Vấn nạn hiếp dâm 'phủ bóng' du lịch Ấn Độ
Vụ việc nữ du khách nước ngoài bị cưỡng bức tập thể gần đây khiến dư luận Ấn Độ một lần nữa bức xúc trước bạo lực với phụ nữ, lo ngại ảnh hưởng lớn đến du lịch.
Trong đoạn video trên Instagram (đã bị xóa), nữ du khách run rẩy kể lại: “Có chuyện đã xảy ra với chúng tôi mà chúng tôi không mong muốn bất kỳ ai gặp phải”. Bạn trai đi cùng cô cho biết: “Chúng tôi bị hành hung trong lều. Chúng tôi bị đánh. Có những kẻ kề dao vào cổ chúng tôi và cô ấy bị 7 gã cưỡng hiếp”.
Cả hai du khách cho biết họ là blogger du lịch. Họ bị tấn công khi đang cắm trại ở một khu rừng quận Dumka, phía đông bang Jharkhand, Ấn Độ, trên đường chuẩn bị đến nước láng giềng Nepal.
Xe tuần tra của cảnh sát sau đó đã tìm thấy và hỗ trợ đưa họ đến bệnh viện. Cảnh sát ở Jharkhand đã xác nhận vụ việc và bắt giữ 3 người đàn ông vào cuối tuần qua, truy lùng thêm 4 nghi phạm.
Vấn đề nhức nhối
Vụ việc gây ra làn sóng phản ứng dữ dội trên toàn Ấn Độ, về một trong những vấn đề nhức nhối của nước này. Ấn Độ đã và đang trong cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ nhằm hạn chế bạo lực tình dục đối với phụ nữ.
Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, các báo cáo về các vụ tấn công tình dục khủng khiếp đối với phụ nữ đã trở nên quen thuộc ở Ấn Độ. Cảnh sát nước này ghi nhận 31.516 vụ hiếp dâm vào năm 2022, tăng 20% so với năm 2021.
Con số thực tế được cho là còn cao hơn vì xung quanh bạo lực tình dục còn nhiều định kiến và không phải nạn nhân nào cũng đủ tin tưởng để trình báo cảnh sát. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho biết vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, nơi nạn nhân bị tấn công tình dục xấu hổ với gia đình và cộng đồng, lo lắng về địa vị xã hội của họ.
Hiếp dâm và bạo lực tình dục ở Ấn Độ được chú ý kể từ vụ hãm hiếp tập thể trên xe buýt năm 2012, khiến một sinh viên 23 tuổi ở New Delhi thiệt mạng. Vụ tấn công làm dấy lên các cuộc biểu tình rầm rộ và khiến các nhà lập pháp ra lệnh thành lập các tòa án xét xử nhanh dành riêng cho các vụ hiếp dâm và tăng cường hình phạt.
Luật liên quan tại Ấn Độ được sửa đổi vào năm 2013, hình sự hóa hành vi rình rập, rình mò và hạ thấp độ tuổi có thể bị xét xử từ 18 xuống 16.
Bất chấp luật pháp nghiêm ngặt, một số ý kiến cho rằng Ấn Độ vẫn chưa làm đủ để bảo vệ phụ nữ và trừng phạt những kẻ tấn công. Theo một số báo cáo của chính phủ, trong vài năm gần đây, tỷ lệ kết án các vụ hiếp dâm ở mức dưới 30%.
“Phủ bóng” ngành du lịch
Các vụ hiếp dâm liên quan đến du khách nước ngoài đã thu hút sự chú ý quốc tế về vấn đề này. Năm 2022, một du khách người Anh bị cưỡng hiếp ngay trước mặt bạn trai ở Goa. Đầu năm nay, một phụ nữ Mỹ gốc Ấn cho biết cô bị cưỡng hiếp tại một khách sạn ở New Delhi.
Vào tháng 1, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã khôi phục án chung thân cho 11 người đàn ông đạo Hindu đã cưỡng hiếp một phụ nữ Hồi giáo trong cuộc bạo loạn tôn giáo chết người hai thập kỷ trước.
Năm ngoái, các đô vật nữ Ấn Độ đã biểu tình phản đối người đứng đầu liên đoàn đấu vật, cáo buộc ông ta liên tục có hành vi sàm sỡ phụ nữ. Sau nhiều tháng phản đối, Brij Bhushan Sharan Singh bị buộc tội tại tòa vì theo dõi, quấy rối và đe dọa. Singh phủ nhận các cáo buộc.
Theo Hindustan Times, một nhà báo Ấn Độ bình luận: “Một cuộc tấn công khủng khiếp như thế này có thể đảo ngược nỗ lực hàng thập kỷ nỗ lực của Ấn Độ để khẳng định mình là ‘một điểm đến du lịch đáng kinh ngạc’”.
Tòa án tối cao Jharkhand cho rằng vụ việc sẽ gây ra "những hậu quả nghiêm trọng trong nước và quốc tế, bao gồm cả ảnh hưởng đến nền kinh tế du lịch. Tội phạm liên quan đến tình dục đối với phụ nữ nước ngoài có thể gây ra dư luận bất lợi cho đất nước và do đó làm hoen ố hình ảnh của Ấn Độ trên toàn cầu”.
Chưa có khảo sát mới về việc vụ tấn công gần đây ảnh hưởng đến du lịch Ấn Độ như thế nào. Nhưng sau vụ năm 2012, một công ty du lịch cho biết, họ thậm chí không dám nhận khách nữ du lịch một mình. Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đều giảm mỗi khi có sự cố tương tự xảy ra trong quá khứ.
Ấn Độ đã có các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch như triển khai cảnh sát du lịch đặc biệt để tuần tra các điểm du lịch lớn và đường dây trợ giúp miễn phí đa ngôn ngữ do phụ nữ cầm máy. Đường dây trợ giúp sẽ cung cấp một số dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm cung cấp cho họ thông tin chi tiết về các đồn cảnh sát gần nhất và cách đăng ký khiếu nại.
Cũng có ý kiến cho rằng không nên quá hoảng loạt vì các sự cố. Theo Văn phòng Nước ngoài, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) của Vương quốc Anh, khu vực nông thôn Jharkhand nơi xảy ra vụ tấn công là nơi du khách có nguy cơ gặp phải “tội phạm bạo lực” cao, và do đó họ được khuyến khích thông báo cho chính quyền địa phương nếu định đến thăm.
“Vụ việc này đáng báo động, đặc biệt vì người phụ nữ này bị tấn công ngay cả khi đi cùng bạn trai, nhưng liệu Ấn Độ có nguy hiểm hơn bất kỳ quốc gia nào khác không? Tôi nghĩ là chưa chắc", Jonny Bealby, chủ sở hữu của Wild Frontiers, công ty đã hoạt động ở Ấn Độ được 20 năm, nói. Ông cho rằng: “Bạn chỉ cần nhận thức được những nguy hiểm, tỉnh táo và đề phòng ở Ấn Độ, giống như khi bạn đi du lịch bất cứ đâu".