Vì sao nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết 2-3 lần?
Hiện nhiều trẻ tại TP.HCM mắc sốt xuất huyết đến lần 2-3, tuy nhiên nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng trẻ chỉ bị sốt xuất huyết 1 lần dẫn đến nhầm lẫn với các bệnh như: COVID-19, cảm cúm thông thường.
Theo các bác sĩ, trung bình một người có thể mắc sốt xuất huyết đến bốn lần trong đời. Khi bị sốt xuất huyết lần 2, đa số trẻ sẽ bị nặng hơn lần đầu.
Cha mẹ đừng chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - phó khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết thời gian gần đây, bệnh viện hay tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi bị tái nhiễm sốt xuất huyết đến lần 2.
Nhiều bậc phụ huynh nhầm tưởng trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết lần 1 sẽ không có khả năng nhiễm sốt xuất huyết lần 2, lần 3.
Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng sốt xuất huyết từ 2-3 lần. Thực tế, tại bệnh viện ghi nhận phần lớn những bệnh nhi bị sốt xuất huyết lần 2 sẽ bị nặng hơn so với lần 1, có thể là do phản ứng miễn dịch của cơ thể khiến trẻ bị nặng hơn.
Lý giải về việc tái nhiễm này, bác sĩ Qui cho biết mắc sốt xuất huyết là do vi rút Dengue gây ra gồm bốn chủng lưu hành là D1, D2, D3 và D4.
Trong đó, chủng D1 và D2 đang hiện hành khá phổ biến, do đó người mắc chủng D1 vẫn có thể mắc chủng D2, khả năng tái nhiễm lần 3 (D3) và lần 4 (D4) rất hiếm vì hai chủng này ít xuất hiện.
Ví dụ năm ngoái nhiễm chủng D1 thì năm sau có thể nhiễm chủng D2. Tương tự, đối với người lớn cũng có khả năng mắc sốt xuất huyết 2-3 lần.
"Biểu hiện của hai lần nhiễm sốt xuất huyết cũng không có gì khác nhau, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao trên hai ngày, kèm theo đau đầu, mệt mỏi, đau hốc mắt, đau cơ, các chấm sốt xuất huyết trên da... Phụ huynh cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám", bác sĩ Qui thông tin.
Mắc tối đa 4 lần, nguy hiểm ở lần 2
Bác sĩ Qui cho biết thêm về phác đồ điều trị cho trẻ nhiễm sốt xuất huyết lần 2 tương tự lần 1, tuy nhiên phụ huynh phải lưu ý theo dõi và quan sát trẻ hơn so với lần đầu, nếu có dấu hiệu phải theo dõi sát hơn.
Hiện nếu thấy trẻ sốt được hai ngày, phụ huynh nên test COVID-19 tại nhà, nếu âm tính nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám có phải sốt xuất huyết không, nếu dương tính sốt xuất huyết phải theo dõi tái khám, quan sát sát hơn so với các bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Thành Úc - nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang - cho biết tối đa một người có thể nhiễm sốt xuất huyết bốn lần trong đời.
Mỗi lần sẽ mắc một chủng khác nhau, tuy nhiên điều nguy hiểm nhất sốt xuất huyết là khi mắc lần 2 sẽ tạo ra một loại miễn dịch tăng cường khiến người bệnh nặng hơn. Chúng dễ gây ra biến chứng nặng như sốc sốt xuất huyết, suy đa tạng...
"Khi thấy trẻ có năm biểu hiện như: lừ đừ, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết, tay chân lạnh phải theo dõi chặt, đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kể cả mắc lần 1, 2, 3 và 4. Sau khi nhiễm sốt xuất huyết lần 2 phụ huynh vẫn phải chú ý dinh dưỡng cho trẻ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả... để tăng sức đề kháng", bác sĩ Úc nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Úc, hiện nay rất nhiều trẻ bị sốt xuất huyết bị nhập viện muộn vì lý do nhiều phụ huynh chỉ nghĩ là trẻ bị ho, viêm họng nên cho điều trị tại nhà hoặc có các triệu chứng không nhận ra rất nguy hiểm.
Khẩn trương tìm thuốc trị sốc sốt xuất huyết
Hôm 9-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi đến các cơ sở nhập khẩu thuốc về việc cung ứng dịch truyền dextran để điều trị sốc sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, các dịch truyền chứa dextran 40 hoặc dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Việc nhập khẩu thuốc gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam (hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta).
Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc có chứa dextran 40 hoặc dextran 70 để trị sốc sốt xuất huyết.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục Quản lý dược.
Bên cạnh đó cung ứng thuốc đầy đủ theo dự trù của các sở y tế, bệnh viện, viện có giường trực thuộc bộ khi nhập khẩu được thuốc.
Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4 lần, số tử vong tăng 53 trường hợp.
Tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng.
Tại miền Nam, các bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng sau thời gian tự điều trị ở nhà. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch.
3 lưu ý quan trọng khi bị sốt xuất huyết
Bác sĩ Đình Qui cho biết dưới đây là ba nguyên tắc quan trọng, phụ huynh phải chú ý khi trẻ bị sốt xuất huyết.
1. Hiện nay trong phác đồ điều trị cho trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết của Bộ Y tế chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc hạ sốt là paracetamol. Phụ huynh tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác nhau: ibuprofen, aspirin...
Ngoài sử dụng thuốc hạ sốt, phụ huynh phải lưu ý lau mát cho trẻ, uống nhiều nước.
2. Thường phụ huynh khi thấy trẻ sốt kèm theo lạnh thường lấy chăn, mền để ủ ấm cho trẻ, tuy nhiên thao tác này không đúng sẽ ủ nhiệt càng làm trẻ sốt cao khiến trẻ bị co giật. Nên mặc áo thoáng mát, có thể để nhiệt độ phòng 27-28OC.
3. Khi thấy trẻ hết sốt ngày 3 trở đi cho rằng trẻ hết bệnh, thực tế đây là khoảng thời gian dễ trở nặng, do vậy phụ huynh phải theo dõi sát. Nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ cần được nhập viện ngay.