Vén màn những bí mật về tuyến đường vượt biên của người Việt Nam từ quê nhà sang châu Âu để mong đổi đời

Negroni,
Chia sẻ

Theo tổ chức Pacific Link, những con đường để đến với châu Âu một cách bất hợp pháp thường dừng chân ở Nga và điểm cuối là Vương quốc Anh.

Vén màn những bí mật về tuyến đường vượt biên của người Việt Nam từ quê nhà sang châu Âu để mong đổi đời - Ảnh 1.

Các quốc gia cửa ngõ

Phần lớn con đường để đến với Châu Âu sẽ dừng lại ở Nga đầu tiên. Theo phân tích của NRM, một tổ chức của nạn nhân buôn người và nô lệ hiện đại tại Anh, 49% trường hợp nhập cư trái phép đều đi qua Nga. Tại biên giới Nga, hộ chiếu Việt Nam sẽ được sử dụng một cách hợp pháp, tuy nhiên, những hộ chiếu này không nhất thiết phải thuộc về người đang có nó. Những kẻ buôn người có thể sử dụng hộ chiếu giả mang thị thực Nga để đi qua cửa khẩu. Đây không phải con số chính thức nhưng có khoảng 43.000 khách du lịch Việt Nam đã đến Nga trong năm 2017, tăng 19% so với 2016.

Vén màn những bí mật về tuyến đường vượt biên của người Việt Nam từ quê nhà sang châu Âu để mong đổi đời - Ảnh 2.

Công nhân Việt Nam thường bị cưỡng bức lao động ở Nga và thường hoạt động trong nghề dệt may, như một phương thức trả nợ cho việc di chuyển đến đây. Một báo cáo từ tổ chức TIP của Mỹ cho biết, người lao động Đông Nam Á trong đó có Việt Nam thường tham gia vào các ngành xây dựng, sản xuất, khai thác gỗ, nông nghiệp, gạch, dệt may, bán hàng tạp hóa, hàng hải và các ngành dịch vụ trong nước. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp phải đi ăn xin, nhặt rác và sống trên đường phố. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam cũng là nạn nhân của nạn buôn người để khai thác tình dục ở Nga. Hành trình đến châu Âu đầy rẫy nguy hiểm và có nguy cơ cao bị lợi dụng ngay từ đầu.

Tuyến đường châu Âu

Cách đi đến Châu Âu sẽ khác nhau đối với từng người. Tuyến đường qua Belarus, Latvia, Litva, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Đức, Bỉ, Hà Lan và Pháp là các tuyến đường bộ phổ biến đến Vương quốc Anh. Các tuyến đường quá cảnh qua Ukraine cũng được xác định. Nghiên cứu của Pacific Link cũng chỉ ra rằng Kaliningrad, một vùng đất nhỏ bé của Nga giữa Ba Lan và Litva, là một khu vực mà người di cư Việt Nam thường sử dụng khi cố gắng nhập cư vào Châu Âu.

Tuyến đường đến Châu Âu phổ biến nhất gần đây là đến Nga, sau đó là Latvia hoặc Belarus, sau đó đến Litva, nơi người di cư được chuyển bằng ô tô đến Ba Lan, đến Đức, Pháp hoặc Vương quốc Anh.

Có một số báo cáo cho thấy công dân Việt Nam đi bộ qua rừng Belarus và Latvia. Báo cáo TIP năm 2018 ghi nhận ngày càng nhiều nạn nhân Việt Nam đi qua Ba Lan vào Tây Âu sau khi bị buôn bán lao động ở Nga.

Vén màn những bí mật về tuyến đường vượt biên của người Việt Nam từ quê nhà sang châu Âu để mong đổi đời - Ảnh 3.

Báo cáo cho thấy, ngoài việc di chuyển trên đất liền còn có cách đi vào EU bằng máy bay qua việc gian lận visa. Cảnh sát Hà Lan đã xác định trẻ em Việt Nam đi du lịch bằng máy bay từ Việt Nam, Malaysia hoặc Đài Loan đến Nga hoặc Nam Mỹ nhưng sẽ quá cảnh ở Amsterdam. Những người này sẽ cố tình bỏ lỡ chuyến bay nối ở Amsterdam, và sau đó họ sẽ được chính quyền Hà Lan "cưu mang". Một chiến thuật tương tự cũng được sử dụng ở Pháp.

Chặng cuối của hành trình thường là từ Pháp. Từ phía bắc nước Pháp, muốn đến Vương quốc Anh, người nhập cư trái phép sẽ phải trả tiền cho những kẻ buôn người để được lên thùng xe tải. Một cuộc khảo sát thực địa do tổ chức France Terre d'Asile thực hiện đã khẳng định mô hình này và nhấn mạnh rằng Pháp là một địa điểm quan trọng trong hành trình của những người di cư trái phép đến Anh. Tại Pháp, khó khăn để vào Anh một cách hợp pháp đang tăng lên do điều kiện bấp bênh trong các trại tập trung và chi phí thông quan vô cùng cắt cổ.

Cũng có trường hợp công dân Việt Nam cố gắng đến Vương quốc Anh thông qua Hà Lan. Con đường phổ biến nhất đến Hà Lan đã được báo cáo là đi qua Trung Quốc và đi bằng đường bộ qua Nga, Belarus hoặc Ukraine và Ba Lan vào Đức và sau đó qua Pháp đến Hà Lan. Bến cảng chính của Hà Lan là Hook of Holland, nơi chỉ bằng một chuyến phà là đến Harwich, Anh và khởi hành hàng ngày.

Ý định đến Vương quốc Anh

Nhiều trẻ em Việt Nam nhập cư trái phép tại Hà Lan "cố sống cố chết" để đến Vương quốc Anh. Một lý do được đưa ra là họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi làm việc bất hợp pháp ở Anh so với bất kỳ nơi nào khác ở châu Âu.

Vén màn những bí mật về tuyến đường vượt biên của người Việt Nam từ quê nhà sang châu Âu để mong đổi đời - Ảnh 4.

Trong một cuộc phỏng vấn của tổ chức, một người Việt Nam đã được hỏi rằng tại sao không ở Hà Lan và nộp đơn xin tị nạn tại đất nước này. Ông nói rằng ông không thể làm việc ở đó và thà sống với cộng đồng người Việt ở Anh, những người đã bị buôn lậu theo cách tương tự từ Việt Nam còn hơn. Ông tin rằng những công việc có mức lương cao luôn có sẵn cho những người như mình.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, trẻ em Việt Nam giải thích rằng họ muốn đến Vương quốc Anh và dự định làm việc trong các tiệm nail ở đó. Họ cho biết những người Việt Nam khác, những người được "nhập lậu" thành công vào Vương quốc Anh, có thể kiếm được từ 2.000 bảng Anh đến 2.500 bảng Anh mỗi tháng khi làm việc bất hợp pháp.

Xu hướng mới nổi: tuyến đường Nam Mỹ

Các tuyến vận chuyển mới tích hợp du lịch Nam Mỹ qua Peru (Lima), Brazil hoặc Cộng hòa Dominican đang được sử dụng thường xuyên hơn để đến châu Âu, đặc biệt là đến Pháp.

Tuyến đường này liên quan đến vận tải hàng không ở Nam và Trung Mỹ trước khi vào EU. Một số bên liên quan đã xác định các tuyến đường qua Panama và Chile đến Pháp.

Vào tháng 12 năm 2018, Policía Nacional của Tây Ban Nha, được EUROPOL hỗ trợ, đã bắt giữ 37 thành viên của một băng đảng quốc tế đã "nhập lậu" 730 người Việt Nam vào Tây Ban Nha với giá 18000 Euro mỗi người. Những người di cư đã bị buôn lậu từ Việt Nam và vận chuyển qua Nam Mỹ vào EU thường theo từng nhóm 6-12 người. Các nhóm được dẫn dắt bởi một người biết tiếng Anh, người sẽ đi cùng họ từ đầu cuộc hành trình.

Những người này sẽ thường trả tiền bằng những cách sau: Thanh toán tại Việt Nam bằng đất đai, tài sản hoặc sẽ phải làm việc trả nợ khi đến Châu Âu.

EUROPOL ước tính mạng lưới tội phạm dàn xếp số tiền này đã kiếm được hơn 13 triệu EUR.

(Theo báo cáo của Pacific Link)

Chia sẻ