Xét nghiệm máu: những điều nên biết

,
Chia sẻ

Chuyên khoa nào của ngành y cũng đều “dựa lưng” phần lớn vào kết quả xét nghiệm. May mắn cho người bệnh là kỹ thuật của khoa xét nghiệm sinh hóa và huyết học nay đã tiến bộ vượt bậc.

Dù vậy kết quả xét nghiệm có thật sự tiếp tay thầy thuốc và phục vụ bệnh nhân hay không vẫn tùy thuộc một yếu tố nằm ngoài chiếc máy. Đó là kiến thức và kinh nghiệm của con người.

Đọc kết quả xét nghiệm máu ở Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Nhịn ăn khác xa không lót lòng

Người dân xứ mình thường coi trọng tập quán. Hay cũng có, nhưng đôi lúc thiếu uyển chuyển. Ở nhiều nơi bệnh nhân vẫn nhận được câu hò “nhịn đói xét nghiệm”. Cũng được thôi nếu đừng phải ngồi chờ quá lâu, vì mấy ai vui cho nổi khi đói meo mấy tiếng đồng hồ! Đáng tiếc hơn nữa là với phương tiện kỹ thuật sinh hóa hiện nay, chỉ còn một số xét nghiệm như thử mỡ trong máu, đường huyết... mới cần nhịn đói.

Ngược lại, với xét nghiệm như công thức máu, nội tiết tố... thì người bệnh cứ ăn uống như thường. Mặt khác, nếu cần nhịn đói để xét nghiệm cho đúng thì người bệnh phải ngưng ăn từ tối hôm trước. Gọi là nhịn đói xét nghiệm mà cử khuya còn lót dạ tô cháo lòng thì đừng lấy làm lạ nếu sao thấy khỏe re mà thầy thuốc thấy... bệnh!

Bụng đói không có nghĩa nhịn uống

Nhiều bệnh nhân lặn lội từ xa lên thành phố để xét nghiệm máu không dám uống nước vì tưởng nhịn đói nghĩa là cũng nhịn uống. Không kể đến chuyện bệnh nhân vì thế mệt lả trong lúc chờ đợi, đa số kết quả xét nghiệm rất dễ sai lệch nếu bệnh nhân thiếu nước. Người đến xét nghiệm vì thế nên yên tâm uống nước cho đủ, thậm chí thừa càng tốt.

Thêm vào đó, cũng đừng quên uống các loại thuốc cần uống như thuốc hạ áp, trợ tim. Ngay cả trong trường hợp tiểu đường, nếu đường huyết chưa ổn định, thầy thuốc có thể cho xét nghiệm loại đặc hiệu, như HbA1C để người bệnh vẫn uống thuốc như thường.

Không ít người tăng huyết áp đến độ nguy hiểm chẳng qua vì sợ uống thuốc rồi trật kết quả xét nghiệm. Trật đâu chưa thấy chỉ thấy phòng cấp cứu!

Toi công tốn của vì thuốc

Cũng đáng tiếc cho người bệnh là nhiều khi tốn tiền để có kết quả đầy đủ nhưng không khác nào ném tiền qua cửa sổ vì... thầy thuốc quên dặn cách uống thuốc, cũng như cách tránh một số thuốc nào đó có ảnh hưởng trên kết quả xét nghiệm. Chẳng hạn, muốn tầm soát bệnh tiểu đường mà bệnh nhân trước đó cả tuần vẫn dùng thuốc có corticosteroid.

Hết hồn vì mực đỏ mực xanh

Không thiếu bệnh nhân “xanh mặt” khi kết quả xét nghiệm được in đậm hay gạch dưới vài nơi. Trên thực tế, vì nhiều phòng xét nghiệm áp dụng chương trình vi tính để tự động ghi nhận kết quả ngoài định mức bình thường, nên máy tự động in đậm một cách “ngớ ngẩn” dù kết quả xét nghiệm chỉ cao hay thấp có... 1mg! Cách tốt nhất cho người bệnh sau khi xét nghiệm là nhận được kết quả diễn giải trực tiếp từ thầy thuốc.

Xét mà không nghiệm cũng bằng không

Nếu “tận tín thư bất như vô thư” (quá tin vào sách thà không có sách còn hơn) thì công việc chẩn đoán của thầy thuốc hẳn không chỉ hoàn toàn dựa vào kết quả xét nghiệm, vì rất nhiều yếu tố nằm ngoài tầm tay của thầy thuốc có thể gây sai lệch kết quả. Chẳng hạn từ thao tác rút máu quá nhanh bước qua thời gian vận chuyển cho đến nhiệt độ trong phòng xét nghiệm cũng như hạn sử dụng của hóa chất...

Thầy thuốc vì thế cần phải đối chiếu kết quả với hình ảnh bệnh lý cá biệt của mỗi người bệnh, vì không thiếu trường hợp kết quả xét nghiệm không phù hợp hay thậm chí trái ngược với triệu chứng lâm sàng. Khi đó, bên cạnh việc xét nghiệm lần nữa cho chắc, đánh giá của thầy thuốc cũng từa tựa chuyện xử phạt của trọng tài, nghĩa là có ý nghĩa quyết định. Nói cách khác, thầy thuốc sau khi cho xét phải nghiệm cho đúng.
 
 
Theo Tuổi trẻ
Chia sẻ