó cũng như hàn gắn tình cảm thầy trò, giáo viên nên có một buổi nói chuyện riêng với học sinh, cho học sinh cơ hội giãi bày và nói hết những khúc mắc trong lòng. 

Thông qua buổi đó, giáo viên cũng cần nhẹ nhàng đưa ra những nội quy, quy định trong trường học và lớp học, phân tích những được mất khi chính các em nổi nóng, giải thích thấu đáo về những việc các em không nên làm. 

Mặt khác, giáo viên cũng tỏ rõ thiện ý của bản thân với học sinh để các em biết thầy cô luôn có sự bao dung, che chở cho học sinh nếu các em có ý định sửa chữa. Hay nhất là để học sinh có thể nhận ra bản thân đã sai ở đâu và cần phải làm gì để có thể sửa sai.

TS Dương Minh Thành (trưởng khoa giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Cần môi trường giáo dục tích cực, tôn trọng

Khi học sinh văng tục với mình, ứng xử sư phạm mà tôi cho là phù hợp nhất là thầy giáo cần giữ bình tĩnh. Sau đó cho học sinh trong lớp ổn định chỗ ngồi, tạm dừng tiết dạy, giữ im lặng để học sinh giảm kích động và lấy lại bình tĩnh (và bản thân giáo viên cần sự yên lặng để tập trung lấy lại sự bình tĩnh và suy nghĩ cách xử lý). Cuối cùng là thầy giáo mời học sinh ra ngoài trao đổi riêng.

Trong cuộc trao đổi này, tôi cho rằng giáo viên nên là người xin lỗi học sinh theo hướng đã khiến em suy nghĩ về mình như vậy dẫn đến hành động văng tục trước lớp. Khi cả thầy và trò đều sai, nếu người mở lời xin lỗi là giáo viên thì học sinh sẽ có suy nghĩ khác về người thầy.

Tôi cho rằng trong bất cứ tình huống sư phạm nào thì sự bình tĩnh, ôn hòa của thầy cô giáo luôn là một cách hữu hiệu trong xử lý nhiều tình huống xung đột. Mặt khác, giáo viên cần tạo ra môi trường giáo dục tích cực, tôn trọng lẫn nhau (giữa giáo viên và học sinh, giữa các học sinh với nhau). 

Nếu có kỷ luật thì hãy chọn những biện pháp kỷ luật tích cực; tránh những biện pháp, lời nói, hành vi tạo ra sự căng thẳng hoặc sinh ra suy nghĩ, tình cảm tiêu cực sẽ dễ đưa đến những tình huống đáng tiếc.

Mong muốn thầy cô cười nhiều hơn

Một khảo sát của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho kết quả bất ngờ: có tới 92,8% học sinh mong muốn thầy cô sẽ cười nhiều hơn, 84% học sinh mong muốn thầy cô nhẹ nhàng hướng dẫn khi các em làm gì sai, 82,4% mong muốn thầy cô đừng phê bình trước mặt bạn bè hay nhiều người.

Như vậy, tâm lý học sinh nói chung là không muốn giáo viên có sự uốn nắn, dạy dỗ trước mặt bạn bè... Vì thế, trong tình huống học sinh đôi co với giáo viên, giáo viên cũng nên nắm chắc tâm lý này để chủ động dập tắt những phút bột phát nóng giận của học sinh.

Chia sẻ