Vì sao thời gian lại dường như trôi nhanh hơn khi bạn già đi?
Chớp mắt đã lại sắp hết một năm. Tại sao càng lớn tuổi chúng ta càng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn trước?
Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein nói rằng, thời gian là tương đối. Không phải lúc nào thời gian cũng trôi qua với tốc độ như nhau. Trên thực tế, một giờ có thể giống như một khoảnh khắc, nhưng cũng có thể là một sự vĩnh cửu.
Ở khía cạnh khác, tốc độ của thời gian phụ thuộc vào những gì mà chúng ta đang làm. Dành một giờ để thưởng thức một buổi biểu diễn của ca sĩ mà bạn yêu thích không hề giống như bạn dành một giờ để xếp hàng làm những thủ tục hành chính. Trong trường hợp đầu tiên, thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Còn ở trường hợp thứ hai, thời gian dường như chẳng tiến thêm chút nào.
Thật vậy, mặc dù 1 giờ luôn đúng bằng 60 phút, nhưng nhận thức về nó có thể có sự khác biệt.
Khi trưởng thành, chúng ta thường nghiệm ra một điều khá khó chịu, đó là càng lớn tuổi thì thời gian dường như trôi nhanh hơn. Thực ra, có một lời giải thích khoa học cho điều này.
Năm 2005, hai nhà tâm lý học Marc Wittmann và Sandra Lenhoff đến từ Đại học Ludwig Maximilian ở Munich, Đức đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu hiện tượng này. Họ đã khảo sát 499 người trong độ tuổi từ 14 đến 94 để tìm hiểu xem những người này cảm nhận thời gian trôi qua như thế nào.
Các nhà tâm lý yêu cầu những người tham gia cho điểm từng khoảng thời gian nhất định dựa trên tốc độ mà họ nghĩ nó trôi qua. Sau đó, các nhà tâm lý quan sát thấy rằng, trong khoảng thời gian ngắn như một tuần hoặc một tháng, nhận thức về tốc độ không tăng đáng kể đối với người lớn tuổi. Hay nói một cách khác, nó không thay đổi theo độ tuổi. Tuy nhiên, khi tính khoảng thời gian dài hơn như một năm, một thập kỷ, sự khác biệt được nhìn thấy. Trên thực tế, người lớn có xu hướng cảm thấy rằng thời gian trôi qua nhanh hơn.
Hầu hết những người tham gia trên 40 tuổi đều nói rằng, họ cảm thấy thời thơ ấu của họ trôi qua thật chậm nhưng khi lớn lên, họ cảm thấy như thể thời gian đang ngày càng tăng tốc.
Thời gian trôi chậm hơn khi ta còn trẻ
Khi bạn còn nhỏ, mỗi ngày với bạn là một cuộc phiêu lưu. 24 giờ là rất nhiều khi bạn sống trong 8760 giờ, đó là trường hợp của một đứa trẻ 1 tuổi. Và khi bạn 10 tuổi, bạn đã sống 87600 giờ. Đến khi bạn 50 tuổi, bạn đã sống 438000 giờ. Do đó, đối với một đứa trẻ một tuổi, một ngày chiếm một tỷ lệ đáng kể trong toàn bộ trải nghiệm của chúng, nhưng với người lớn, một ngày chỉ là một khoảng thời gian ngắn, chiếm tỷ lệ ít ỏi trong toàn bộ cuộc đời.
Hãy thử nghĩ như thế này, khi bạn tròn 4 tuổi, 50% cuộc đời của bạn chỉ là 2 năm. Nhưng khi bạn bước sang tuổi 50, một nửa cuộc đời của bạn là 25 năm. Độ tuổi khác nhau có quan niệm thực sự khác nhau về thời gian, một phần là do cuộc sống của họ khác nhau. Thêm nữa, việc khái niệm hóa thời gian một cách trừu tượng khiến trẻ nhỏ chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Sự hiểu biết về thời gian chỉ bắt đầu được hình thành sau khi bạn đã 5 hoặc 6 tuổi.
Bên cạnh đó, cả chất lượng và mức độ mới lạ của mỗi trải nghiệm sống đều là những yếu tố đóng vai trò quyết định thời gian trôi nhanh hay chậm. Đồng thời, con người cũng có những quan điểm khác nhau về thời gian.
- Viễn cảnh tương lai là viễn cảnh mà chúng ta nhận thức về một sự kiện vẫn đang hoặc sẽ xảy ra trong tương lai.
- Viễn cảnh hồi tưởng xảy ra khi sự kiện đã kết thúc và do đó trở thành một phần trong quá khứ.
Chính vì lý do này mà bạn có thể cảm thấy thời gian trôi nhanh trong một kỳ nghỉ vui vẻ và thú vị (viễn cảnh tương lai) nhưng khi về nhà và nhìn lại chuyến đi, bạn có cảm giác rằng nó kéo dài lâu hơn những trải nghiệm kém tuyệt vời khác của bạn (góc nhìn hồi tưởng).
Điều này xảy ra bởi vì bộ não của bạn có xu hướng lưu trữ những trải nghiệm mới trong bộ nhớ chứ không phải những trải nghiệm quen thuộc hàng ngày. Do đó, bạn có thể nhớ chi tiết điều gì đó bất ngờ mà bạn đã trải qua trong một kỳ nghỉ kỳ lạ. Tuy nhiên, nếu bạn được hỏi bạn đã ăn gì vào bữa tối của thứ Năm tuần trước, bạn có thể không nhớ ra.
Sự mới lạ khiến thời gian trôi chậm lại
Nhà thần kinh học David Eagleman giải thích rằng, khi một trải nghiệm được lặp lại thường xuyên, các tế bào thần kinh sẽ ít được kích hoạt hơn. Mặt khác, ký ức về những trải nghiệm mới lạ phong phú hơn khiến các tế bào thần kinh được kích hoạt nhiều hơn.
Do đó, nhận thức của chúng ta về thời gian dựa trên số lượng ký ức mới của chúng ta. Giai đoạn tinh túy của những trải nghiệm mới là thời thơ ấu. Trong thời thơ ấu, chúng ta có những cuộc phiêu lưu sáng tạo hàng ngày. Tất cả mọi thứ đều được khám phá, bạn phải học hỏi từng ngày, từ các con vật, màu sắc, trò chơi, hoạt động với bạn bè, bữa ăn hoặc bất cứ điều gì khác xảy ra đều có thể mở ra một thế giới kỳ diệu và hấp dẫn. Tất cả mọi thứ đều là một kỳ quan tiềm năng.
Điều này có nghĩa là chúng ta càng trải qua nhiều trải nghiệm mới lạ và càng có nhiều ký ức, chúng ta càng cảm thấy thời gian được “kéo dài”. Tuy nhiên, cuộc sống của một người trưởng thành có xu hướng lặp lại thường xuyên với công việc, gia đình và trách nhiệm. Do đó, những trải nghiệm mới ngày càng trở nên rời rạc khi chúng ta già đi.
Bởi vậy, bạn có thể thay đổi nhận thức của mình về thời gian bằng cách kết hợp các hoạt động mới. Thoát khỏi sự đơn điệu sẽ mang đến cho bạn những bất ngờ thú vị. Ví dụ, bạn có thể đăng ký học nấu đồ Âu, lên kế hoạch cho một chuyến đi đến nơi có nền văn hóa khác biệt, thay đổi lộ trình đi làm hoặc chơi một môn thể thao mới mẻ.
Hãy làm bất cứ điều gì bạn chưa từng làm. Những trải nghiệm này sẽ mang đến cho bạn những ký ức mới, mặc dù chúng không cho phép bạn đóng băng thời gian, nhưng sẽ giúp bạn thấy thời gian trôi qua chậm hơn, và có ý nghĩa hơn.